20/01/2009 04:38 GMT+7

Trẻ thơ trắng đêm mưu sinh

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Những đêm cuối tháng chạp, TP.HCM trở lạnh. Lẫn trong dòng người tấp nập với mùa tết là những em nhỏ lặng lẽ mưu sinh.

y9BuQV60.jpgPhóng to
Hai em nhỏ bán vé số ở nhà chờ phà Thủ Thiêm - Ảnh: TR.CƯỜNG

“Ước mơ là gì hở chú?”

Khi hỏi các em về ước mơ, tôi nhận được những cái lắc đầu. Có em còn ngô nghê hỏi: “Ước mơ là gì hả chú?”. Thật ra các em cũng đều có ước mơ, ước mơ rất đơn sơ: những đồng tiền nhỏ nhoi kiếm được hằng đêm, là bụng không đói. Còn những ngày tết thì ước mơ là được bán đắt hàng hơn, xin được nhiều tiền hơn...

Đêm, ở khu vực Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Q.1), Thúy (13 tuổi, nhà ở Q.11) ngồi bệt ven đường, liên hồi vặn dây cót rồi xoay đồ chơi bông vụ trên vỉa hè để thu hút sự chú ý của người qua lại. Nhiều người qua lại nhưng không ai chú ý đến em. Thúy vẫn lặng lẽ ngồi, tiếng nhạc từ bông vụ phát ra. Thúy đang học lớp 6, em mới ra bán đồ chơi được hai tuần nay. Bố Thúy chạy xe ôm ở khu vực này, mẹ Thúy cũng bán đồ chơi quanh đây. Nhìn ra đường Nguyễn Huệ ngập ánh đèn, Thúy tâm sự: “Chỉ mong đường hoa Nguyễn Huệ không cấm bọn em bán hàng”. Xung quanh khu vực Nguyễn Huệ - Lê Lợi còn có nhiều đứa trẻ bán hoa, kẹo cao su, đồ chơi... như Thúy.

Cách khu vực trung tâm TP.HCM không xa, nơi góc đường Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Thái Học, dưới cửa hàng Vissan, ba bốn đứa trẻ đang lúi húi quanh những chậu, xô. Ngừng tay xắt củ cải, chị Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết Tuấn, (11 tuổi, một trong những đứa trẻ ngồi rửa củ cải) là cháu của chị. Bố chết, mẹ đi tù, Tuấn được chị Minh đưa về nuôi xem như con. Hằng ngày từ sáng sớm đến tối khuya, Tuấn cùng những đứa trẻ khác phụ giúp chị Minh gọt rửa củ cải. Cách đây mấy tháng Tuấn được gửi học lớp 1. Mỗi tháng chỉ đóng 100.000 đồng nhưng công việc cuối năm ế ẩm, chị Minh đành cho Tuấn nghỉ. “Ra năm tôi làm đơn gửi nó vào trường tình thương học” - chị Minh nói. Còn Tuấn chỉ nhỏ nhẹ: “Em cũng muốn đi học”.

Trắng đêm giữa cái lạnh

Trời đã khuya và lạnh nhưng Trung tâm thương mại Bình Điền (Q.8) vẫn “nóng”, nhiều người hối hả bốc dỡ, bưng bê, kéo xe... trong đó có cả những đứa trẻ. Tại vựa hải sản Mứt - Phượng, em Nguyễn Thùy Linh (14 tuổi, quê Bạc Liêu) cắm cúi phân loại các loại sò lá. Linh làm từ tối đến sáng sớm, mỗi đêm được 50.000 đồng. Những ngày mới nhận việc chưa quen thức đêm, Linh cứ ngủ gà ngủ gật. Ở vựa này cũng có 4-5 em cùng độ tuổi với Linh.

Trẻ em lao động ở đây tập trung nhiều nhất ở các vựa cá. Gò lưng kéo lê thùng cá từ xe vào vựa, Ngô Minh Phúc (12 tuổi, quê Đồng Nai) kể em làm được mấy tháng nay, tiền công mỗi đêm được 70.000 đồng. Công việc của Phúc hằng đêm là cân và phân loại cá, những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Những đứa trẻ phụ việc như Phúc đều phải làm đến 7-8g sáng. Khi về nhà chúng ngủ vùi rồi tiếp tục thức theo những chuyến hàng. Đối với chúng đêm mới là cuộc sống.

Ra cổng trung tâm, em Trần Thị Hồng Anh (13 tuổi), ngồi co ro bán bánh yến. Quê ở Trà Vinh, Anh nghỉ học từ lớp 3, theo bố mẹ lên Sài Gòn kiếm sống. Mẹ bán khoai lang nướng. Bố làm bánh yến cho Hồng Anh bán đêm. Vì không đóng thuế nên Hồng Anh phải ngồi bán ngoài chợ. Những đêm gần đây trời lạnh hơn, Hồng Anh nhích chậu bánh vào gần mái chợ, năm ngoái em bán bánh dạo đến 29 tết mới nghỉ. Đang nói chuyện, chợt em vùng dậy ôm chậu bánh chạy, đằng xa một anh bảo vệ đang đi tới.

Trung tâm thương mại Bình Điền chỉ nghỉ đêm 30 tết. Tối mồng 1 tết hoạt động lại. Những đứa trẻ mưu sinh ở chợ cũng ăn tết theo bán buôn của vựa. Cái tết của tuổi thơ các em quá chóng vánh.

Theo những chuyến phà đêm

22g. Nhà chờ bến phà Thủ Thiêm (Q.1) xe cộ chen chúc đợi phà, khói xe nồng nặc. Có những đứa trẻ nhỏ thó len lỏi giữa từng dãy xe. Chìa những tờ vé số, Nghĩa (7 tuổi, nhà ở P.Thủ Thiêm, Q.2) mời mọc. Bàn tay đen đúa của Nghĩa thõng xuống sau những cái phẩy tay, lắc đầu. Thằng bé vẫn kiên nhẫn lầm lũi len lỏi cho đến khi cánh cửa chắn của bến phà được kéo ra, thất vọng nhìn theo đuôi những chiếc xe máy chầm chậm xuống phà.

Từng tốp xe máy chờ, từng chuyến phà qua mà xấp vé số của Nghĩa vẫn không vơi. Nghĩa bán vé số ở bến phà được gần hai năm. Nghĩa học lớp 1 tại một trường tình thương ở Q.2 vào hai ngày trong tuần. Cứ chiều đến Nghĩa cùng lũ bạn mới bắt đầu hành nghề tại khu vực nhà chờ bến phà. “Lên phà thì bị đuổi. Ở nhà chờ, ban ngày bị dân phòng đuổi nên tụi em chỉ bán ban đêm” - Nghĩa nói. Mỗi đêm Nghĩa bán được 30 tờ vé số. Mẹ và em Nghĩa cũng bán vé số ở khu vực bến Bạch Đằng.

Khác với Nghĩa, Lê Quang Lộc (10 tuổi) gắn bó với bến phà bằng nghề ăn xin. Nhà Lộc nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Đồng Khởi. Mẹ mất từ nhỏ, Lộc ở chung với bà nội và bố. Lộc thường rời nhà bằng cái bụng teo tóp. Bữa ăn tối của Lộc ở bến phà. Theo lời Lê Bích Phượng, một đứa trẻ bán hoa tại đây, không ít lần Lộc đói lả vì không xin được đồ ăn.

Những đứa trẻ ở nhà chờ phà Thủ Thiêm cho đến khi chuyến tàu cuối về bên kia sông lúc 12 giờ đêm. Gió bên sông thổi mạnh lạnh nhưng Nghĩa, Phượng, Lộc chỉ quần cộc, áo ngắn tay. “Lạnh chịu được chứ đói không chịu được”, Lộc nói. Sau chuyến phà cuối Lộc tiếp tục rong ruổi ra công viên 23-9 đến 4g sáng mới về. “Tiền xin mỗi đêm em đưa cho nội”, Lộc cho biết. Lộc đang học lớp 4 tại một trường tình thương gần nhà thờ Đức Bà. Nhưng nhiều đêm không xin được tiền, Lộc phải nghỉ học đi xin. Lộc chua chát: “Không xin được tiền, về nhà nội không có tiền nấu ăn”. Hoàn cảnh của Phượng cũng vậy: “Tết cũng đi bán. Ngày nào không bán thì cả nhà đói”.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên