19/05/2025 09:27 GMT+7

Trình dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 4 làn xe, hoàn thành năm 2029

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 125km, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chia thành 2 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

cao tốc Quy Nhơn – Pleiku - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 19-5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày trước Quốc hội tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku 4 làn xe

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đi qua thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn (Bình Định) và thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa, TP Pleiku (Gia Lai). Dự án bắt đầu từ quốc lộ 19B (An Nhơn) và kết thúc tại đường Hồ Chí Minh (Pleiku).

Tổng chiều dài khoảng 125km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85km. Dự án có quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,7m.

Suốt chiều dài dự án dự kiến đầu tư 8 nút giao khác mức liên thông (3 nút giao thuộc địa phận tỉnh Bình Định và 5 nút giao thuộc địa phận tỉnh Gia Lai) và phân kỳ đầu tư đối với 2 nút giao khác mức liên thông.

Cùng với đó dự kiến xây dựng 3 hầm (2 hầm tại khu vực đèo An Khê, 1 hầm tại khu vực đèo Mang Yang).

Mặt khác đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) hiện đại, đảm bảo thuận lợi trong việc kiểm soát giao thông trên toàn tuyến; sử dụng công nghệ thu phí tự động không dừng; đầu tư 2 trạm dừng nghỉ phục vụ khai thác; đầu tư hệ thống trạm kiểm soát tải trọng xe theo quy định.

Theo ông Minh, để làm dự án cần khoảng 942ha đất, gồm 189ha đất trồng lúa (trong đó 181ha đất lúa 2 vụ trở lên), 257ha đất lâm nghiệp (94ha rừng phòng hộ) và 494ha đất khác. Khoảng 491 hộ bị ảnh hưởng.

Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (tăng thu, tiết kiệm chi năm 2024, ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2030).

Dự kiến thực hiện từ năm 2025, hoàn thành năm 2029, chia làm 2 dự án thành phần: một tại Bình Định, một tại Gia Lai.

Hình thành trục ngang Đông - Tây kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ

Nói về sự cần thiết đầu tư dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Tây Nguyên, đặc biệt Gia Lai, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhờ tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng, đất đai màu mỡ thích hợp nông nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả) và tiềm năng năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời).

Vùng này còn thuận lợi giao thương giữa Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Bình Định, trung tâm kinh tế - chính trị Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về kinh tế biển, du lịch và giao thương quốc tế. Tỉnh đang tập trung phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội đa ngành, trọng tâm công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch và đô thị sinh thái.

Tuy nhiên giao thông kết nối Gia Lai, Kon Tum với Bình Định và Duyên hải Nam Trung Bộ chủ yếu bằng đường bộ (quốc lộ 19, 24, 25). Vận tải thủy, sắt khó phát triển; hàng không chủ yếu phục vụ hành khách.

Kết nối hiện tại chỉ đáp ứng nhu cầu thông thường, chưa thu hút đầu tư do chi phí vận tải cao, chưa phát huy lợi thế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch của Gia Lai, Kon Tum.

Quốc hội và Chính phủ đã ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến ngang như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (3.000km vào năm 2025). Do đó, việc nghiên cứu đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là cần thiết.

Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ giúp hình thành trục ngang Đông - Tây kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với hệ thống trục dọc hiện hữu (cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường ven biển).

Từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải; thúc đẩy phát triển kinh tế vùng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tăng năng lực cạnh tranh, liên kết vùng; góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nghị quyết Đại hội XIII.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cho hay thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, dự kiến tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh.

Bên cạnh đó dự án có địa hình phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao, do đó đề nghị làm rõ hơn các nguyên tắc, tiêu chí phân chia các dự án thành phần của dự án nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hiệu quả của toàn bộ dự án và phù hợp với định hướng sáp nhập 2 tỉnh gắn với năng lực quản lý của địa phương.

Một số ý kiến cho rằng dự án có địa hình phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao (nhiều cầu, hầm…), do đó đề nghị cân nhắc phân chia dự án thành 3 dự án thành phần, giao cho Bộ Xây dựng (dự án thành phần có yêu cầu kỹ thuật cao) và 2 địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện.

Trình dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku 4 làn xe, hoàn thành năm 2029  - Ảnh 2.Đề xuất điều chỉnh tốc độ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku lên 100km/h

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất tốc độ thiết kế 100km/h trên toàn tuyến, thay phương án cũ 80km/h một số đoạn qua đồi núi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên