ThS Đào Văn Hân (Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày về chủ đề Xây dựng chính phủ điện tử - Ảnh: H.T
"Các công nghệ chuyển đổi số có giá trị sử dụng cao và vòng đời có xu hướng ngày càng ngắn. Do đó việc thẩm định, bảo hộ các sáng chế trong lĩnh vực này cần được đẩy nhanh hơn nữa", PGS.TS Đinh Ngọc Thạnh, giáo sư tập sự khoa công nghệ thông tin, ĐH Soongsil (Hàn Quốc), đóng góp ý kiến tại diễn đàn.
"Quy trình để quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất phức tạp. Tại thời điểm start-up cần đi nhanh để sống sót, lập công ty ở nơi khác như Singapore sẽ tiện hơn nhiều.
Do đó Nhà nước cần xây dựng chính sách nhạy bén hỗ trợ, thúc đẩy các công nghệ từ giai đoạn sớm để tạo đột phá, xây dựng các chương trình khung thử nghiệm pilot/sandbox cho các công nghệ như blockchain, fintech, UAV, IoTs… Bởi khi mọi thứ rõ ràng cũng đồng nghĩa với việc cơ hội cũng đã ít lại", anh nêu vấn đề.
Đồng thời anh đề xuất cần có chuẩn quốc gia thống nhất thực hiện về chuyển đổi số, tránh mỗi trường, mỗi địa phương, mỗi bộ, ngành hiểu và triển khai một kiểu gây lãng phí. Ví dụ việc quản lý cơ sở dữ liệu, thẻ xanh, QR code… cho dịch COVID-19 của Hàn Quốc từ đầu tập trung vào duy nhất 1 ứng dụng, chính là ứng dụng Kakao mà hầu hết người dân đều đã quen trước đó.
Tại diễn đàn, ThS Lê Thị Lan Anh - viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt - đã cùng các đại biểu chia sẻ và thảo luận về dự án giáo dục trực tuyến ứng dụng công nghệ thực tế ảo.
"E-learning tại Việt Nam đang có rất nhiều hạn chế, không có hệ sinh thái quản lý hoàn chỉnh, phải sử dụng nhiều nền tảng phần mềm rời rạc khác để giao bài tập, quản trị dữ liệu học. Mỗi tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm giao bài tập, upload video khác nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản trị chung giữa nhà trường, các đơn vị, giáo viên, phụ huynh và người học", chị nêu vấn đề.
Dự án giáo dục trực tuyến ứng dụng công nghệ thực tế ảo sẽ xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho e-learning như một đại học đa ngành, dễ dàng quản trị, ứng dụng các công nghệ hiện đại như thực tại ảo (VR), ARM MR... có thể tiếp cận người học ở phạm vi toàn cầu.
Một đề tài khác cũng được nhiều người quan tâm là Xây dựng chính phủ điện tử do ThS Đào Văn Hân - Đại học Quốc gia TP.HCM - trình bày.
Chính phủ điện tử sẽ lấy người dân làm trung tâm, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và sẽ đo lường bằng số lượng, mức độ thuận tiện của dịch vụ công trực tuyến; mức độ thanh toán điện tử; công khai quy trình dịch vụ công trực tuyến; dữ liệu cơ bản về người dân, doanh nghiệp; mức độ chia sẻ, liên thông dữ liệu…
Một trong những khó khăn hiện nay, theo ThS Đào Văn Hân, là tình trạng "cát cứ" thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến trùng lặp, không thống nhất; gia tăng rủi ro về an ninh mạng, quyền riêng tư…
Ở đâu cũng có thể đóng góp
Tôi từ Pháp về Việt Nam từ năm ngoái và đang giảng dạy tại Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 11 năm học tập, sinh sống ở Pháp nên khi về Việt Nam, tôi cũng gặp không ít khó khăn về thích ứng, cân đo đong đếm về mức thu nhập tại Việt Nam. Nhưng tôi luôn tâm niệm sẽ trở về, vì môi trường Việt Nam hiện nay được đánh giá phát triển rất nhanh, năng động và đang trong giai đoạn dân số vàng.
Tuy nhiên tôi cũng cho rằng trong thời đại thế giới phẳng, không nhất thiết là phải về Việt Nam mới có thể đóng góp. Đó là lựa chọn của mỗi người. Tôi muốn trở về, đứng trên bục giảng, tham gia công tác giảng dạy, truyền ngọn lửa nhiệt huyết của mình cho thế hệ sinh viên Việt Nam, chia sẻ về cách định hướng, công việc, cuộc sống, để các bạn có cách nhìn hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Đây là năm thứ 4 tôi tham dự diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Với chủ đề năm nay, tôi thấy rằng trí thức trẻ cần phải mạnh dạn đón đầu để công cuộc chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị về chính sách để phát huy vai trò trí thức trẻ trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
TS Trần Lê Hưng - 30 tuổi, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận