Đại biểu Trần Thanh Hải, phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động VN, cho rằng luật phải đặt lên hàng đầu nguyên tắc ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát vấn đề tai nạn lao động.
Theo ông Hải, điều 26 quy định “du di” dành cho người sử dụng lao động “tùy theo điều kiện cụ thể”, “có thể” để tổ chức cho người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe.
“Với quy định như vậy người lao động sẽ không phục hồi được sức khỏe. Cần phải khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức cho người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém hơn được điều dưỡng sức khỏe hằng năm” - ông Hải nói.
Ông cũng đề nghị phải có chính sách trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động trong bất kỳ trường hợp nào. Đã bị, không phân biệt do lỗi của ai. Bởi khi bị tai nạn lao động thì thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng lâu dài tương lai của người lao động.
Đại biểu Khuất Thị Duyền (Thái Bình) cũng đề nghị mở rộng chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm nghề nghiệp cho nhóm lao động nằm ngoài mối quan hệ lao động (không có hợp đồng).
Bà Duyền đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ một phần cho người lao động vì đây là chính sách nhân đạo của Nhà nước. Đồng ý với ý kiến này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng đây sẽ là một quy định nhân văn vì bất cứ ở đâu có việc làm thì đều có thể xảy ra tai nạn lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận