29/08/2008 08:11 GMT+7

Trẻ vào năm học mới: Cặp sách vẫn oằn vai

ĐOÀN TỪ DUY
ĐOÀN TỪ DUY

TT - Nhiều năm qua, cuộc tranh luận về chiếc cặp của học sinh quá nặng vẫn chưa ngã ngũ. Bước vào năm học mới, hàng triệu học sinh vẫn oằn lưng vì chiếc cặp.

EbUBKe9I.jpgPhóng to
Bao giờ học sinh tiểu học mới hết phải gánh vác những chiếc cặp nặng trĩu? - Ảnh: N.Hùng
TT - Nhiều năm qua, cuộc tranh luận về chiếc cặp của học sinh quá nặng vẫn chưa ngã ngũ. Bước vào năm học mới, hàng triệu học sinh vẫn oằn lưng vì chiếc cặp.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Dạo quanh thị trường cặp sách học sinh chuẩn bị cho năm học mới dễ thấy chiếc cặp hầu như không thay đổi: vẫn rất lớn để chứa nhiều và với loại chất liệu không nhẹ.

Cặp nào cho trẻ?

Cặp được thiết kế bằng những loại chất liệu truyền thống như simili, vải nilông, xốp, dây đeo bằng dù dẹt hay được lót xốp, khóa nhựa... vẫn là mặt hàng chủ yếu được các nhà sản xuất đưa ra thị trường. Mùa tựu trường năm nay còn có thêm dạng cặp như balô du lịch, có bánh xe để kéo nhưng phần quai kéo làm bằng nhựa nằm trên lưng cặp. Một dạng cặp khác được giới thiệu có "dây đeo trợ lực" nhưng trợ lực như thế nào, trợ lực bao nhiêu thì chẳng phụ huynh nào biết.

Thị trường cặp học sinh cho năm học mới chỉ có một điểm khác biệt dễ dàng nhận ra là giá mỗi chiếc cặp đã tăng thêm 15-30%. Những đột phá khác về kích thước, chất liệu và quan trọng nhất là có thể làm giảm sự "gánh", "vác" của học sinh hầu như không có thay đổi lớn.

Nặng vẫn hoàn nặng

kG9Ban8N.jpgPhóng to

Từ năm 2003, để xác định sức nặng của cặp sách mà học sinh đang phải mang đến trường mỗi ngày, đích thân lãnh đạo ngành giáo dục đã xuống các trường tiểu học để cân cặp học sinh. Năm 2007, việc cân cặp được tiến hành và kết quả là trọng lượng cặp học sinh không có thay đổi giữa các lần cân, trong đó không ít chiếc cặp nặng khoảng 4,5-5kg.

Phía phụ huynh cho rằng do chương trình học mà Bộ GD-ĐT thiết kế dành cho học sinh quá nặng dẫn đến số lượng sách vở, dụng cụ học tập đi kèm quá nhiều. Đáp lại, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời là ngành giáo dục không có "lỗi" về chương trình khiến cặp của học sinh nặng lên. Các trường lại tiếp tục đẩy trách nhiệm về phía phụ huynh với lý do: phụ huynh cho học sinh chứa quá nhiều thứ khác như chai nước, áo mưa, bánh kẹo, đồ chơi... trong cặp khi đến trường khiến cặp nặng.

Ở đây có thể nhìn nhận vấn đề cặp học sinh nặng từ hai phía: phía chương trình (sách vở và dụng cụ học tập quá nhiều) và từ chính bản thân của cặp sách. Trong khi chuyện giảm tải (thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ GD-ĐT) cho chương trình là chuyện không thể diễn ra trong thời gian một sớm một chiều.

"Cặp xách nặng là vấn đề xã hội"(!)

Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Lê Tiến Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học. Ông cho rằng:

- Từ những đợt kiểm tra đột xuất cho thấy cặp "quá tải" do nhiều nguyên nhân: do học sinh không soạn sách theo thời khóa biểu nên mang theo nhiều sách, vở không dùng đến trong buổi học; có học sinh còn mang theo nhiều truyện, đồ ăn, uống, đồ chơi. Nhiều phụ huynh khi mua cặp sách cho con cũng thích chọn những chiếc cặp đẹp nhưng lại quá nặng. Bên cạnh đó, một số trường học, giáo viên cũng yêu cầu học sinh mua, sử dụng những sách, vở không nằm trong quy định chung của Bộ GD-ĐT... Vì thế, không nên nhìn nhận phiến diện mà phải thấy câu chuyện cái cặp xách nặng là vấn đề xã hội, cần xử lý ở nhiều chiều.

* Vậy năm học này, theo ông, cần có khuyến cáo, hướng dẫn gì để các cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh phối hợp trong việc "làm nhẹ bớt chiếc cặp học sinh"?

- Trong hướng dẫn thực hiện năm học 2008-2009 đối với bậc tiểu học, chúng tôi đã đưa nội dung về quy định sách tối thiểu bắt buộc phải mang theo đối với học sinh. Nhìn vào danh mục "bắt buộc" này thì không thể nói chúng khiến chiếc cặp trở nên quá tải. Trong hướng dẫn cũng nêu rõ: các trường không tổ chức phát hành tài liệu (ngoài sách giáo khoa) đến học sinh, khuyến khích các cơ sở giáo dục xây dựng tủ sách dùng chung, những nơi có điều kiện bố trí để học sinh có thể để sách, vở lại trường. Giáo viên phụ trách lớp phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tránh tình trạng sử dụng sách, vở, đồ dùng học tập không theo thời khóa biểu, có quy định học sinh không được mang đồ chơi, truyện, các vật dụng không cần thiết đến trường.

* Tại nhiều cơ sở giáo dục hiện nay, nhà trường hoặc giáo viên vẫn yêu cầu học sinh phải có hai loại vở bài tập của một môn học (vở viết tay và vở bài tập in do NXB Giáo Dục phát hành). Quy định về vở viết cũng không phù hợp với đối tượng học sinh (vở quá dày). Như vậy hướng dẫn của bộ vẫn chưa được chấp hành?

- Nếu bắt buộc phải sử dụng vở bài tập in sẵn là sai. Ở đâu có điều kiện thì sử dụng vở bài tập in, nhưng không được sử dụng cùng lúc cả hai loại vở (in và viết tay). Giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm hướng dẫn cha mẹ học sinh mua các loại vở phù hợp với học sinh (ví dụ học sinh lớp 1, 2 chỉ dùng loại vở ôly 48 trang).

ĐOÀN TỪ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên