20/04/2015 10:48 GMT+7

Trèo rào để tắm, đội nắng nhận quà: vì tham "miễn phí"?

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Mới đây lại xôn xao câu chuyện “Hỗn loạn leo rào vào công viên tắm miễn phí” ở Hà Nội. Trước đó là câu chuyện “Hàng ngàn người đội nắng nhận thức ăn nhanh, giành giật đồ chơi” ở TP.HCM

Hỗn loạn leo rào vào công viên tắm miễn phí. Trước thông tin được tắm miễn phí sáng 19-4 hàng ngàn người dân đã tập trung tại khu vực Công viên Hồ Tây (thuộc Q. Tây Hồ, Hà Nội) để được vào tắm. - Ảnh tư liệu

Trước đó nữa là câu chuyện nhiều bạn trẻ xô nhau, chen lấn để giành phần ăn sushi miễn phí ở Hà Nội.

Những câu chuyện trên nói lên điều gì? Có phải chúng ta đang quá “tham” những sự miễn phí?

Ta bất chấp tất cả để có một sự miễn phí?

Và ta chưa biết rằng miễn phí nhưng cái giá phải trả lại không hề nhỏ?

Không thể phủ nhận một thực tế chúng ta luôn thích sự miễn phí, từ đồ ăn đến đồ dùng, từ một khóa học đến chuyện người khác giúp mình.

Tâm lý miễn phí được cái gì tốt cái đó, hôm nay ăn miễn phí ở quán ăn này là mình đang dành được một số tiền cho ngày hôm sau.

Chúng ta cảm thấy thoải mái, hạnh phúc vì những thứ miễn phí không phải của mình, xài vô tư, không vướng bận suy nghĩ.

Nhưng cũng từ đây mà sẽ phát sinh ra tính xấu “cha chung không ai khóc”.

Chuyện tắm miễn phí ở trên là ví dụ. vì tắm trong công viên vốn “chẳng phải của mình” nên mặc dù khi công viên thông báo không tiếp nhận nữa thì họ vẫn bất chấp leo rào chỉ để được tắm.

Rồi chuyện những bữa ăn miễn phí cũng vậy, họ đứng giữa trưa nắng, làm tắc đường, kẹt xe, rồi tranh giành từng món đồ chơi về mình, họ dẫm lên cây hoa, thảm cỏ chỉ để có một chỗ trống để nhận quà.

Cũng bởi vì lối suy nghĩ “của chung, không phải của mình”.

Câu chuyện miễn phí làm tôi nhớ đến những mùa hoa tam giác mạch, hoa cải năm vừa rồi, nhiều người đi đến những đồi hoa đó để chụp hình và để lại những lối mòn của những cây hoa bị giẫm nát.

Tất cả đều là miễn phí nên chúng ta thường quên mất trách nhiệm của mình gắn với “của chung”.

Có một câu nói mà có lẽ ai cũng từng nghe rằng: “Cái gì cũng có cái giá của nó”.

Tức là trong cả những thứ miễn phí kia cũng có những cái giá phải trả, không đo được bằng tiền.

Thật đáng buồn khi trong những người tranh giành nhau để có được sự miễn phí kia là những người đã có tuổi, có gia đình và rất nhiều bạn trẻ.

Tôi nghĩ họ phải đánh đổi khá nhiều thứ không nhìn thấy để giành lấy một sự miễn phí hiện hữu.

Là những ông bố, bà mẹ quên đi vai trò làm gương của mình, tìm mọi cách leo rào để con mình nhận lại một bài học xấu.

Là những thanh niên sức dài vai rộng sử dụng chỉ để chen lấn giành chiếc bánh, đồ chơi, cái giá phải trả được tính bằng lòng tự trọng.

Thật lạ thay, chúng ta có thể bỏ thời gian công sức để tìm kiếm, giành giật sự miễn phí về phía mình nhưng lại không dùng khoảng thời gian, công sức đó đi làm một việc tương tự.

Câu nói ai đó từng nói là “Người ta chịu khổ chứ không chịu khó”, trong trường hợp này có vẻ đúng.

Họ chịu khổ đứng đội nắng để chờ một suất thức ăn nhanh miễn phí, họ chịu khổ leo trèo, mặc kệ nguy hiểm để có một suất tắm không mất tiền.

Tại sao khoảng thời gian ấy không chịu khó đi làm việc khác, kiếm tiền và tự thưởng cho mình những bữa ăn, suất tắm thoải mái?

Chắc chắn, cảm giác tự mình làm, tự mình tận hưởng sẽ thú vị hơn nhiều.

Miễn phí suy cho cùng đều mang ý nghĩa tốt nhưng với những người thừa hưởng nó cần biết mình nên sử dụng có giới hạn.

Nếu sự miễn phí đi cùng với lòng tham, ích kỉ thì chắc chắn sự miễn phí đó sẽ gây hại cho mình.

Đó là cái giá của sự miễn phí.

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Khánh Hưng. Bạn đồng tình hay thấy cần phản biện điều gì với bài viết này? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.
KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên