09/11/2011 06:14 GMT+7

Tranh Việt nhìn từ chợ tranh

QUANG THI
QUANG THI

TT - Từ ngày 22-10 đến 3-11, nhận lời mời của gallery K Moeller (Singapore), các họa sĩ Nguyễn Ðình Hiền, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Trần Thanh Cảnh đã có chuyến tham quan, tìm hiểu và giới thiệu tranh VN tại Singapore và Malaysia.

q4E46F43.jpgPhóng to
Chị Thanh Kiều (bìa trái) - chủ gallery K Moeller (Singapore) - giới thiệu tranh Việt Nam với đại sứ Đan Mạch ở Kuala Lumpur (thứ hai từ trái qua) tại Malaysia Art Expo 2011 - Ảnh: QUANG THI

Một chuyến đi dài nửa tháng với lịch trình gồm dự chợ tranh, dự khán các phiên đấu giá, tham quan các gallery, gặp gỡ các nhà sưu tập... đủ để các họa sĩ cảm nhận được không khí hội họa trong khu vực, cũng như nhận thấy những điều còn hạn chế của mỹ thuật VN.

Chợ tranh Malaysia: VN bán được 5 bức

Nhiều họa sĩ VN đã biết tới Singapore Art Fair, nhưng Malaysia Art Expo là một thị trường mới lạ. Malaysia Art Expo năm nay quy tụ hơn 60 gallery từ 23 quốc gia trên thế giới. VN có mặt với phòng tranh duy nhất là gallery K Moeller (Singapore). Sự lựa chọn từ tranh của các họa sĩ trưởng thành lớp trước như Hồ Hữu Thủ, Hứa Thanh Bình, Uyên Huy, Phạm Cung, Hoàng Oanh... đến các họa sĩ trẻ như Nguyễn Ðình Hiền, Liêu Nguyễn, Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Trần Thanh Cảnh, Trường Nghi được sắp xếp theo chủ ý của chị Thanh Kiều Moeller - chủ gallery K Moeller. Nhiều nhà sưu tập lẫn gallery tham gia đều đánh giá tranh VN đẹp, có sắc thái riêng.

Malaysia Art Expo năm nay khai mạc long trọng. Hôm khai mạc, đại sứ các nước Ðan Mạch, Senegal tại Kuala Lumpur tìm đến chúc mừng và tìm hiểu tranh VN. Ðặc biệt là đại sứ VN tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao cùng gia đình cũng đến chia vui và thăm hỏi các họa sĩ.

Phòng tranh VN còn đón một vị khách đặc biệt khác là ông N. Parameswaran, cựu đại sứ Malaysia tại VN những năm 1980. Có lý do để lưu ý vị cựu đại sứ này vì ông sở hữu hơn 1.000 bức tranh về đề tài chiến tranh cách mạng VN cùng với hơn bốn bức tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Khi chị Thanh Kiều đề nghị nhượng lại tranh của Nguyễn Gia Trí thì ông chỉ cười và hỏi lại: "Bạn có bao nhiêu tiền?".

Tuy nhiên, thị trường tranh ở Malaysia năm nay không khả quan như hi vọng, các họa sĩ VN bán được năm bức (tranh của các họa sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Liêu Nguyễn, Trường Nghi...). Như vậy đã là quá nhiều so với các phòng tranh khu vực. Ðối với những phòng tranh bán quá ít, ban tổ chức cũng giúp đỡ bằng cách giới thiệu khách hàng mua một hai bức hữu nghị.

Ở chợ tranh, người mua cũng trả giá quyết liệt. Có người trả giá tranh với mức giảm 30%. Những trường hợp này thì chị Thanh Kiều không bán, bởi chị muốn giữ giá cho tranh VN ở lần đầu ra mắt này.

Nhiêu khê... thị hiếu

Ở Singapore và Malaysia, thông dụng nhất vẫn là tranh sơn dầu. Người mua cũng quan tâm tranh sơn mài VN, còn tranh lụa thì bị hạn chế bởi khí hậu nóng ẩm ở đây khiến tranh dễ hư hại. Có người thích tranh VN, nhưng mua xong không dám đem về nhà bởi vì vợ ông không chấp nhận được bức tranh nào có hình ảnh... đàn bà, mà tranh Việt thì rất “ăn” đề tài thiếu nữ!

Tâm lý chung của người mua là thích những bức tranh vui vẻ, không thích những gương mặt buồn, âm u. Nhưng khi họa sĩ Nguyễn Đình Hiền mang sang một bức tranh cười toe toét thì họ chột dạ, phán rằng sao mà nhiều... răng thế, khiến họa sĩ phải giật mình đến đếm đủ răng thì họ mới... chịu (!).

Cho nên thị hiếu tranh cũng lắm nhiêu khê! Người phương Tây thích cá tính, tôn trọng những nỗi buồn nhân văn của con người, còn người châu Á nói chung thích những bức tranh trang trí, vui vẻ.

Giá tranh VN đắt hay rẻ?

Gặp gỡ các họa sĩ VN tại Malaysia Art Expo, ông A. K. Tan - giám đốc một công ty quốc tế sở hữu Trung tâm Mỹ thuật và văn hóa phương Ðông ở Kuala Lumpur - cho rằng xét về tiềm lực thì VN vẫn mạnh về mỹ thuật, nhưng Malaysia đang đầu tư mạnh cho mỹ thuật nên vẫn năng động hơn VN một bước.

Nữ họa sĩ Chin Yuen Seam - giám đốc Trung tâm Mỹ thuật và văn hóa phương Ðông - thuật lại rằng trước kia tranh Trung Quốc rất rẻ, nhưng từ khi nhà nước đầu tư mạnh, giới sưu tập Trung Quốc vì lòng tự tôn dân tộc đã đẩy giá tranh Trung Quốc lên cao vọt. Có thể thấy điều đó ở Malaysia Art Expo lần này, khi mà tranh của các họa sĩ Trung Quốc chỉ đề tên và bảng giá bằng tiếng Hoa, cứ như họ không cần người sưu tập quốc tế vậy!

Sự hỗ trợ và tinh thần dân tộc của nước chủ nhà cũng thể hiện rõ khi tranh của các họa sĩ Malaysia gần như được bán hết ngay trong ngày khai mạc.

Tranh Trung Quốc giá cao là do các nhà sưu tập trong nước đẩy giá lên, tranh Indonesia cũng vậy. Giá tranh quốc tế cũng tổng hợp từ nhiều yếu tố như uy tín thị trường mỹ thuật, tài năng và nỗ lực của họa sĩ, chính sách hỗ trợ, cả những chiêu làm giá trên sàn đấu giá. Cho nên giá tranh không thể là do họa sĩ tự "hét" lên như ở ta được.

Từ lâu, mỹ thuật VN đã bị tai tiếng vì nạn tranh giả, nhưng còn một điều tiếng nữa phải được nhắc tới là bị phàn nàn vì... giá cao (!).

Vậy giá tranh Việt có thật sự cao, hay thực tế là ngược lại? Ở Singapore có hội chợ tranh giá rẻ từ 7.000 USD trở xuống, mà ở VN số họa sĩ vượt qua ngưỡng giá đó không quá đầu ngón tay. Liếc qua giá tranh họa sĩ Indonesia thì thấy ta vẫn cách họ một trời một vực.

Ngõ ra nào cho tranh VN?

Ở Malaysia, Malaysia Art Expo ra đời năm 2007 cùng với sàn đấu giá Henry Butcher là để phục vụ giới sưu tập trong nước. Qua sự kiện này Malaysia muốn quảng bá du lịch quốc tế, đồng thời kích thích mỹ thuật trong nước phát triển. Còn ở Singapore, các sự kiện mỹ thuật như các sàn đấu giá, Singapore Art Expo, Affordable Art Fair, bán tranh giá rẻ... cũng diễn ra dồn dập đến độ các gallery cảm thấy bị cạnh tranh đến nghẹt thở.

Chính sách hướng về văn hóa Ðông Nam Á của Singapore khiến các bảo tàng ở đảo quốc này luôn săn lùng tranh của các họa sĩ nổi tiếng VN. Năm 2008, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore còn tổ chức cả một hội thảo quốc tế về mỹ thuật VN thời mở cửa, một sự kiện mà trong nước chúng ta chưa bao giờ làm.

So với tương quan khu vực thì VN có lịch sử mỹ thuật lâu đời, số lượng họa sĩ đông đảo và nhiều tiềm năng hội họa. Thế nhưng, trong khi Singapore, Indonesia, Malaysia... đang tạo dựng một không khí mỹ thuật sôi động thì ở ta tỏ ra rất trầm lắng.

Một số nhà đầu tư Malaysia cũng gợi ý khả năng đầu tư vào VN những mô hình dự án mỹ thuật đã thành công ở Trung Quốc mà Malaysia đang áp dụng. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên là ở VN giới sưu tập hãy còn ít, manh mún, nhỏ giọt. Một vấn đề lớn là người VN chưa quan tâm đến mỹ thuật đúng mức.

Ðến bây giờ vẫn chưa thể nói VN đã có thị trường tranh, còn các họa sĩ trẻ thì đang nỗ lực đuổi theo xu hướng đương đại của thế giới.

Ðể tranh Việt ra khu vực, thêm một yếu tố là cần sự giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn nữa. Ðó cũng là hướng đi của chị Thanh Kiều - chủ gallery K Moeller ở Singapore. Sau nhiều lần triển lãm, chị đã giới thiệu tranh của các họa sĩ Hứa Thanh Bình, Nguyễn Ðình Hiền, Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Trường Nghi, Phạm Cung, Ái Lan... đến với thị trường Singapore.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên