Bị can Lương Duy Phúc tại cơ quan điều tra - Ảnh: ĐOÀN DIỂU
Ngày 7-11, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết đơn vị vừa triệt phá đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Đây là loại tội phạm mua bán hóa đơn với mục đích vi phạm hoàn toàn mới và chưa từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Theo điều tra, ngày 3-3, Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt quả tang bốn phương tiện sà lan ở các tỉnh Bến Tre và Hậu Giang đang có hành vi mua bán trái phép hóa đơn cát tại địa bàn xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Lực lượng cảnh sát đã khám xét chỗ ở và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp nghi phạm Lương Duy Phúc (39 tuổi, ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) là giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lương Duy Phúc, đồng thời khám xét thêm ba công ty khác trên địa bàn xã Thường Phước 2 và xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, do vợ, em ruột và người thân của Phúc đứng tên.
Qua khám xét, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện, thu giữ nhiều thiết bị, con dấu, tài liệu đồ vật có liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn của các nghi phạm.
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Nguyễn Kim Tùng (47 tuổi, ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự). Đây là người giúp sức cho Phúc thực hiện hành vi phạm tội.
Lương Duy Phúc khai nhận cả bốn doanh nghiệp do Phúc thành lập từ năm 2016-2019, nhằm xuất hóa đơn cho các phương tiện khai thác cát trái phép không có hóa đơn.
Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp đọc lệnh khám xét nơi ở nhà bị can Lương Duy Phúc - Ảnh: ĐOÀN DIỂU
Đến thời điểm bị bắt, Phúc và các đồng phạm đã mua vào 805 hóa đơn và bán ra 13.548 hóa đơn cát "khống" có trị giá gần 200 tỉ đồng cho các sà lan vận chuyển cát về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Phúc và các đồng phạm đã thu lợi bất chính trên 3,4 tỉ đồng.
Theo thượng tá Trần Anh Chánh - phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Đồng Tháp, ban chuyên án xác định đối tượng Lương Duy Phúc là chủ mưu cầm đầu cùng với Nguyễn Kim Tùng đã thực hiện hành vi mua bán hóa đơn.
Ông Trần Văn Khoa - phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp - cho biết hành vi này xét về tổng thể thiệt hại ngân sách nhà nước rất nhiều. Vì Phúc đã tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép tài nguyên của các địa phương.
"Số lượng cát này nếu như theo quy định của pháp luật thì phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng rất lớn; làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rồi môi trường đầu tư và môi trường tài nguyên, gây thiệt hại rất lớn" - ông Khoa nói.
Thời gian gần đây Công an tỉnh Đồng Tháp liên tục bắt giữ nhiều sà lan khai thác cát trái phép - Ảnh: ĐOÀN DIỂU
Đáng chú ý, quá trình điều tra cho thấy cả bốn công ty do Phúc lập ra, không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh.
Thực tế, các đối tượng đã thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm khách hàng bán hóa đơn cho các chủ sà lan trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, nhằm hợp thức hóa trên đường vận chuyển và đối phó với lực lượng chức năng khi kiểm tra.
Ngoài ra, Công an tỉnh Đồng Tháp còn khởi tố thêm hai bị can là Lê Ngọc Tho (38 tuổi, vợ Phúc) và Lương Bảo Vy (31 tuổi, em ruột Phúc), với vai trò đồng phạm. Đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bốn bị can và cho tại ngoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận