Dù chỉ số hài lòng của người dân được cải thiện nhưng tại một số địa phương, công chức vẫn gợi ý người dân chi thêm tiền khi làm thủ tục - Ảnh: ĐH
Chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công (Sipas) năm 2018, vừa được Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố tại Hà Nội hôm nay 24-5, mang đến bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Báo cáo Sipas 2018 đánh giá trên các góc độ tiếp cận dịch, việc công khai và tuân thủ các quy định thủ tục hành chính, việc giao tiếp và xử lý công việc của đội ngũ công chức, kết quả cung ứng dịch vụ cho đến tiếp nhận, xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo Sipas 2018, tỉ lệ hài lòng của người dân, tổ chức với chất lượng cung ứng dịch vụ công tại 63 tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 69,98-97,88%. Một nửa số tỉnh, thành được khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là trên 80%.
Bộ Nội vụ cho biết, so với năm 2017, chỉ số hài lòng của người dân trong năm 2018 về sự phục vụ hành chính của các cơ quan nhà nước đã tăng 2%, nhờ các chỉ số thành phần như tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, thái độ phục vụ công chức, kết quả trả dịch vụ đều cải thiện.
Sipas 2018 cũng ghi nhận những phản ứng khá tích cực của người dân, tổ chức đối với quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công tại 63 tỉnh, thành phố.
Số liệu khảo sát ghi nhận 100% người dân, tổ chức giao dịch dịch vụ hành chính tại bộ phận một cửa. Trong giải quyết thủ tục hành chính, chỉ có 78,2% người dân phải đi lại 1-2 lần, 93,8% thủ tục được giải quyết đúng hẹn, và trước hẹn, 97,55% người dân không bị làm phiền, sách nhiễu, và 98,58% không bị gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí.
Tuy nhiên, Sipas 2018 cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan công quyền. Đó là, tỉ lệ người dân không hài lòng với sự phục vụ công chức tăng 1,96% so với năm trước.
Có 21 tỉnh, thành phố có chỉ số Sipas giảm 1-2% so với cùng kỳ năm trước, tỉ lệ công chức gợi ý người dân nộp thêm tiền khi làm thủ tục hành chính cũng tăng 4,3%.
Đáng lưu ý, gần 20% người dân, tổ chức được hỏi trên cả nước cho biết phải đi lại nhiều lần, 5,12% được hỏi cho biết bị trễ hẹn, lĩnh vực đất đai bị trễ hẹn cao nhất lên tới 12,3%.
Tỉ lệ trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Hà Nội, TP.HCM lên tới 17,5%.
Chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công (Sipas) giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện với sự giám sát của Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN và Trung ương Hội Cựu chiến binh VN.
Chỉ số Sipas nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan nhà nước thông qua ý kiến phản hồi và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức.
Qua đó xác định giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức theo yêu cầu cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Báo cáo chỉ số Sipas 2018 được thực hiện trên phạm vi cả nước, ghi nhận ý kiến của 32.715 người dân, người đại diện tổ chức được chọn mẫu tại 63 tỉnh, thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận