07/03/2018 17:22 GMT+7

Trẻ thường bị buồn nôn và nôn trớ

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

65% trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thường bị nôn trớ, tình trạng này sẽ giảm dần khi trẻ càng lớn lên cho đến khi trẻ được khoảng 1 tuổi sẽ tự động hết.

Trẻ thường bị buồn nôn và nôn trớ - Ảnh 1.

Trẻ dưới 6 tháng thường bị nôn trớ do cấu trúc dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện. Ảnh: medicaltv.tistory.com

Nôn trớ ở trẻ nhỏ là một biểu hiện thường gặp, đặc biệt là các trẻ dưới 6 tháng. Nguyên nhân là do cấu trúc dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, nôn trớ đôi khi lại là biểu hiện của bệnh lý, thậm chí là các biểu hiện của bệnh lý cấp tính nguy hiểm mà nhiều bố mẹ chưa biết đến. Nhiều trường hợp bé bị nôn trớ là do khóc nhiều quá, dạ dày bị kích thích, ăn uống vào khó tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột. Gia đình thấy trẻ nôn trớ nhiều thì sốt ruột và thường tìm đến với thuốc chống nôn và bác sĩ khám cũng cho thuốc trị triệu chứng nôn trớ. Vậy điều này có nên không?

Theo nghiên cứu cho thấy có tới 65% trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thường bị nôn trớ, tình trạng này sẽ giảm dần khi trẻ càng lớn lên cho đến khi trẻ được khoảng 1 tuổi sẽ tự động hết (trừ một số trường hợp do bệnh lý). Trước đây, cách điều trị thường làm cho bé ợ ra, nôn ra sẽ giúp trẻ dễ chịu. Nhưng cách làm này khiến cha mẹ của trẻ lo lắng, sốt ruột vì con ăn không đủ, sợ con không tăng cân, suy dinh dưỡng. 

Do vậy, vài năm gần đây việc sử dụng thuốc chống nôn cho trẻ bằng các thuốc ức chế tiết acid như thuốc ức chế bơm proton (PPI), nhóm kháng histamin H2. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy những thuốc này không làm giảm triệu chứng nôn trớ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, khi sử dụng các loại thuốc chống tiết acid dạ dày cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ có nguy cơ cao bị rạn xương khi trẻ lớn lên.

Nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt xương khi sử dụng thuốc, được các nhà khoa học giải thích: Do ức chế tiết acid, PPI và các thuốc kháng acid khác làm giảm sự hấp thu calcium. Khi cơ thể có sự thiếu hụt calcium, hormon tuyến cận giáp tăng tiết để tái lập cân bằng dẫn đến cường tuyến cận giáp. Cường tuyến cận giáp cũng là nguyên nhân dẫn đến loãng xương, xương dễ bị rạn, nứt, gãy.

Những năm gần đây, FDA có phê chuẩn esomeprazol và omeprazol cho trẻ dưới một tuổi, nhưng là để điều trị bệnh lý trào ngược thực quản gây viêm loét đường tiêu hóa (bệnh này cũng gây ra triệu chứng nôn trớ ở trẻ). Do đây là một tình trạng bệnh nặng, nghiêm trọng hơn chứng nôn trớ và việc lựa chọn dùng thuốc điều trị là có lợi hơn không dùng thuốc.

Những thuốc này có vẻ như hiền, lành tính nên được mua một cách dễ dàng tại các nhà thuốc. Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy thuốc kháng acid dạ dày không an toàn đối với sự phát triển cơ thể của trẻ, nhất là đối với các trẻ còn rất nhỏ. PPI được biết đến là một thuốc điều trị hiệu quả trong những bệnh như: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroeosophagus Reflux Diseases - GERD), viêm loét đường tiêu hóa, chứng Barrett thực quản. Nhưng những năm gần đây người ta phát hiện ra có những biến cố bất lợi cho bệnh nhân, đặc biệt là dùng trong điều trị chứng nôn trớ tự nhiên của trẻ nhỏ.

Các nhà khoa học cảnh báo: Khi bạn là thầy thuốc, bạn chỉ định dùng một loại thuốc nào đó cho bệnh nhân, thuốc xảy ra phản ứng dị ứng thì bạn nhận biết ngay và có thể tiến hành đổi thuốc hoặc giảm liều. Nhưng đối với một số thuốc mang những nguy cơ tiềm ẩn hàng tháng, hàng năm mới bộc phát thì các thầy thuốc lại dễ bị bỏ qua. BS. Jenifer Lightdale - Trưởng khoa Tiêu hóa nhi khoa tại Trường đại học Massachusetts (Mỹ) cho rằng mối nguy cơ sử dụng thuốc này gia tăng, một phần là do các thầy thuốc cho rằng PPI có thể điều trị nôn trớ ở trẻ. 

Tuy nhiên, trong trường hợp bé khóc nhiều, bé đau bụng cũng gây nên nôn trớ thì PPI không có ý nghĩa điều trị. Điều quan trọng là thầy thuốc phải chẩn đoán phân biệt được giữa bé bị nôn trớ tự nhiên và nôn trớ do GERD. Dấu hiệu điển hình của GERD ở trẻ là khi nội soi sẽ thấy có sự ăn mòn do acid, thay đổi các lớp đệm lót ở thực quản, có thể có máu trong nước bọt. Trong trường hợp này bé nuốt rất khó khăn, bé bỏ ăn, sụt cân - đây mới chính là vấn đề cần phải điều trị bằng thuốc kháng acid và sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có khoảng 5% trẻ nhỏ bị hội chứng hay bệnh lý GERD.

Nôn trớ là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng do các động tác gắng sức của cơ thể. Đây là biểu hiện bất thường ở trẻ khi bú, hậu quả là thức ăn trào ngược từ dạ dày qua miệng. Có nhiều lý do khiến trẻ nôn. Nếu bé vẫn khỏe mạnh và chỉ nôn một lượng nhỏ thức ăn thì nguyên nhân có thể là do bé đã ăn hoặc uống quá nhiều và nôn phần thức ăn thừa ra. 

Trẻ có thể bị nôn do nhiều nguyên nhân như: Viêm dạ dày, ruột do virút (phổ biến nhất); ngộ độc thức ăn (thức ăn bị nhiễm khuẩn do bảo quản không tốt); viêm dạ dày ruột do vi khuẩn (thường không quá nặng); ho, cảm, nhiễm trùng đường hô hấp (trẻ thường nôn sau cơn ho nặng); viêm tai, viêm ruột thừa; nhiễm trùng tiết niệu (nhiễm trùng bàng quang); tắc ruột; lồng ruột; hẹp môn vị… Trẻ quá căng thẳng ở trường học hay tại nhà đôi khi cũng có thể nôn.

Đặc biệt, với trẻ bị nôn, cha mẹ không được tự ý cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc gì. Nếu trẻ nôn quá nhiều, cần đưa ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Các dấu hiệu nhận biết một số bệnh gây nôn trớ ở trẻ:

- Tắc ruột: Bệnh lý này xuất hiện khi ruột bị xoắn, tuy hiếm gặp nhưng bệnh rất nguy hiểm và cần được xử lý cấp cứu. Triệu chứng then chốt là đau bụng dữ dội. Nếu trẻ chỉ đau vừa hoặc không đau thì không nghĩ nhiều tới tắc ruột. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau bụng đột ngột; nôn ra mật xanh vàng; thường là nôn vọt; đau bụng dữ dội liên tục hoặc từng cơn; không đại tiện; trẻ nhợt nhạt, vã mồ hôi; tình trạng bệnh ngày càng xấu đi. Vì vậy, khi gặp trẻ trong trường hợp này cần đưa trẻ đi đến bệnh viện.

- Lồng ruột: Triệu chứng nôn trớ ở trẻ dưới 4 tuổi có thể là biểu hiện của lồng ruột và cần được điều trị cấp cứu. Khi trẻ nôn, thường co chân về phía bụng, người nhợt nhạt cũng có thể có máu trong phân, phân lỏng.

- Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thức ăn: Rất khó phân biệt bệnh viêm dạ dày ruột do virút/vi khuẩn với ngộ độc thức ăn vì khởi phát bệnh khá giống nhau, ví dụ như trẻ có thể nôn ồ ạt 5-30 phút/ lần trong 1-12 giờ đầu. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu để phân biệt 2 loại bệnh này: Nếu bị nhiễm virút, bệnh khởi phát đột ngột, trẻ nôn, sốt cao và đau bụng. Tình trạng nôn có thể kéo dài 12-72 giờ (3 ngày). Tiêu chảy thường xuất hiện trong ngày đầu hoặc ngày thứ hai. Nếu bị ngộ độc thức ăn, bệnh khởi phát 2-12 giờ sau khi ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Trẻ thường không sốt. Nôn xuất hiện vài giờ sau khi ăn tại nhà hàng hay khi đi dã ngoại và thường không kéo dài quá 12 giờ. Có thể có hoặc không có tiêu chảy. Nếu trẻ sốt cao hoặc nôn kéo dài hơn 12 giờ thì ít khả năng là ngộ độc thực phẩm.

- Nhiễm trùng tiết niệu: Nếu trẻ sốt cao trong vài ngày và thỉnh thoảng có kèm theo nôn, đi tiểu thấy đau rát hoặc nước tiểu có mùi khó chịu thì cần cân nhắc nguyên nhân này.

- Hẹp phì đại môn vị: Trong một số ít trường hợp, nếu bé 3-5 tuần tuổi đột nhiên bắt đầu nôn dữ dội nhiều lần thì cần cảnh giác với bệnh hẹp phì đại môn vị (môn vị là phần cuối của dạ dày, nơi nối với tá tràng). Những trẻ này lặp đi lặp lại chu kỳ bú - nôn - đói. Cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Hẹp phì đại môn vị cần được phẫu thuật điều trị, trẻ có thể phục hồi hoàn toàn.

Vậy phải làm gì khi trẻ bị nôn trớ trong gia đình? Khi trẻ nôn, trẻ sẽ mất một lượng nước khá lớn. Do đó, quan trọng là phải bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể bé không mất chất điện giải. Cha mẹ có thể dùng dung dịch oresol, nước đun sôi để nguội hay nước trái cây loãng.

Khi bé nôn nhiều, đừng cố gắng cho bé tiếp tục uống mà cần thực hiện các biện pháp sau: 

Để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc rất nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Khi trẻ bớt nôn hãy cho trẻ uống thìa nhỏ hoặc từng ngụm một nước sôi để nguội hoặc dung dịch oresol. Khi trẻ nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề nên cho trẻ uống nước để không bị mất nước, đừng nên cố gắng ép ăn. Khi trẻ không nôn nữa nên cho trẻ ăn các thức lỏng, dễ tiêu hóa, ăn từng ít một.

Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít... thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên