30/10/2018 11:16 GMT+7

Trợ giá xe buýt và quyền lợi hành khách

PGS.TS NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG - QUANG TÙNG
PGS.TS NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG - QUANG TÙNG

TTO - Liên quan đến những "bất thường" trong trợ giá xe buýt, nhiều xe buýt ngưng chạy, xe buýt sẽ giảm chuyến. Ai quan tâm đến quyền lợi của hành khách đã và đang chọn phương tiện công cộng này?


Trợ giá xe buýt và quyền lợi hành khách - Ảnh 1.

Hành khách xe buýt luôn mong được phục vụ tốt hơn. Ảnh trên xe buýt số 8 (Bến xe quận 8 - Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ ngày 29-10 phản ánh bất thường trong trợ giá xe buýt ở TP.HCM. Vấn đề cần đặt ra: "sự bất thường" sẽ ảnh hưởng gì đến hành khách xe buýt? Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

Xe buýt cần phục vụ hành khách tốt hơn

Với người đi xe buýt, điều quan trọng nhất là giá vé phải phù hợp. Hơn mười năm qua giá vé xe buýt ở TP.HCM có điều chỉnh tăng theo giá xăng dầu tăng. Giá vé tăng cũng đồng nghĩa với việc hành khách cùng chia sẻ gánh nặng ngân sách chi trợ giá. 

Việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt ở mức phù hợp nên vẫn thu hút nhiều người đi xe buýt. Hành khách sẵn sàng chấp nhận tăng giá vé xe buýt vì có lý do chính đáng với mong muốn được phục vụ tốt hơn. Hành khách xe buýt không mong muốn gì hơn là xe buýt đến trạm đúng giờ, trên xe thân thiện, ít bị "nhồi nhét"... 

Nếu hầu hết các tuyến xe buýt đồng loạt giảm số lượng xe nghĩa là hành khách phải chờ đợi lâu hơn ở trạm và đi trên những chuyến xe đông đúc, chật chội hơn. Đó là điều có thể nhìn thấy trước.

Các đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt ở TP.HCM được ngân sách trợ giá vé xe buýt mỗi năm 1.000 tỉ đồng và có năm số tiền trợ giá lên đến 1.300 tỉ đồng. Kinh doanh trong điều kiện ưu đãi từ "bầu sữa" ngân sách, xe buýt không phải lo cạnh tranh, không lo sợ bị phá sản như các ngành nghề vận tải khác. 

Đáng ra, các đơn vị vận tải xe buýt phải nỗ lực cải thiện hình ảnh và dịch vụ tốt hơn. Đằng này, đây đó vẫn "lùm xùm" việc so bì hơn kém chuyện nhận tiền trợ giá, nhiều xe nằm bến phơi nắng phơi mưa trong khi hành khách nhiều tuyến vẫn chen chúc trên những chuyến xe đông quá mức.

Hơn 1.000 tỉ đồng chi trợ giá xe buýt là số tiền không nhỏ. Khoản chi này nhằm giảm giá vé cho hành khách, thu hút khách đi phương tiện công cộng, kéo giảm kẹt xe ở đô thị. Từ những vụ "lùm xùm" tiền trợ giá vừa qua, không thể không đặt vấn đề vai trò quản lý của ngành giao thông vận tải thành phố. 

Tiền trợ giá cần được chi đảm bảo công bằng và hợp lý nhất. Cần tập trung trợ giá cho các tuyến có lượng khách đi lại nhiều và nên tăng chuyến phục vụ hành khách (thay vì để xảy ra tình cảnh có thể giảm chuyến).

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần đưa ra các tiêu chí trợ giá xe buýt cụ thể và công khai với các đơn vị vận tải, công khai cho công luận và người dân biết, cùng giám sát. Cách làm này để giảm những "bất thường" trợ giá xe buýt, gây mất hình ảnh phương tiện công cộng.

Bạn đọc QUANG TÙNG

Cần thay đổi cách trợ giá

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những "bất thường trong trợ giá xe buýt" nhưng cốt lõi vẫn là cách tính trợ giá hiện nay (trợ giá = tổng chi phí - doanh thu đặt hàng). Với công thức này, tiền trợ giá được thực hiện theo chuyến xe chứ không phải là trợ giá trực tiếp hành khách đi xe.

Theo công thức trên, doanh thu đặt hàng (sản lượng hành khách đi xe buýt) được cơ quan quản lý khoán xuống cho các hợp tác xã. Điều này dễ dẫn tới thống kê ảo nhưng khi mức khoán quá cao (trong khi hành khách đi xe buýt giảm - PV), nhiều xã viên, hợp tác xã không "chịu nổi". 

Đây là một trong những lý do đến thời điểm này nhiều hợp tác xã vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Mức tạm ứng chi phí không đủ hoạt động khiến nhiều xã viên, hợp tác xã đang rơi vào "khủng hoảng", xe buýt bỏ chuyến hàng loạt.

Cơ quan quản lý cần đẩy nhanh tốc độ giải quyết "nhùng nhằng" trợ giá thời gian qua nếu không muốn hoạt động xe buýt lún sâu vào "khủng hoảng". Cần quyết tâm thay đổi cách tính trợ giá hiện nay, chuyển từ trợ giá/chuyến chuyển sang trợ giá/hành khách.

Để làm được điều này, cần sớm triển khai việc thu phí tự động, thông qua vé điện tử. Khi sản lượng hành khách đi xe buýt được giám sát một cách thực chất, khoa học không chỉ giúp việc tính toán trợ giá hiệu quả mà việc phân luồng, tuyến buýt lại hợp lý hơn. 

Mức trợ giá bình quân/hành khách có thể giảm nhưng nếu hành khách đi xe buýt càng nhiều thì mức trợ giá sẽ tăng tương ứng. Đây chính là động lực khuyến khích xã viên đầu tư xe, chăm chút cho dịch vụ để nâng cao chất lượng thu hút hành khách thêm.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng (Trường ĐH GTVT phân hiệu TP.HCM)

Xe buýt tiếp tục giảm chuyến

Trong khi những bất cập công tác trợ giá xe buýt chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng xe buýt bỏ chuyến tiếp tục diễn ra. Đại diện Hợp tác xã 28 cho biết từ ngày 28-10 nhiều xã viên tuyến xe buýt số 15 (chợ Phú Định - Đầm Sen) liên tục ngưng chạy.

Cụ thể, theo vị này, mỗi ngày ngưng khoảng 37 chuyến (giảm khoảng 1/3 số chuyến so với ngày thường). Nguyên nhân do hiện nay các xã viên vẫn chưa đồng ý ký hợp đồng đặt hàng bởi mức trợ giá năm nay chỉ khoảng 61.000 đồng/chuyến, trong khi năm trước là 112.000 đồng. Trước đó, hàng loạt tuyến như: 09, 14, 15, 16, 19, 47, 144, 151... cũng thực hiện giảm chuyến.

Q.KHẢI - Đ.PHÚ

Cần xem xét trách nhiệm các bên

bus 06

Tuyến xe buýt số 6 (Bến xe Chợ Lớn - Đại học Nông lâm TP.HCM) là một trong những tuyến phải giảm chuyến - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 29-10, lãnh đạo một số hợp tác xã xe buýt chưa ký hợp đồng đặt hàng với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho biết sẽ ký hợp đồng đối với một số tuyến khi thấy mức trợ giá đủ bù đắp chi phí hoạt động.

"Chúng tôi đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Sở GTVT TP cần tính toán lại: tuyến nào cao quá thì hạ xuống, tuyến nào thấp thì nâng lên cho công bằng và không dẫn đến khiếu nại nữa" - đại diện một hợp tác xã xe buýt đề nghị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về câu chuyện: "Bất thường trợ giá xe buýt" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 29-10, một lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết đã yêu cầu Sở GTVT báo cáo vụ việc trên để có hướng chỉ đạo tiếp theo. Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ có văn bản gửi báo Tuổi Trẻ trả lời về nội dung trên.

Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình - phó trưởng Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM - nói HĐND TP cũng nắm tình hình trợ giá xe buýt thời gian qua có nhiều bất cập. Theo ông Bình, đúng ra ngay từ đầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phải ký hợp đồng với các đơn vị dựa vào nguồn ngân sách TP phân bổ cho hoạt động trợ giá xe buýt là 1.000 tỉ đồng. Trường hợp không đủ kinh phí thì phải cân đối, bố trí luồng tuyến lại cho phù hợp với mức dự toán này. Tiền ngân sách muốn xin bổ sung thêm thì phải được thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ...

Đề cập câu chuyện tới nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa ký hợp đồng đặt hàng và tình trạng xe buýt bỏ chuyến..., ông Bình cho biết hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương "điều tra" để giải quyết trong thời gian sớm nhất. Ông cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm các bên bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, kể cả các xã viên, hợp tác xã.

Sở GTVT TP.HCM vừa điều chỉnh giảm số tiền xin bổ sung trợ giá hoạt động xe buýt còn 168 tỉ đồng thay vì là 330 tỉ so với trước (giảm 162 tỉ). Trước đó, nguồn ngân sách phân bổ cho việc trợ giá hoạt động xe buýt ở TP là 1.000 tỉ đồng. Xài chưa hết, Sở GTVT đề xuất xin thêm 330 tỉ đồng nhưng Sở Tài chính yêu cầu phải tính toán lại vì việc đề xuất này chưa đúng quy định, nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Dù Sở GTVT đã điều chỉnh giảm tiền trợ giá còn 168 tỉ nhưng Sở Tài chính TP vẫn đang cân nhắc, thẩm định trước khi trình UBND TP xem xét.

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ

PGS.TS NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG - QUANG TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên