21/09/2016 07:52 GMT+7

Tri ân bằng cách dốc sức 
xây dựng tương lai

P.VŨ - M.HƯƠNG
P.VŨ - M.HƯƠNG

TTO - “Lời thề thiêng liêng ngày 23-9 là động lực của thế hệ chúng tôi suốt 30 năm kháng chiến và giờ là ngọn lửa truyền thống, mà nhiệm vụ của chúng tôi là truyền lại” - ông Dương Quan Hà, đại diện CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM, nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (bìa phải) trò chuyện với các cán bộ lão thành tại buổi họp mặt truyền thống - Ảnh: TỰ TRUNG
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (bìa phải) trò chuyện với các cán bộ lão thành tại buổi họp mặt truyền thống - Ảnh: TỰ TRUNG

“Để tri ân quá khứ, không gì tốt hơn là cùng nhau dốc sức xây dựng một tương lai tươi đẹp” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đáp lễ trong buổi họp mặt truyền thống sáng 20-9.

Những người lính già kể chuyện

Hơn bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên miền Nam bước vào cuộc kháng chiến, CLB Truyền thống kháng chiến hôm nay kỷ niệm 30 năm thành lập, vậy mà có người như đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang, Anh hùng LLVT) vẫn một mình đi xe máy xuyên qua những con đường kẹt xe buổi sáng để đến dự họp mặt đúng giờ.

Nụ cười rạng rỡ, ông nói: “Còn đi được thì tự đi. Đi hoài, trẻ hoài...”.

Tinh thần của cậu trai 17 tuổi, vừa rời lớp học vì Trường Pétrus Ký bị đóng cửa, vác tầm vông lên vai và “mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...” như vẫn còn trong ông.

Gặp nhau, hơn 500 thành viên CLB đều đầu bạc, chân run nhưng tay bắt mặt mừng, lại hân hoan nhắc những câu chuyện cũ.

“Có ai kiếm được khắp chân trời góc biển / Một thành phố trẻ măng / Nhưng lịch sử rất lạ lùng / Từ thuở chào đời suốt mấy trăm năm / Chỉ được tự do có hai mươi chín ngày ngắn ngủi / Chưa thỏa niềm vui / Giặc đã đến rồi / Súng lại cầm tay / Đạn nói thay lời...” - ông Nguyễn Trọng Xuất trầm ngâm đọc lại mấy câu của nhà thơ Hưởng Triều, tức nhà cách mạng Trần Bạch Đằng - người thủ trưởng, đồng chí thân thiết của ông.

Lời thề “Độc lập hay là chết” ngày 25-8, ngày 2-9 đã được chính quyền non trẻ quyết giữ bằng lời kêu gọi kháng chiến ngày 23-9-1945, được hàng triệu người miền Nam quyết giữ bằng cách hưởng ứng lệnh “Tiêu thổ kháng chiến”, bỏ lại một Sài Gòn trống rỗng, không điện, không nước, không hàng quán mà ra đi.

“Lời thề thiêng liêng từ lòng yêu nước ngùn ngụt ấy đã trở thành truyền thống, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của nhiều thế hệ, lớp trước chúng tôi, chúng tôi và những lớp sau chúng tôi nữa. CLB của chúng tôi cố gắng truyền lại ngọn lửa truyền thống ấy cho các thế hệ sau” - ông Xuất nhấn mạnh.

30 năm hoạt động, sứ mệnh truyền lửa đã được CLB thực hiện bằng công tác đền ơn đáp nghĩa với đồng đội, các má, các mẹ cơ sở cách mạng; bằng các buổi giao lưu sinh động và sôi nổi với thanh niên, học sinh, sinh viên; bằng hàng trăm đầu sách tư liệu lịch sử, “Một thời kháng chiến”, “Một thời làm báo”, những tập kỷ yếu xuất bản đều kỳ.

Ông Dương Quan Hà, chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM, tự hào phát biểu: “Dù có những biến động nhất định trong quá trình phát triển của đất nước, của thành phố, của thế giới và kể cả những biến động trong nội bộ, nhưng CLB luôn kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước trưởng thành đến ngày nay”.

Tinh thần 23-9 luôn hiện diện

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bày tỏ: “Tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến những tình cảm đồng đội, đồng chí nồng ấm, đôn hậu của các cô bác, anh chị cựu chiến binh, sự gắn bó thân tình giữa các thế hệ với nhau”.

Nhìn lại lịch sử, ông Thăng nhấn mạnh: thời khắc quân dân Sài Gòn - Gia Định, theo lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, đồng lòng nổi dậy, dũng cảm kiên cường đánh trả quân xâm lược Pháp là một dấu mốc lịch sử chống ngoại xâm vĩ đại.

Chỉ bằng tầm vông vạt nhọn, giáo mác gậy gộc, những người con ưu tú của Nam bộ thành đồng đã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến, trong đánh ngoài vây”, khiến lực lượng viễn chinh nhà nghề của quân Pháp - với tàu chiến, máy bay, xe tăng - bị giam chân hơn một tháng trong thành phố. Kể từ đó, tinh thần của Ngày Nam bộ kháng chiến luôn hiện diện, là nguồn khích lệ không chỉ trong đấu tranh giải phóng đất nước, mà trong mọi thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Nhìn vào mái đầu bạc của những người lính già, nghĩ về 30 năm kháng chiến với hai cuộc chiến tranh khốc liệt, 71 năm từ ngày Sài Gòn vang dội lời thề “Độc lập hay là chết”, Bí thư Đinh La Thăng xúc động: “Hôm nay, chúng ta thêm một lần nữa được thấy có những thứ không bao giờ bị lãng quên hoặc bị khuất phục bởi tuổi tác. Như ngọn lửa vĩnh cửu, những thứ quý báu đó vẫn luôn rực sáng trong tâm hồn các cô, các bác, các anh, các chị. Đó là ý chí cách mạng quật cường và tinh thần yêu nước thương nòi. Đó còn là nỗi lo toan trăn trở, sự chăm chút cho các thế hệ tương lai. Những tình cảm ấy thật sự là tài sản quý hơn vàng mà chúng ta sẽ mãi mãi trân trọng, gìn giữ”.

“Để tri ân quá khứ, không gì tốt hơn là cùng nhau dốc sức xây dựng một tương lai tươi đẹp” - ông Thăng kết luận như một lời hứa của thế hệ đi sau, lời hứa của TP.HCM.

Thay mặt thế hệ trẻ thành phố, bạn Nguyễn Thị Hiếu Hạnh, bí thư Quận đoàn 9, phát biểu: “Những giá trị truyền thống mà thế hệ đi trước vun đắp đã giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần trách nhiệm, hun đúc quyết tâm xây dựng, phát triển thành phố, đất nước hôm nay. Tuổi trẻ thành phố nguyện kế tục truyền thống vẻ vang với niềm tin sắt son, nguyện cống hiến tuổi thanh xuân, trí tuệ và nhiệt huyết cháy bỏng của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của toàn dân tộc”.

30 năm CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM

Tham dự buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 71 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2016) và 30 năm thành lập CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang; các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố bao gồm: ông Nguyễn Minh Triết, nguyên chủ tịch nước; ông Trương Tấn Sang, nguyên chủ tịch nước; ông Phan Văn Khải, nguyên thủ tướng Chính phủ; ông Lê Thanh Hải, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Hơn 500 hội viên CLB truyền thống kháng chiến khối cơ sở và hơn 100 bạn trẻ tiêu biểu thuộc Thành đoàn TP.HCM đã cùng tham dự.

Dịp này, UBND TP.HCM đã tặng cờ truyền thống cho tập thể hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM, tặng bằng khen cho 4 tập thể và 4 cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động. Các ông: Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua cùng các thành viên ban chủ nhiệm CLB từ thời kỳ đầu đã vinh dự nhận kỷ niệm chương của CLB.

P.VŨ - M.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên