Có thể kể đến cách sử dụng quả cầu pha lê cho bảng điều khiển trung tâm, trang bị hệ thống karaoke và màn hình hiển thị dạng 3D, khiến cuộc đua thu hút khách hàng trở nên “nóng” hơn.
Triển lãm ô tô Thượng Hải là sự kiện đầu tiên về trưng bày và giới thiệu ô tô tổ chức tại Trung Quốc kể từ khi nước này chấm dứt các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19.
Mẫu xe Zeekr, một thương hiệu xe điện cao cấp thuộc sở hữu của Tập đoàn Geely Holding Chiết Giang, tạo ấn tượng khi thêm tính năng massage cho ghế hành khách.
Nhiều thương hiệu Trung Quốc đã giới thiệu màn hình điều khiển cảm ứng cho phép người dùng hát karaoke hoặc chơi trò chơi khi đang di chuyển. Đây là những nhu cầu phổ biến của khách hàng tại đất nước mà các nhà sản xuất ô tô nội địa nhanh nhạy đã giành được ưu thế trước các thương hiệu phương Tây truyền thống từng thống trị.
Polestar, hãng sản xuất xe điện cao cấp do Volvo và Geely hợp tác thành lập, đã giới thiệu chiếc SUV coupe Polestar 4, dự kiến đưa vào sản xuất cuối năm nay, loại bỏ hoàn toàn kính hậu, thay vào đó là sử dụng camera HD gắn trên nóc xe giúp tài xế quan sát phía sau.
Theo Polestar, tính năng này tối đa hóa tầm nhìn và không gian cho hành khách ở ghế sau của xe.
Công ty trò chơi điện tử nổi tiếng Unity cũng gây ấn tượng khi thiết lập màn hình điều khiển có giao diện giống như trò chơi 3D. Bên cạnh đó, công ty này cũng giới thiệu mô hình buồng lái tương lai tại triển lãm.
Thương hiệu Genesis, dòng xe cao cấp của gã khổng lồ Hyundai, một thương hiệu tương đối mới đối với thị trường Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý bằng cách đặt một quả cầu pha lê vào bảng điều khiển trung tâm của mẫu EV GV60.
Về phần mình, hãng Toyota đã giới thiệu 2 mẫu xe điện mới. Mẫu xe điện đầu tiên mà Toyota giới thiệu tại thị trường Trung Quốc từ tháng 10-2022, chiếc bZ3, bắt đầu mở bán từ ngày 16-4 và nhận được 5.000 đơn đặt hàng.
Mẫu xe này có thể đi được quãng đường 500km trong một lần sạc với giá khởi điểm từ 169.800 nhân dân tệ (hơn 24.600 USD).
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã giành thị phần từ các đối thủ nước ngoài trong những năm gần đây, một phần thông qua việc thu hút các tài xế bằng các tiện ích phù hợp với phong cách sống, và tung ra các mẫu xe mới nhanh hơn.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô châu Âu thường tính phí bổ sung cho các tính năng như gương hậu tự gập khi xe đỗ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có xu hướng cung cấp miễn phí các tính năng này, giúp tăng thêm giá trị cho những chiếc xe vốn dĩ giá đã rất thấp.
Giám đốc điều hành của nhà cung cấp phụ tùng ô tô Pháp Faurecia, ông Patrick Koller, đánh giá các mẫu xe Trung Quốc có thiết kế đẹp, hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, nhiều mẫu xe đã loại bỏ hoàn toàn các nút bấm để chuyển sang điều khiển bằng giọng nói. Tuy nhiên, ông Koller cũng bày tỏ lo ngại do vòng đời của các dòng xe Trung Quốc quá ngắn, gây tốn kém kinh phí và tác động tiêu cực đến đổi mới công nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận