26/11/2018 11:40 GMT+7

Trẻ ít vận động là lỗi của người lớn

HỒNG VÂN - HÀ MY ghi
HỒNG VÂN - HÀ MY ghi

TTO - Ngày càng có nhiều trẻ béo phì, thậm chí trẻ mới 12 tuổi đã đột quỵ. Quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, nhiều người nước ngoài lên tiếng về việc trẻ em VN ít vận động, ít chơi thể thao...


Trẻ ít vận động là lỗi của người lớn - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Độc Lập (TP.HCM) tập đá bóng trong giờ học giáo dục thể chất - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông David James (giáo viên, người Anh):

Học sinh có xu hướng thừa cân vì ít vận động

david james

Tôi dạy học ở một trường tiểu học tại Cần Thơ. Ở trường, một trong những niềm vui nho nhỏ của tôi là xem các em vui chơi tưng bừng trong giờ ra chơi. Các em học sinh lớp 3, lớp 4 chơi đánh cầu lông, chuyền banh, ném banh. 

Tôi thấy em nào cũng bừng bừng sức sống, đầy năng lượng và thật sự vui vẻ nhờ được chạy nhảy thoải mái.

Ngược lại, khi vào lớp học, nhiều em quá mệt mỏi và không thể nào xử lý thêm thông tin. Tôi không nghĩ rằng sau một ngày dài ở trường, em nào còn được đi tập thể dục, chơi thể thao hay đi dạo bộ, việc đơn giản nhất để làm. 

Nếu học sinh các cấp ở Việt Nam ít vận động thì là lỗi của người lớn. Ngay từ cấp I mà các em đã phải theo một guồng quay vất vả của sự học và cha mẹ các em cũng không phải là tấm gương sáng khi nói về siêng năng vận động và thể dục.

Chúng ta biết rằng học là một dạng lao động trí óc. Và não cần nghỉ ngơi để ghi nhớ những thông tin trong ngày và duy trì khả năng tư duy sáng tạo. Thể dục thể thao là sự nghỉ ngơi cần thiết cho cả cơ thể và bộ não, dù là người lớn hay trẻ nhỏ. 

Hiện nay, tôi quan sát thấy học sinh của mình bắt đầu có xu hướng bị thừa cân. Nếu thiếu quan tâm đến vận động, tôi sợ chúng ta sẽ có những chú gà công nghiệp béo tốt thay vì những em học sinh khỏe mạnh đầy sức sống.

Chị Auntida Vajrabhaya (giáo viên, người Thái Lan):

Thời tiết và xe cá nhân cản trở đi bộ

auntida

Không như ở châu Âu hay Nhật Bản, Đài Loan, người dân đi làm bằng tàu điện ngầm, xe buýt và phải đi bộ từ nhà ra trạm xe hay đổi trạm; ở Việt Nam, phần lớn mọi người di chuyển bằng xe máy. 

Mọi người ngại đi bộ vì chỉ cần leo lên chiếc xe trong sân nhà mình là có thể đi bất cứ đâu trong thành phố. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng là yếu tố khiến những người muốn đi bộ chùn bước.

Là giáo viên, tôi nhận thấy thiếu vận động có thể khiến trẻ bị thừa cân - điều rất phổ biến hiện nay - do các bé có thói quen ăn vặt, ăn ngọt, ăn béo. 

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên giải thích cho con mình lợi ích của việc thường xuyên vận động, thể dục thể thao, trong đó có đi bộ. Họ nên khuyến khích con cái tham gia thi đi bộ/chạy trong cộng đồng hoặc chủ động cùng con đi dạo trong làng xóm, khu phố.

Anh Ryan Patey (du khách, người Canada):

Phải đảm bảo an toàn cho người đi bộ

ryan patey

Những thành phố lớn như Vancouver, Toronto, rất nhiều người sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển. Giữa các trạm dừng hoặc từ các trạm ấy, chúng tôi phải đi bộ nên chất lượng lối đi bộ được quan tâm. Mọi hư hỏng sẽ có người sửa chữa ngay lập tức.

Khi đi bộ ở Sài Gòn, tôi thường bày ra một trò chơi với mình là đếm xem sẽ đi được bao lâu trước khi bị cản trở bởi các loại xe cộ chạy lên lề đường. Kết quả là không lâu chút nào. 

Thường thì sẽ có người ngồi xe máy chạy ngược chiều phía trước hay có người đi từ phía sau lại rất gần bạn rồi bóp còi muốn bạn nhường lề đường cho họ vượt qua.

Dù vậy, tôi vẫn tranh thủ đi bộ những lúc mình có thể vì tôi thích đi bộ. Để khuyến khích người dân đi bộ, chính quyền cần đảm bảo an toàn và an ninh. 

Ngoài khắc phục những hạn chế hiện có về vi phạm giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, cần đảm bảo lề đường an toàn không gập ghềnh cho mỗi bước chân. Về an ninh, hãy đảm bảo lề đường được chiếu sáng, không có đoạn nào tối tăm tiềm ẩn rủi ro, người đi bộ có thể thoải mái dùng điện thoại hay xách giỏ mà không nơm nớp lo bị cướp.

* Anh CONNOR LIVINGSTON (người Mỹ):

Cha mẹ phải làm gương cho con

connorlivingston

Ở Mỹ, việc đi bộ không quá phổ biến mặc dù mọi người đều biết lợi ích của việc này.

Bản thân cha mẹ tôi cũng không đặc biệt khuyến khích tôi đi bộ, nhưng cũng không cho tôi ngồi ru rú trong nhà cả ngày, và luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc chơi thể thao. 

Cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến việc con cái có chơi thể thao hay không. 

Nếu cha mẹ đi bộ và tham gia nhiều môn thể thao khác nhau, con cái sẽ dễ có xu hướng làm theo.

Theo tôi, nhiều người Việt Nam không chơi thể thao và có những thói quen không tốt cho sức khỏe như thói quen ăn uống.

Ông TOM OKON (người Úc):

Đánh thuế thức ăn không tốt cho sức khỏe

Ở Việt Nam, đến nay vẫn còn không ít người cho rằng "nhiều cân" thể hiện sự giàu có. Nhiều phụ huynh cho trẻ em ăn rất nhiều thức ăn chiên xào dầu mỡ, nhiều muối và nhiều đường.

Trong khi đó ở Úc, nhiều người đề nghị phải đánh thuế các món ăn không tốt cho sức khỏe như đánh thuế thuốc lá và bia rượu. Đồng thời, cần phải thay đổi quan điểm của mọi người về những đứa trẻ bụ bẫm. Người lớn cần phải thôi tung hê những đứa trẻ thừa cân, bụ bẫm, nhưng cũng không được chê bai khiến chúng tự ti.

Tôi lớn lên ở một vùng quê của Úc nên luôn phải sử dụng ôtô để đi đến các nơi. Tuy nhiên, điều đó không làm tôi không thích đi bộ. Khi mới đến Việt Nam sống, tôi thường đi bộ đến mọi nơi. Tuy nhiên, để người Việt Nam đi bộ nhiều hơn, đường sá phải có sự thay đổi.

Tôi chuyển nhà về gần sân vận động

con tap da banh

Con trai tôi và nhóm bạn đá banh ở chung cư Splendor (Gò Vấp, TP.HCM) ngày con còn nhỏ - Ảnh: Lily Mai

Lúc con trai tôi 5 tuổi, nhóm bạn bè tôi rủ cho con tham gia câu lạc bộ đá banh mang tên Arsenal tổ chức ở sân vận động Hoa Lư (Q.1, TP.HCM). Quá mừng vì nỗi lo của cha mẹ thành phố, bận bịu cả ngày, con cái ít vận động, chỉ quanh quẩn trong trường mầm non và căn phòng ở nhà... đã có lời giải.

Mỗi tuần một lần vào chiều thứ bảy, vợ chồng tôi chở con từ nhà ở Thủ Đức lên đây chơi đá banh. Nhìn con vui tươi hớn hở ra sân trong đồng phục mang tên câu lạc bộ nổi tiếng thế giới, chúng tôi quên đi nỗi vất vả đi lại dẫu nhà xa, kẹt xe…

Ngày gia đình tôi dời từ Thủ Đức lên một chung cư ở Gò Vấp, việc đầu tiên của tôi là hỏi chị trưởng ban quản lý tòa nhà xem trẻ con ở đây có gì chơi chung không. Biết các bé ở đây thường rủ nhau xuống sân chung cư đá banh, tôi mừng rơn cho con tham gia. Con tôi là thành viên đắc lực của nhóm banh nhí này và nhờ thể thao mà con có bạn mới, tạm quên nỗi buồn xa xóm cũ.

Khi con thứ hai của chúng tôi bắt đầu lớn lên, mỗi chiều vợ chồng tôi sau khi đón hai con ở trường thì đưa thẳng chúng đến sân vận động Quân khu 7. Ở đó có lớp học tăng chiều cao rất đúng ý các bậc cha mẹ, nhất là khi chiều cao của con hơi khiêm tốn.

Khi con tập luyện, vợ chồng tôi "vất vưởng", "lê la" đợi con… Chặng đường từ sân về nhà mới "đoạn trường" vì không ngày nào không kẹt xe. Có khi mất hai tiếng cho khoảng cách 6km!

Sau thời gian tham gia lớp học tăng chiều cao, chiều cao con trai tôi tăng đáng kể. Trước kia con đứng chưa đến vai bạn cùng tuổi thì nay đã cao xấp xỉ bạn. Nhưng thú thực nhiều khi vợ chồng tôi mệt nhoài. Sau ba năm như thế, chúng tôi quyết định dời nhà về gần sân vận động. Chặng đường tìm nhà hợp túi tiền đầy gian truân, nhưng giờ đây các con tôi đã có thể đi bộ đến nơi tập thể thao mỗi ngày.

LILY MAI

Nỗi khổ học nhiều, vận động ít của học sinh Việt Nỗi khổ học nhiều, vận động ít của học sinh Việt

TTO - Chương trình học thiết kế khô cứng và ít ỏi, phụ huynh, học sinh dồn sức cho các môn học chính... thể dục học đường ở Việt Nam đang bị 'bỏ rơi' trong khi thể lực học sinh có nhiều điều đáng bàn.

HỒNG VÂN - HÀ MY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên