29/06/2012 05:04 GMT+7

Triết học của cuộc sống

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Khán phòng của báo Sài Gòn Tiếp Thị hôm 28-6 đã đón chật kín khách đến nghe giới thiệu tác phẩm mới của nhà nghiên cứu, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn: quyển sách Trò chuyện triết học.

jRwymedf.jpgPhóng to
Tác giả Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu quyển sách mới - Ảnh: L.Điền

Buổi giới thiệu sách kỳ thực là một cuộc giao lưu rộng hơn nội dung sách, để nhiều bạn đọc có dịp trao đổi và nghe dịch giả Bùi Văn Nam Sơn tâm sự về tầm quan trọng của triết học trong cuộc sống con người.

Là người nghiên cứu sâu về triết học phương Tây, trong thời gian qua Bùi Văn Nam Sơn đã dịch, chú thích, hiệu đính hàng loạt sách triết học kinh điển của I. Kant, G.W.F. Hegel để phổ biến ở Việt Nam như một chương trình nỗ lực cập nhật mảng triết học hàn lâm cho công chúng trong nước.

Và kể từ ngày 25-5-2010, ông giữ mục Trò chuyện triết học trên báo Sài Gòn Tiếp Thị - là khởi nguồn của tập sách hôm nay, sau 92 kỳ xuất hiện đều đặn tính đến bài cuối cùng xuất hiện vào ngày 16-4-2012. Những duyên dáng của lối viết về triết học nhưng gần gũi, sống động và… thời thượng (kiểu “Aristoteles và sự quản trị tri thức”, “2 + 2 =?”, “Giao lưu trực tuyến với Hobbes, Locke và Rousseau”) của chuyên mục ấy một lần nữa được tác giả khéo léo chuyển vào buổi giao lưu, khiến các vấn đề triết học được chia sẻ mềm mại hơn, và có lẽ ít cuộc nói chuyện triết học nào nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng như vậy.

Như một cách chia sẻ thông tin, ông Nam Sơn cho biết từ thế kỷ 19 người ta đã “kéo triết học từ trên trời xuống đất”, tức diễn đạt và phổ biến triết học gần hơn với cuộc sống thực tế của con người; và nay “triết học cần được mang vào phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách… để không chỉ các cụ già mà thanh niên, phụ nữ, giới trẻ đều có thể yêu thích triết học”.

Để có thể thực hiện điều đó trong thực tế, không chỉ cần am hiểu chắc chắn các kiến thức triết học hàn lâm, mà còn cần khả năng diễn đạt các vấn đề triết học bằng ngôn ngữ đời thường nhưng không rẻ tiền, dễ hiểu nhưng đủ sâu sắc để chuyển tải các nội hàm triết học.

Về mặt này, Bùi Văn Nam Sơn tỏ ra xuất sắc trong vai trò làm cầu nối để vận dụng các khả năng của triết học đề cập những vấn đề thiết thân, bức xúc của cuộc sống ở mức đủ thu hút công chúng và thuyết phục được mọi người bằng những đề xuất giải quyết vấn đề. Chẳng hạn như đọc bài “Thân xác và… tự do” mới thấy dường như một vài “người của công chúng” đã làm nóng dư luận gần đây do sự chệch choạc trong nhận thức về thân xác con người - một đề tài triết học kinh điển.

Tập sách được “cơ cấu” thành bốn phần: Đường vào triết học, Khoa học và giáo dục, Con người tự nhiên và văn hóa, Kỹ thuật và công nghệ; với tác giả thì đây mới chỉ là cửa vào của triết học, nằm ở kỳ vọng đưa những tri thức cao cấp đến với đời sống hằng ngày, bởi “những vấn đề đời thường vẫn có chất lượng triết học của nó”.

Và ngay lập tức quan điểm này được chứng minh khi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đứng lên xin chuyển lời của một người bạn đang phụ trách câu lạc bộ những bệnh nhân ung thư TP.HCM, rằng muốn mời ông Bùi Văn Nam Sơn thu xếp đến nói chuyện triết học cho các bệnh nhân nghe, với niềm tin rằng những bệnh nhân sẽ sống hạnh phúc hơn khi thông hiểu hơn các vấn đề thuộc về triết học trong cuộc sống.

Và như vậy, đề tài triết học quả là bất tận như cuộc đời, nên Trò chuyện triết học lần này được xem như tập một, các tập tiếp theo đang được công chúng đón đọc như một chia sẻ ở tầm sâu những hoạt động tư tưởng rất gần.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên