07/03/2018 17:16 GMT+7

Trao hỗ trợ mô hình Cùng xây cuộc sống xanh

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

Hai mô hình trồng quýt hồng trên núi Cấm và trồng lúa trên đồng sạch tại An Giang đã nhận được hỗ trợ 15 triệu đồng/mô hình vào đầu tháng 3-2018.

Trao hỗ trợ mô hình Cùng xây cuộc sống xanh - Ảnh 1.

Trao hỗ trợ mô hình trồng quýt hồng cho cụ Trần Thanh TùngẢnh: Đ.V

Chương trình Cùng xây cuộc sống xanh do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng nhà tài trợ Công ty Cổ phần Tôn Đông Á trao hỗ trợ cho các nông dân.

Sau khi tham quan khu vườn trồng quýt hồng của cụ Trần Thanh Tùng trên núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. PGS. TS Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng đây là cách làm khá độc đáo, sáng tạo. Mô hình sẽ mang lại thêm nhiều giá trị kinh tế, lợi ích về xã hội nếu như kết hợp thêm loại hình phục vụ du lịch, bởi núi Cấm vốn thu hút đông khách hành hương, tham quan.

"Việc nâng cao thu nhập sẽ khuyến khích người dân tích cực trồng cây, bảo vệ rừng. Nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn hơn", ông Sánh nói.

Cụ Tùng kể mấy năm qua gia đình mình thường cung cấp giống và sẵn lòng hướng dẫn cách canh tác cho người dân, vì nghĩ rằng càng có thêm nhiều hộ cùng trồng thì sẽ cho sản lượng quýt lớn nên sẽ thu hút thêm nhiều thương lái đến mua, càng dễ bán.

Trong khi đó, mô hình trồng lúa đồng sạch của ông Nguyễn Văn Thao ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú được PGS Sánh đánh giá cao vì nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ môi trường lâu dài cho vùng ĐBSCL.

Trao hỗ trợ mô hình Cùng xây cuộc sống xanh - Ảnh 2.

Trao hỗ trợ mô hình trồng lúa trên đồng sạch tại An GiangẢnh: Đ.V

Ông Nguyễn Phước Hoài Chương - giám đốc Phòng Truyền thông và phát triển thị trường Công ty Cổ phần Tôn Đông Á - đánh giá cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội tạo ra từ hai mô hình và hy vọng địa phương tiếp tục phát triển nhân rộng.

Với chương trình Cùng xây cuộc sống xanh, Công ty sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ thêm nhiều mô hình, cách làm sáng tạo hiệu quả tương tự, qua đó chia xẻ trách nhiệm cùng cộng đồng trong việc nâng cao đời sống người dân ở ĐBSCL.

Ông Thao kể từ một nông dân gắn bó với ruộng đồng, mình đã đi học đại học rồi làm trong ngành nông nghiệp và trải qua nhiều đơn vị công tác khác nhau. Suốt 23 năm qua, bên cạnh trực tiếp hướng dẫn nông dân, ông còn luôn cho giới thiệu, phổ biến chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và mô hình để nông dân áp dụng theo. Tới nay đã có hàng trăm hộ nông dân nhiều xã trong huyện canh tác lúa không dùng thuốc trừ sâu rầy, hạn chế phân bón, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 1.000 đồng mỗi kg lúa.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, đánh giá cao mô hình của ông Thao là phương pháp canh tác lúa hướng đến nền nông nghiệp sinh thái bền vững, phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Tới đây, Sở NN&PTNT và UBND tỉnh sẽ có chính sách khuyến khích mở rộng vùng nguyên liệu lúa an toàn, lúa hữu cơ, đồng thời thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho nông dân.


ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên