Đạo diễn Nguyễn Hoàn Điệp bên tác phẩm của Nguyên 'trâu'
Tôi có thể mô tả với bạn rằng lúc ấy là lúc hoạ sĩ sắp hoàn thành tác phẩm, nhưng tôi cảm thấy thật khó khăn khi diễn tả lại không khí nao nức xung quanh tác phẩm lúc bấy giờ.
Một đống lộn xộn, cả máy hàn, máy tiện, cả búa, cả bào, cả đục lẫn thép đồng vàng lá…một anh nghệ sĩ cứ nói liên tục rằng, xong ngay, xong ngay đây, chỉ nửa tiếng nữa thôi, chỉ 10 phút nữa thôi… trong khi tôi ra sức bảo rằng, em có vội gì đâu ạ…
Rồi khi khệ nệ bê tác phẩm lên nhà, sau khi quăng lại một câu, cứ để yên đấy, chỉ một buổi tối thôi, chị Liên nhà anh sẽ dọn gọn gàng đâu vào đấy…tôi thì chỉ im lặng để chụp. Chị Liên thì tất tả dọn dẹp và cấm chồng không được đặt con trâu nặng chịch đó lên cái đàn piano bóng loáng.
Thực ra "trâu đàn số 8" - tôi được anh Nguyên khoe phác thảo cách đó tầm một tuần, khi nó đang là xốp trắng được đẽo gọt tháu tay…tôi đã không kìm lòng được, phải thốt lên một câu ít khi tôi nói thẳng với nghệ sĩ… Ôi trời ôi, đẹp quá trời ôi!
Tôi vốn cho rằng những lời khen đẹp khen xinh khơi khơi trực diện, nó có cái gì thật thiếu tinh tế, thiếu độ lịch lãm cần cho một nghệ sĩ, đặc biệt các nghệ sĩ đã thành danh dư thừa lời xưng tụng!
Lúc ấy, rất cẩn thận, anh Nguyên trâu mô tả rồi sẽ thế này, sẽ thế này, tôi thực ra không để tâm lắm, tôi vốn nghi ngờ các diễn thuyết liên tu bất tận kiểu này.
Với bạn bè, tôi thường kệ, nghe như nghe âm thanh đường phố vậy thôi… lọt vào tai ít nào thì lọt, còn lại tôi bận mắt bận não cho những gì tim tôi xui bảo. À, lúc ấy, tôi mải ngắm cái mông!
Phải, một cái mông trâu! Căng tròn, chắc nịch, phồn thực và khai hoa, thật khó để quả quyết rằng đây là một con trâu nái, dù mọi cong tròn êm đềm và uốn lượn rất hoàn hảo cho giới tính này.
Nhưng tôi kệ, tôi cứ nghĩ thế, một con trâu nái có cú vươn cổ dài ra, cúi thấp xuống như đang hít hương cỏ cách xa phía trước, cái mông núng nính gọn ghẽ (hoàn toàn không xồ, không xổ, mà khe rất thẳng, rất chân phương) trong thế đi đủng đỉnh rất là trâu nái.
Con trâu đàn này mang dáng dấp của trâu cổng làng nhưng vượt lên quy ước của tác phẩm cũ, nó cho ra một thứ dáng dấp đồ sộ hơn, bề thế hơn, vì thế mà cũng mạnh mẽ hơn và gì hơn nữa nhỉ?
Tôi – cảm thấy mình thật khó để nói hết điều lờ mờ cảm thấy. Khoảng bụng của trâu vẫn tạo ra liên tưởng về một lối vào nhưng cái cổng không cong đều mà lượn rất tự nhiên và duyên theo kiểu khỏi mất sức luận bàn.
Nó cũng không có mõ - pín - kẻng cá - xinh xinh để trang trí ngay chính giữa như cổng làng. Nó chắc nịch, khối lẳn lại, khối dày lên, khối thuôn dài, khối nối khối.
Tiết kiệm chi tiết. Ờ, thậm chí nó từ chối chi tiết! Cảm giác như nó đủ! Phải rồi, đủ! Con trâu đàn số 8 này, nó phô bày ra một sự chân phương tối giản đầy thành ý!
Cái đầu được nối với thân theo lối vừa toan tính vừa nhẹ nhõm… luôn là vậy, mọi tác phẩm của anh Nguyên đều có dấu ấn của một con rối, một sự tính toán về chuyển động rõ ràng và thành thật. Động là động!
Cụ thể luôn, giật đuôi, lắc pín, chim sâu gãi lưng, đầu trâu bò ngục ngoặc, thậm chí có những tác phẩm được điện khí hoá đến mức không ai có thể đừng được, cứ phải sán lại để nhìn nó đang động đậy hay biết là bao nhiêu… mà thôi, quay lại với trâu đàn số 8.
Chỉ vào những vệt khắc trên thân tác phẩm, các vệt khắc gần như giống hệt nhau, thẳng thớm, tỉ lệ dài rộng như nhau, chỉ khác nhau về kích thước và đặt ngang hay dọc trên thân trâu… chỗ này nó gây cho bạn cảm giác về song cửa, chỗ kia là tấm liếp vách, chỗ nọ là những phím đàn.
Chỉ vào đó, anh Nguyên vừa nhai sâm tươi Hàn Quốc vừa bảo, đấy, hồi xưa cứ nhớ cái song cửa bếp, ngửi được bao nhiêu là mùi thức ăn thơm ngon.
Chân thành mà nói, ngắm con trâu đàn, tôi cũng hình dung ra song cửa, chỉ là song cửa phòng ngủ của một cô thôn nữ mới lớn lên, hình như nàng bám tay vào đó, tóc khe khẽ phất phơ, hình như nàng có à ơi đôi câu hát ví.
Khi nói về một tác phẩm điêu khắc, người ta sẽ nói gì nữa nhỉ? Chất liệu và màu sắc chăng?
Tôi là đứa nghèo, nên mọi khi hay tạt qua nhà anh Nguyên mua vài con trâu phiên bản, loại sử dụng như một đồ mỹ nghệ cao cấp, hơn là một tác phẩm có giá trị sưu tầm…tôi khoái sắc đỏ thắm sơn mài, sắc trắng vỡ rạn, sắc kem ngà ô ố, sắc vàng lá có vẻ cao xa, sắc đen óng, sắc xanh cánh chả…
Tôi khoái như là khoái một thứ gì quen quen thuộc thuộc khó nói được lí do!
Nhưng nếu để phải wow, phải thốt lên hoặc im bặt đi trong dạ cuồn cuộn những câu úi chà ui cha ối giàng ôi ới cha mạ ơi…thì có lẽ phải là cái kiểu chất liệu cùng màu sắc của bộ tác phẩm này!
Nó được trộn giữa một chất liệu dùng trong nha khoa - tựa như thạch cao nhưng không hẳn thế - với trấu, rơm, rạ, các dăm gỗ nhỏ, tôi không dám chắc, tôi không hỏi sâu.
Tôi chỉ hình dung rằng, để làm nên thân trâu, chả có gì thích hợp hơn thế, một thứ gì gợi ngay cảm giác về đất, về ruộng, về lúa, về thóc…và chắc chắn là về TRÂU!
Nhưng nói sao nhỉ, cái sến này rất Nguyên trâu - một anh hoạ sĩ luôn cố ngoạc ra nói toàn chuyện quỷ ma – rượu – chó – đạn bom – ngầu nghiểng…
Như tôi có trình bày phía trên ấy, tôi chả mấy khi để tâm anh Nguyên đang nói chuyện gì, anh Nguyên giống mấy cậu giai bộc tuệch nhưng có khí chất ngang tàng hoặc là có khí chất hảo hớn nhưng mà luệch nguệch… đại loại thế.
Một kiểu mà nói về rượu, về chính trị, về tiền, với về này về nọ thì thôi cứ mặc định là chỉ nghe nói cho vui!
Vì cái khí chất của họ, nó có nằm ở điều họ đang cố nói ra đâu - những lời ấy - những lời vui vui ấy nó chỉ rất vui vui!
Khí chất của Nguyên trâu - nó nằm cả ở bọn TRÂU đàn!
Chất liệu này cho phép Trâu của anh Nguyên vênh váo giữa giời, bất chấp nắng mưa, nhiệt nung, nước thẩm…và điều quan trọng là nó cho phép tác giả đối thoại với người thưởng lãm một cách rất rất…vừa vặn!
Bởi nó rõ như ban ngày về chất liệu, nó gai lên dưới đầu ngón tay bạn, nó mát rượi đi khi vuốt ve, nó trắng tinh mà dưới ánh đèn rọi nó lại tự cho phép mắt mình tạo ra vài sắc độ rất ranh ma! Tôi khoái nó, như một con mẹ già đầu còn khoái cúp bê.
Mấy phím đàn nằm ngang trên lưng con trâu, có con chim con chắc là đang cố lích chích tập bay lên, nó đem đến cho Trâu đàn một ý tươi tươi và dịu mát, dù cho cái ý tưởng thực ra hơi sến một chút.
Giờ này chắc anh Nguyên và bọn trâu đã đi được đến miền Trung. Và tất nhiên bàn toàn những chuyện đao to với anh tiến sĩ vật lý bạn thân… rồi Nhà chống lũ xong, lại về Hà Nội có chị Liên đang đợi để bắt đầu những nhát búa nhát đục con con!
Về thằng bé mục đồng trên lưng trâu, bất chấp ông bố bảo nó đang thả diều, thì Châu Anh, cô con gái cá tính rất láu lỉnh vẫn quả quyết cho rằng, thằng bé ấy đang dò sóng wifi!
Và mình, tất nhiên là mình đứng về phía Châu Anh - như một hiệp sĩ luôn đứng về phe nước mắt!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận