Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bìa trái) - và NSND Trịnh Thúy Mùi - chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (bìa phải) - trao huy chương vàng cho bốn vở diễn xuất sắc - Ảnh: THÚY HIỀN
Lễ trao giải diễn ra đêm 26-11, với sự tham gia của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Hội đồng giám khảo gồm 3 chuyên gia trong nước và 2 chuyên gia nước ngoài là đạo diễn Hiroyuki Muneshige (Nhật Bản) và nghệ sĩ người Anh Lydia Rochelle Newman.
Với số lượng đơn vị tham gia áp đảo (16 đơn vị) so với 4 đoàn nghệ thuật quốc tế Hàn Quốc, Ba Lan, Singapore, Ý... không lạ khi nước chủ nhà Việt Nam nhận gần hết giải thưởng, bao gồm toàn bộ giải thưởng quan trọng.
Cảnh trong vở 'Người trong cõi nhớ' được huy chương vàng vở diễn xuất sắc - Ảnh: Nhà hát kịch Việt Nam
Cụ thể, bốn vở diễn được trao huy chương vàng, năm vở bạc và một vở giải đặc biệt và một số giải thưởng chính khác đều thuộc về Việt Nam.
Chỉ có 3 nghệ sĩ nước ngoài giành giải vai diễn xuất sắc cùng với 26 nghệ sĩ của Việt Nam và sáu nghệ sĩ giành giải bạc, 2 nghệ sĩ nhí được bằng khen cho diễn viên nhỏ tuổi nhất.
Bốn vở huy chương vàng gồm: Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn); Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Trịnh Mai Nguyên đạo diễn); Thương Thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng đồng đạo diễn); Đến bến bờ kia (Đoàn kịch nói Hải Phòng, NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn).
Năm vở được trao huy chương bạc gồm: Hedda Gabler (Nhà hát Tuổi Trẻ), Hoa khôi dạy chồng (Nhà hát kịch Quân đội), Antigone (Lucteam); Lời thề (Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng); Ê Đíp làm vua (Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội).
Vở kịch 72 lá đơn của Sân khấu Lệ Ngọc được trao giải đặc biệt về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cảnh trong vở rối Bản tình ca trên núi được huy chương vàng vở diễn xuất sắc - Ảnh: Nhà hát Múa rối Việt Nam
Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 39 huy chương bạc và một số giải phụ. Trong đó có các giải cá nhân xuất sắc thuộc thành phần sáng tạo vở diễn gồm: họa sĩ xuất sắc cho họa sĩ Doãn Bằng (thiết kế vở Người trong cõi nhớ); NSƯT Phùng Tiến Minh (nhạc sĩ xuất sắc, sáng tác âm nhạc vở Trái tim Hà Nội); NSND Nguyễn Tiến Dũng (đạo diễn xuất sắc vở rối Bản tình ca trên núi); Như Sơn (thiết kế ánh sáng xuất sắc vở Bản tình ca trên núi); NSƯT Lệ Thu (chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc vở Đến bến bờ kia - Đoàn kịch nói Hải Phòng).
Có thể thấy bên cạnh tài năng của các nghệ sĩ sân khấu trong nước thì kết quả này có được cũng một phần do liên hoan năm nay thu hút được quá ít đoàn quốc tế tham gia, mà nguyên nhân chính là do khủng hoảng kinh tế sau dịch COVID-19.
Bốn đoàn quốc tế sang Việt Nam dự liên hoan đều đến với một đội ngũ rất gọn nhẹ, vở của Hàn Quốc chỉ có 3 diễn viên trên sâu khấu diễn cùng các con rối.
Điều này ngoài lý do tiết kiệm kinh phí ra nước ngoài thì còn vì thực tế hiện nay các đoàn kịch trên thế giới có xu hướng thu nhỏ gọn, ít người, một người tham gia vào nhiều vai, do khó khăn chung của sân khấu.
Ở Việt Nam, Lucteam cũng đi theo xu hướng tinh gọn này. Trong vở Antigone, đạo diễn Trần Lực kiêm luôn vai trò đánh trống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận