Chị Võ Thị Minh Tâm, quê ở Nghệ An, công nhân Khu chế xuất Linh Trung (tạm trú tại Q.Thủ Đức), cho biết con chị đã 5 tháng tuổi nhưng chưa có thẻ BHYT. Với quy định mới nói trên, chị phải về quê để làm thủ tục cấp thẻ BHYT cho con. “Lương công nhân của hai vợ chồng tôi chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Bây giờ để làm thẻ BHYT cho con phải nghỉ phép và tốn kém chi phí về quê thật là khổ” - chị Tâm than thở.
Tương tự, chị Bích Thủy, quê Quảng Nam, đang tạm trú tại Q.2, cho biết hiện con chị đã được cấp thẻ BHYT. Nhưng với quy định trên, khi khám chữa bệnh cho con, chị phải về quê để thanh toán chi phí khám chữa bệnh của con, trong khi theo chị chi phí đó cao gấp nhiều lần so với số tiền được thanh toán. “Nếu vậy, mỗi khi con bệnh tôi đành tốn tiền khám thường chứ không khám theo diện BHYT nữa” - chị Thủy nói.
Theo ông Hoàng Công Hợp - phó Phòng LĐ-TB&XH Q.Bình Tân, từ trước đến nay, trẻ tạm trú dài hạn (3 tháng trở lên) theo gia đình chỉ cần làm các thủ tục xác nhận đơn giản tại địa phương thường trú và nơi tạm trú là được cấp thẻ BHYT để điều trị tại TP.HCM. Ông Hợp cho rằng các cơ quan liên quan cần xem xét lại việc áp dụng quy định ngưng cấp thẻ BHYT cho trẻ tạm trú dưới 6 tuổi.
Sở LĐ-TB&XH TP cho biết đang phối hợp với các quận, huyện rà soát số trẻ tạm trú dưới 6 tuổi, tình hình thực tế cấp thẻ BHYT và nghiên cứu quy định cấp thẻ BHYT cho đối tượng này để đề xuất UBND TP có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP - cho biết hiện nay các bệnh viện vẫn khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống. Tuy nhiên, trong hồ sơ phải ghi rõ tên, địa chỉ theo hộ khẩu thường trú của người mẹ và tên trẻ theo khai sinh (nếu có) kèm theo bản sao khai sinh hoặc giấy chứng sinh để làm cơ sở thanh toán chi phí.
“Trường hợp đối tượng có hộ khẩu TP, Bảo hiểm xã hội TP sẽ chi trả, còn những trường hợp ở tỉnh được chuyển về địa phương để thanh toán”- bà Huyền nói. Đối với trẻ trên 3 tháng tuổi, các bệnh viện phải yêu cầu phụ huynh xuất trình thẻ BHYT. Những trẻ không có thẻ BHYT sẽ được khám chữa bệnh có thu phí và nhân viên bệnh viện hướng dẫn thân nhân của trẻ liên hệ phường, xã nơi trẻ thường trú để được cấp thẻ BHYT. Đồng thời, thân nhân của trẻ liên hệ bảo hiểm xã hội tỉnh, thành nơi trẻ thường trú để thanh toán phí khám chữa bệnh.
Theo bà Huyền, thông tư liên tịch số 09/2009 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT quy định nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dùng để đóng phí BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là thuộc ngân sách địa phương. Con số hơn 400.000 thẻ BHYT mà Bảo hiểm xã hội TP đã cấp cho trẻ là căn cứ trên danh sách đề nghị cấp thẻ do Sở LĐ-TB&XH TP chuyển qua. Trong đó, có cả trẻ dưới 6 tuổi đăng ký tạm trú tại TP. Tuy nhiên, theo Sở Tài chính TP, hiện nay chưa có văn bản nào quy định phải cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em tạm trú.
“Việc UBND TP yêu cầu rà soát, thu hồi thẻ BHYT đã cấp sai đối tượng (trẻ tạm trú) có kèm theo cả việc phải hướng dẫn cho thân nhân của trẻ về địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cấp thẻ theo quy định” - bà Huyền nói.
Theo khoản 2, điều 17, Luật bảo hiểm y tế thì địa phương nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là UBND phường, xã nơi cư trú của cha, mẹ trẻ. Các địa phương trên có trách nhiệm lập danh sách và đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi cư trú tại địa bàn. Điều 1, Luật cư trú quy định định nghĩa rất rõ: “Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy nơi cư trú của công dân có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú. Từ quy định tại điều 17 Luật bảo hiểm y tế, địa phương nơi trẻ tạm trú vẫn phải có nghĩa vụ lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các cháu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận