28/06/2016 08:31 GMT+7

Trẻ học bài lâu thuộc, do đâu?

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

TTO - La rầy là thói quen của nhiều người lớn muốn ra oai. Không ít trẻ đang bị rầy la oan uổng vì là nạn nhân của tình trạng dưới đây:

Việc nghỉ ngơi hợp lý, nạp dưỡng chất đầy đủ góp phần giúp trẻ học hành tốt hơn - Ảnh minh họa: T.T.D.
Việc nghỉ ngơi hợp lý, nạp dưỡng chất đầy đủ góp phần giúp trẻ học hành tốt hơn - Ảnh minh họa: T.T.D.

 

- Quên ngay điều thầy cô mới căn dặn sáng nay.

- Học bài rất lâu do chưa học đến đoạn cuối đã quên đoạn đầu.

- Làm toán nhẩm không xong vì không thuộc bảng cửu chương.

- Bất thình lình không thể tiếp tục tập trung vào chuyện định nói tuy đã chuẩn bị kỹ càng trước đó! Hậu quả thường gặp là ú ớ khi được hỏi.

Người lớn học hoài một bài sống sao cho thanh liêm vẫn không xong. Trách chi trẻ con sao lãng chuyện học hành. Hành hạ trẻ con do ngu dốt là một tội ác không thể tha thứ của người lớn! Kẹt chính ở chỗ trẻ con xưa nay có được bào chữa bao giờ!

Càng học nhiều càng quên mau

Nếu tưởng chuyện vừa kể chỉ xảy ra với trẻ biếng học ở nước ta vì học quá nặng thì sai.

Kết quả khảo sát trong nhiều trường tiểu học ở CHLB Đức, nơi trẻ con đến trường không hẳn căng thẳng như bên ta vì bên đó không kẹt xe, không phải học thêm đến tối tăm mặt mũi, cho thấy nhiều trẻ bên đó tuy có chỉ số thông minh (IQ) cao, nghĩa là tiếp thu nhanh, suy luận giỏi, nhưng lại mau quên bài vừa học và học bài lâu hơn trẻ khác nếu trẻ căng thẳng vì gia đình xào xáo.

Liệu đây là chuyện tầm phào ở xứ người hay đây là vấn nạn rõ mồn một ở nước ta?

Tín hiệu nào cũng thế, vui buồn cũng vậy, muốn gắn chặt vào ký ức phải có đủ cường độ về cảm xúc, âm thanh, hình ảnh... để vượt qua rào cản của não bộ. Trẻ khó nhớ không hẳn vì trẻ đãng trí nếu các bài học không được diễn giải với chiều sâu của cảm hứng. Thầy giảng bài chán èo hỏi sao trò không muốn nhớ!

Kế đến, tín hiệu chỉ được giữ lại trong danh sách chờ xét tuyển vào bộ nhớ nếu không bị xóa ngay bởi kích ứng khác dồn dập hơn về tần số, mãnh liệt hơn về cường độ. Não của trẻ nếu tiếp nhận quá nhiều thông tin từ chuyện học, chuyện chơi, chuyện ăn, chuyện nào cũng căng thẳng khiến trẻ chưa kịp nhớ đã quên. Đó là chưa kể tác hại khó lường của máy tính bảng, của game trên mạng... Cho trẻ quẹt qua quẹt lại cả ngày lẫn đêm, trẻ còn trí nhớ mới lạ!

Đừng để trẻ hết pin!

Ai chẳng thấy thoải mái nếu được ngồi yên trong phòng máy lạnh khi ngoài trời như đổ lửa trên đầu. Nhưng nếu tưởng trẻ vào lớp có máy lạnh sẽ tốt do không phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm bên ngoài thì lầm to.

Nhiều công trình nghiên cứu ở các xứ nhiệt đới như Thái Lan, Singapore cho thấy viêm mũi dị ứng có xác suất rất cao ở trẻ ngồi học trong phòng máy lạnh với nhiệt độ trong phòng quá thấp nếu so với sức nóng bên ngoài phòng học.

Lúc nghỉ giữa giờ, lúc ra ngoài đi vệ sinh... là lúc cơ thể trẻ phải thích ứng rất nhanh với khác biệt nhiệt độ. Kích ứng này đối với cơ thể còn rất nhạy cảm của trẻ chẳng khác nào một thể dạng stress, thậm chí căng thẳng hơn cả lúc phải làm bài kiểm tra, do hệ thống cảm thụ thần kinh về nhiệt nằm dưới da của trẻ phải phản ứng quá nhanh trước cảnh chẳng khác nào đang trong tủ lạnh bỗng bước sang lò bánh mì!

Tuyến thượng thận là cơ quan đứng mũi chịu sào trong tình huống stress, nên phải làm việc tối đa. Hậu quả là lượng đường trong máu hao hụt rất nhanh, nhất là khi hệ miễn dịch của trẻ cùng lúc phải chống đỡ đòn đánh bồi từ bụi trong máy điều hòa không khí không được làm sạch màng lọc, từ phấn bảng, từ nước hóa chất lau sàn nhà...

Hễ tuyến thượng thận rồ ga thì cơ thể phải tiêu xài canxi, sinh tố B, sinh tố C và kẽm. Do thiếu đường, thiếu sinh tố (vitamin), thiếu khoáng tố nên trẻ khó tập trung dù mới vào lớp chưa đầy 2 giờ!

Cũng vì hết pin nên trẻ dễ mất kiểm soát. Nhiều trẻ hiếu động đến độ gây phiền phức cho bạn khi vào giờ chơi. Nhiều bậc cha mẹ nghe hoài lời mắng vốn của nhà trường mà không ngờ con mình hết nguồn dự trữ dưỡng chất khi buổi học mới nửa đường.

Tín hiệu đang trên đường ngon ơ vào bộ nhớ dễ dàng bị xóa chẳng qua cơ thể thiếu một số khoáng tố vi lượng, đứng đầu là kẽm. Khoáng tố này lại dễ thiếu hụt, phần vì không được dự trữ, phần vì mau cạn kiệt nếu tuyến thượng thận của trẻ phải hoạt động liên hồi trong tình huống trẻ gặp stress thường hơn gặp cha mẹ.

Bằng chứng là phần lớn số trẻ học bài lâu thuộc, cứ như người lớn đồng hành với stress, thường rụng tóc, gãy móng tay, dễ dị ứng do thiếu kẽm! Tội nghiệp trẻ còn quá trẻ nhưng cứ như người già!

Đừng biến trẻ con thành nạn nhân

Chuyên gia về nhi khoa biết rõ từ lâu là trẻ không thể tiếp thu thêm kiến thức, bất kể là âm thanh hay hình ảnh, nếu trẻ phải động não hơn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Do đó ở các nước khác, chương trình giáo dục chỉ là nửa ngày. Thay vào chuyện học đến nhừ người là chương trình thể thao theo năng khiếu của trẻ, thủ công theo ưa thích của trẻ, học tay nghề người thợ để đừng biết chữ nhưng đóng không được cây đinh.

Khó không ở chỗ thay đổi chương trình học, mà nhiêu khê hơn chính là làm sao thay đổi quan điểm bắt con học thêm vì sợ sau này thiếu bằng... tiến sĩ, cho dù sẵn sàng đánh đổi bằng tuổi thơ đáng lý phải được mộng mơ...

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên