11/12/2007 04:04 GMT+7

Trị bệnh cá bằng...thuốc cho người!

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Mùa lũ rút, nhiều nơi ở ĐBSCL cá tra nuôi chết vô số kể. Trị bằng nhiều cách không ăn thua, nông dân đã tìm đến tân dược, loại trị... cho người! Tất nhiên chuyện "được - mất" vẫn trông vào... hên xui!

ifhNeCpa.jpgPhóng to
Vỏ thuốc tây trước nhà một nông dân đã được tách bóc trộn vào thức ăn cho cá ăn - Ảnh: Q.V
TT - Mùa lũ rút, nhiều nơi ở ĐBSCL cá tra nuôi chết vô số kể. Trị bằng nhiều cách không ăn thua, nông dân đã tìm đến tân dược, loại trị... cho người! Tất nhiên chuyện "được - mất" vẫn trông vào... hên xui!
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ông Phước ở ấp Thới Bình (Thốt Nốt, Cần Thơ) nói: "Nếu gặp may mua trúng thuốc thì cá hết bệnh, còn không tiền đổ ao bèo. Ao cá 150 tấn của tui chỉ trong ba tháng đã tốn hết 150 triệu đồng thuốc, nhưng cá vẫn chết". Dẫu vậy, nhiều người nuôi cá vẫn đổ thuốc xuống ao bởi không thể bó tay ngồi coi cá chết.

Cá chết la liệt

Ở nhà ông Sáu cùng ấp Thới Bình, bên ao cá là một bọc thuốc 4-5 loại kháng sinh, kháng khuẩn toàn biệt dược liều cao cho người như Ecoflox 500, Cepalexin, Doxycyline BP, Amoxyline, Cloramphenicol... Ông Sáu nói hầu hết đại gia nuôi cá trong vùng đều tốn tiền mua thuốc thủy sản nhưng cá vẫn chết. Rồi ông và nhiều người được các nhà thuốc bày đã mua các loại thuốc tây "dộng" xuống ao, mỗi đợt 60-70 triệu đồng.

Mong được bao tiêu

Ông Bảy Cu, Tư Theo, Tư Liềm, những người trong vùng, cũng chung cảnh trị bệnh cá bằng thuốc liều cao nhưng cá vẫn chết thê thảm. Các ông chỉ còn cách cầu mong các công ty, Nhà nước quan tâm mua cá với giá cao hơn mức 14.000 đồng/kg nhằm cứu vãn tình hình cho nông dân, chứ như hiện nay giá dưới 13.400 đồng/kg thì sạt nghiệp!

Ông Út Leo, nhà ở cồn Tân Lập, sui gia với ông Sáu, cũng cho biết nhiều nông dân quanh khu vực mua thuốc tây tán nhuyễn trộn với thức ăn trị bệnh cho cá. Ông bảo nghe nói có tiệm thuốc tây ở gần cầu Thốt Nốt bán thuốc mát tay, đã tìm đến xin cái toa gồm sáu món thuốc về giúp bên sui gia "giải vây" cho cá. Nghe đồn nơi nào có thuốc trị bệnh cho cá là họ tìm đến. Nhưng cá vẫn chết với tỉ lệ 40% đến trên 60%.

Gần hầm nhà ông Sáu, ở Thới Thuận là trang trại nuôi 450 tấn cá tra của vợ chồng ông Phước. Ông Phước cho biết chỉ trong 25 ngày vợ chồng ông đã tiêu tốn 150 triệu đồng thuốc tây để hãm dịch cá chết. Có ngày ông tốn chục triệu đồng mua thuốc kháng sinh loại mạnh Hapenxin lọ 500 đơn vị kèm thêm nhiều loại thuốc khác, trộn thành hỗn hợp trị kiểu bao vây nhưng vẫn không xong.

Dọc tuyến kênh đi qua ấp Thới Bình A, B nhà nào nuôi cá cũng than cá đã kháng thuốc tây, thuốc cỡ nào cũng không nhằm nhò. Một nông dân nuôi cá kỳ cựu kiêm nhà phân phối thức ăn thủy sản cho biết chuyện nông dân đổ thuốc tây xuống ao trị các loại bệnh nan y cho cá đã có từ bốn năm trước. Năm nay cá chết dữ nên thuốc tây mới sốt lên như vậy.

Lợi bất cập hại

dlqKvkic.jpgPhóng to

Anh Phước và chai thuốc Hapenxin viên nang 500mg của Công ty Dược Hậu Giang. Trên vỏ chai có ghi thuốc này chỉ bán theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Q.V

Hiện nay vào thời điểm xảy ra dịch bệnh do ô nhiễm môi trường, giá thuốc tây kháng sinh tùy loại đã cao hơn năm ngoái 5-10%. Chủ tiệm thuốc có tên là T. ở vàm kênh Bò Ót nói như quảng cáo: thuốc kháng sinh cho cá lúc nào cũng sẵn có, giá cả gần như thống nhất, chỉ cao hơn giá bán sỉ khoảng 3%. Mới đây vừa có một nông dân đến mua trên 30 triệu đồng thuốc trị bệnh gan, thận, mủ cho cá. Cách sử dụng đơn giản, một viên thuốc 500mg cho người 50kg uống thì dùng tương đương với 50kg cá tra. "Thuốc trong nước không mạnh bằng thuốc Ấn Độ, nhưng xài thuốc của Dược Hậu Giang là tốt rồi" - ông tư vấn.

Ở một nhà thuốc tại huyện Thốt Nốt, anh Lâm, nhân viên cửa hàng, xác nhận đây là nơi bán sỉ thuốc của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Anh cho biết mạng lưới của Dược Hậu Giang có đều khắp ở Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long đủ đáp ứng nhu cầu thuốc kháng sinh trị bệnh gan, thận, mủ trên cá. Anh bảo: "Nhờ có cá bệnh nên doanh thu bán ra tăng cỡ 10%". Anh cho biết nông dân thường mua thuốc Trimmocofol 480mg (16.800 đồng/chai), Cifaga (Ciprofloxacin 500mg, giá 759 đồng/viên, loại 10 vỉ/hộp), và Amoxyline về trộn vào thức ăn cho 30kg thịt. Cứ thế ao cá bao nhiêu tấn thì nhân lên bấy nhiêu. Thuốc tây kháng khuẩn phổ rộng không nằm trong danh mục thuốc cấm nên không có hại. Anh Lâm còn nói thuốc của các công ty tân dược sản xuất đảm bảo đúng qui định, không tồn dư kháng sinh trong cá sau bốn ngày ăn.

Một kỹ sư trạm thủy sản liên huyện Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) cho biết chưa có nghiên cứu và khẳng định chính xác nào về khả năng kháng thuốc của cá tra trong vùng. Thế nhưng những nhận định ban đầu của trạm cho thấy cá đã kháng một vài loại thuốc kháng sinh thú y thủy sản. Trạm đang mở đợt lấy mẫu bệnh phẩm và tiến hành làm kháng sinh đồ để đưa ra phác đồ điều trị cho cá. Nhưng nhiều kháng sinh đồ trên mẫu cá nuôi ở ao sử dụng tân dược cho thấy đã có dấu hiệu kháng thuốc rất phức tạp. "Chúng tôi sẽ khuyến cáo nông dân không nên dùng thuốc kiểu đó vì lợi bất cập hại, thuốc kháng sinh của người khi cá ăn vào có thể hết bệnh tức thời nhưng hậu quả tồn dư kháng sinh trong cá và môi trường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như khả năng kháng thể của người khi bị bệnh".

Từ mùa nước đổ mồng 5-5 âm lịch đến sau tháng mười, khi nông dân vệ sinh đồng ruộng thải chất hóa học, hữu cơ độc hại ra sông rạch theo dòng lũ cũng là lúc dịch bệnh cá tra gia tăng. Từ Vĩnh Thuận, Vĩnh Thạnh đến giáp vòng cù lao Tân Lộc thuộc địa bàn TP Cần Thơ, đến đâu cũng nghe chuyện buồn cá chết. Nuôi càng nhiều, thiệt hại càng lớn. Kỹ sư, bác sĩ thú y cửa hàng đã ra bài đủ kiểu nhưng cũng may rủi, cuối cùng nông dân chỉ còn cách trị bệnh cho cá bằng cảm tính và kinh nghiệm.

Không ít trường hợp do thiếu hiểu biết mà người nuôi dùng cả thuốc sâu trị bệnh quá liều khiến ao cá hàng trăm tấn chết không kịp chôn.

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên