Tác phẩm Mẹ tròn con vuông của Trần Xuân Minh (Huế)
Muôn vẻ tranh heo
Ngày 21 tháng chạp, rất đông công chúng yêu nghệ thuật đất Hà thành đã hội tụ tại chợ Hàng Da - phố cổ Hà Nội dự lễ khai mạc triển lãm Sắc dó và gốm Hương Canh của Nhóm họa sĩ G39. Trong số hàng chục tác phẩm của 21 họa sĩ, đáng chú ý hơn cả là sự phong phú, muôn vẻ của con heo được phác họa bằng rất nhiều phong cách, "trường phái".
Sân chơi tranh tết lần thứ 5 này càng thú vị, rộn ràng khi người yêu tranh được các họa sĩ trực tiếp phóng cọ lên giấy dó đề tặng để rinh con heo về nhà đón Tết. Sự kiện càng có ý nghĩa bởi được tổ chức để tôn vinh nghề giấy dó và nghề gốm Hương Canh tiếng tăm một thời.
Trong rất nhiều bức tranh "sắc dó" ở đây, nhiều người cứ chậc lưỡi ngẩn ngơ trước cách thể hiện khác biệt của cây cọ Tào Linh. Hình ảnh con heo với sự phè phỡn, no nê có thể khá xấu xí trên thực tế, thực ra cũng chỉ là cái cớ để anh phóng bút.
Tranh heo của họa sĩ Tào Linh (Hà Nội)
Tào Linh khai thác triệt để sự chấm phá, loang chảy của mực nho trên giấy dó khi vẽ tối giản; anh chắt lọc tối đa để cho ra hình ảnh con heo mang tính khái quát rất cao. Đây cũng là cách mở cho người xem tham gia quá trình sáng tạo của tác giả thông qua trí tượng tượng khi nhìn tác phẩm.
Trong khi tại Sông Như gallery của Huế trong ngày ông Táo về trời, nhóm họa sĩ của đất cố đô cũng vào cuộc vui "mỗi năm góp một trận cười": khai mạc triển lãm Năm lợn vẽ con heo.
32 bức tranh của 24 tác giả, gồm cả 5 cháu thiếu nhi, thể hiện muôn hình, muôn vẻ về con heo, đúng như lời giới thiệu: "Mỗi người diễn đạt theo cách nghĩ của mình, có thể là mong ước, hóm hỉnh, hài hước, cảnh báo một điều nào đó… Tất cả đều cho người xem những thông điệp để mỗi người tự giải mã!"…
Các họa sĩ khuyết tật đang vẽ tranh heo dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Văn Y. Ảnh: THÁI LỘC
Sẻ chia đón Tết
Vào một ngày cuối năm Mậu Tuất này, họa thất của nhóm họa sĩ Mekong art (hẻm 776 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TP.HCM) trở nên đông vui với hơn 20 họa sĩ câm điếc của nhóm Âm thanh hội họa "kiếm tiền ăn Tết".
Những ngôn ngữ cử chỉ, những nụ cười nhộn vui khi họ trao đổi nhau về chuyến thăm trại phong ở Lâm Đồng vừa rồi: họ đã cùng trích tiền bán tranh của mình để trao quà cho những người bệnh đang điều trị tại đây.
Vừa trao đổi, họ cùng bày toan, mỗi bạn chọn một cách riêng để phối màu nền kịp nắng hong khô. Những con heo Kỷ Hợi dần rõ nét qua từng nét cọ. Hơn 20 bức tranh heo, có những con thật ấn tượng, đậm cá tính thành hình… trong động tác của người hướng dẫn: "vẽ rất đẹp, rất tốt!".
Chưa hết, một cái toan khổ lớn được họa sĩ Văn Y, người chủ xướng bày ra giữa phòng. Từng họa sĩ chọn một tông màu rồi múc mấy muỗng sơn hòa vào ca đổ tràn lên mặt toan.
Từng tông, từng mảng, nóng có, lạnh có hòa quyện vào nhau, tạo thành một phông nền có hiệu ứng rất đặc biệt, khác lạ. Tiếp đến, mỗi một họa sĩ tiếp tục cầm cọ đi nét cùng những chấm phá màu đen.
Một bức tranh về đàn heo sinh động, sum vầy thành hình trong sự trầm trồ của cả nhóm. Họa sĩ Văn Y cho biết toàn bộ số tranh của các họa sĩ khuyết tật sẽ được tổ chức triển lãm để bán. Riêng bức tranh chung sẽ tổ chức đấu giá.
Số tiền bán bức tranh chung cùng với 25% tiền bán những bức khác được cả nhóm khuyết tật thống nhất chia sẻ những người kém may mắn hơn mình. Họ sẽ dành làm quà tết cho một nhóm trẻ em mồ côi đang sống tại một ngôi chùa ở TP.HCM…
Xem thêm một số tác phẩm tranh nhân vật con heo:
Tác phẩm của họa sĩ khuyết tật Văn Tuấn (TP.HCM)
Tranh heo của họa sĩ Tào Linh (Hà Nội)
Tranh heo của họa sĩ Tào Linh (Hà Nội)
Tác phẩm Heo đất của Nguyễn Quốc Sơn (Huế)
Tác phẩm Niềm vui của Nguyễn Đăng Sơn (Huế)
Tác phẩm Tình của Huỳnh Thị Tường Vân (Huế)
Tác phẩm Con Hợi của Phạm Trinh (Huế)
Chuyện heo ca - bộ 7 bức tranh heo của Đặng Mậu Tựu (Huế)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận