05/10/2015 08:54 GMT+7

“Treo” quyền sử dụng của dân

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Một phần Hà Nội đã bị cúp nước lần thứ 16 vì đường ống sông Đà. Không có nước, nhu cầu vệ sinh tối thiểu, chuyện kinh doanh, thậm chí cả việc... sinh đẻ cũng bị ảnh hưởng.

Chiều 1-10, người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện 19-8 (Hà Nội) vẫn phải khiêng nước từ hồ chứa lên các phòng bệnh để dùng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cả triệu lượt người đã bị khốn khổ vì cúp nước và thiệt hại khó tính hết thành con số.

Nhìn lại, nhiều chuyên gia giật mình: sao một đường nước quan trọng như vậy lại chỉ có một ống duy nhất? Dù có nhiều lý do nhưng chỉ làm một đường ống, theo các chuyên gia, là “treo” quyền sử dụng của dân trước rất nhiều rủi ro.

Theo PGS.TS Ứng Quốc Dũng - phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước VN, có ý kiến nói rằng cúp nước một ngày có sao đâu, nhưng nguyên lý với hệ thống cấp nước đô thị hoặc cho khu công nghiệp... là phải đảm bảo cấp liên tục, đủ áp lực, lưu lượng với chất lượng tiêu dùng tốt cho mọi đối tượng.

Trong khi đó, theo ông Dũng, thay vì làm một đường ống lớn như hiện nay, có thể làm hai đường ống kích cỡ nhỏ hơn với những đường nối ngang, chi phí không tăng quá lớn.

Như thế, khi một đoạn nào bị sự cố, có thể khu biệt và vẫn đảm bảo cấp nước, khó cúp nước hoàn toàn. Bây giờ khi đường ống duy nhất liên tục bị vỡ, nếu phải làm đường ống thứ hai, chi phí chắc hẳn không hề rẻ.

Có rất nhiều lý do mà chủ đầu tư đưa ra cho việc vỡ đường ống nước sông Đà, bởi đây là đường nước có chiều dài khoảng 47km, mỗi đoạn lại có điều kiện địa chất khác nhau.

Mặt đất bên trên cũng chịu áp lực khác nhau, dẫn đến lực tác động lên từng đoạn của ống nước không đồng đều nên rủi ro là không nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Ứng Quốc Dũng, về nguyên tắc, khâu khảo sát, thiết kế, thi công phải đảm bảo xử lý được các rủi ro này. Song đường ống cứ liên tục vỡ.

Điều này khiến đơn vị quản lý sẽ liên tục phải sửa chữa, liên tục phải chi trả và đau buồn nhất là... không biết bao giờ mới hết sự cố.

Người dân thì sẽ tiếp tục phải... nhịn các nhu cầu khi cúp nước, thậm chí đối diện khả năng không được chữa bệnh.

Trong khi đó, tất cả các chi phí sửa chữa đường ống nước cuối cùng sẽ phải tính vào đâu đó, và có lẽ đối tượng phải chịu cuối cùng sẽ không đâu khác là... hóa đơn tiền nước.

Bây giờ thì người ta đang làm thêm một đường ống khác. Nhưng bài học đường ống nước sông Đà không nên chỉ có giá trị cho ngành cấp nước, mà nên là bài học cho cả các sản phẩm thiết yếu khác.

Với những dự án quan trọng liên quan đến đời sống hàng vạn người dân, cần có cơ chế rõ ràng và cụ thể để dân được cử người tham gia, giám sát và góp ý ngay từ khâu lập dự án, thiết kế và cả khâu thi công, tránh quyền lợi của mình bị “treo” trước những rủi ro quá lớn.

Nếu như cúp điện không báo trước gây thiệt hại buộc ngành điện đứng trước khả năng phải đền bù và thực tế đã có trường hợp phải đền bù, cúp nước cũng nên như vậy.

Điều này không chỉ “bình thường hóa”, tạo sự sòng phẳng trong quan hệ giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng, mà còn buộc các chủ đầu tư có trách nhiệm hơn trước khi quyết một phương án nào đó có thể tạo rủi ro cho dân. 

Không thể “treo” quyền sử dụng của dân mà không chịu thiệt hại gì.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên