28/09/2013 05:15 GMT+7

"Trò chơi" thơ trên đường đưa con đến trường

VŨ NHI
VŨ NHI

TT - Hồi BonBon học mẫu giáo, gần như ngày nào mẹ Út cũng chở con đến trường.

Sáng sớm, đường vắng và mát, mẹ Út lại chạy xe chậm, hai mẹ con tha hồ kể chuyện, đọc thơ và thậm chí còn... chơi với thơ nữa. BonBon có trí nhớ tốt, chỉ cần đọc qua một, hai lần bài thơ là lần sau BonBon có thể cùng đọc với mẹ Út, lần sau nữa có thể tự đọc một mình. BonBon cũng hay hỏi và hay “chế” thêm cho thơ, bởi vậy mới có những trò chơi với thơ trên đường đến trường.

Một trong những bài thơ vừa đọc vừa chơi trên đường đến trường của BonBon mà có thể chơi được đến mấy ngày là bài Mời vào của nhà thơ Võ Quảng.

Bài thơ mở đầu rất dễ thương:

Cốc cốc cốc/Ai gọi đó/Tôi là thỏ/Nếu là thỏ/Cho xem tai

Cốc cốc cốc/Ai gọi đó/Tôi là nai/Thật là nai/Cho xem gạc...

Đến lượt mẹ Út và BonBon tung tẩy thế này:

BonBon: Cốc cốc cốc.

Mẹ Út: Ai gọi đó?

BonBon: Tôi là cây.

Mẹ Út: Nếu là cây, cho xem lá!

Rồi đổi lại:

Mẹ Út: Cốc cốc cốc.

BonBon: Ai gọi đó?

Mẹ Út: Tôi là xe.

BonBon: Nếu là xe, cho xem bánh!

Mẹ Út: Cốc cốc cốc.

BonBon: Ai gọi đó?

Mẹ Út: Tôi là sách.

BonBon: Nếu là sách, cho xem trang!

Thú vị nhất là những câu đáp của BonBon làm mẹ Út rất bất ngờ, theo cái logic trong veo của con, chứ không phải logic cứng như củi của mẹ Út. Ví dụ như:

Mẹ Út: Tôi là chó.

BonBon: Nếu là chó, cho xem xương!

Mẹ Út: Ủa ủa, sao xem xương chó được?

BonBon: Đâu phải xương chó, cục xương con chó gặm mà!

...

Mẹ Út: Tôi là hoa.

BonBon: Nếu là hoa, cho xem đẹp!

Mẹ Út: Tôi là nước.

BonBon: Nếu là nước, cho xem mưa!

Cứ thế, một bài thơ mà hai mẹ con chơi được mấy ngày, đến khi chán đổi qua bài khác như những bài:

Mẹ, mẹ ơi cô dạy/Cãi nhau là không vui/Cái miệng nó xinh thế/Chỉ nói điều hay thôi.

hoặc

Bà Còng đi chợ trời mưa/Cái Tôm cái Tép đi đưa bà Còng...

Một hôm nào đó, mẹ hoặc bé đột nhiên xướng lên: Cốc cốc cốc! Thế là bên kia ngay lập tức hớn hở phụ họa: Ai gọi đó?... và cứ như vậy, trò chơi riêng của hai mẹ con lại bắt đầu.

Một bài thơ nhỏ, vừa tập cho bé quan sát xung quanh, sau nâng cao thành những sự việc bé nghĩ trong đầu; rồi từ sự vật mẹ nêu ra, bé tìm kiếm sự vật, tính chất, hiện tượng có liên quan để đọc nối tiếp thành một đoạn thơ mới, vừa dễ chơi, vừa dễ thương, mà sau khi đưa con đến trường, mẹ đến chỗ làm lòng vẫn còn hớn hở.

Gợi ý cho các bà mẹ yêu con và yêu thơ

Những bài thơ ngắn dễ thuộc, lời thơ vui, giàu hình ảnh là “công cụ” rất hữu dụng để bạn áp dụng trong trò chơi thơ của hai mẹ con. Kho tàng các bài đồng dao của Việt Nam như Chi chi chành chành, Kéo cưa lừa xẻ, Ăn một bát cơm/ nhớ người cày ruộng... và các tập sách thơ với hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu là một gợi ý rất hay để bạn triển khai trò chơi thơ này.

Sau đây là những cuốn sách thơ để bạn có thể đọc cùng bé:

- Các tập thơ và đồng dao của NXB Kim Đồng: Góc sân và khoảng trời - Trần Đăng Khoa, Những vần thơ ngộ nghĩnh - Chú bò tìm bạn - Phạm Hổ, Bài ca Trái đất - Định Hải, Bầu trời trong quả trứng - Xuân Quỳnh, Đồng dao cho bé: chi chi chành chành - trò chơi dân dã, Nựng nựng nà nà - câu hát yêu thương, Ông trẳng ông trăng - bài học lý thú.

- Các tập thơ ngắn liên quan đến các con vật nhỏ dễ thương của NXB Trẻ: Dê con làm thơ, Ngựa con thăm bà, Rồng con làm mưa, Mèo con thật ngoan... hoặc bộ 12 con giáp - thơ vui cho bé, đọc hay dễ nhớ.

- Hai tập thơ của NXB Văn Học: Thơ cho bé tập nói, Lời ru của mẹ...

- Bộ đồng dao cho bé của Alpha Kid gồm bảy cuốn có chủ đề: Loài vật quanh ta, Đồ vật quanh ta, Thiên nhiên tươi đẹp, Giáo dục nhân cách...

VŨ NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Góc sách cho con