15/12/2007 08:10 GMT+7

Tranh nhau mua... rác công nghiệp!

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Săn lùng rác thải đang là ngành kinh doanh "hái ra tiền"! Nhôm, sắt vụn, thùng, can nhựa, phuy đựng hóa chất, bìa giấy, gỗ, cao su... những thứ "đầu thừa đuôi thẹo" đều có giá và người ta tranh nhau mua dù nó có thể gây ra hiểm họa lớn.

ckEIBkZs.jpgPhóng to
Phân loại rác thải trước khi đưa vào xử lý - Ảnh: D.T.H
TT - Săn lùng rác thải đang là ngành kinh doanh "hái ra tiền"! Nhôm, sắt vụn, thùng, can nhựa, phuy đựng hóa chất, bìa giấy, gỗ, cao su... những thứ "đầu thừa đuôi thẹo" đều có giá và người ta tranh nhau mua dù nó có thể gây ra hiểm họa lớn.

Đến một cơ sở thu mua rác thải công nghiệp (RTCN) của nhà thầu tên B. ở huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương), chúng tôi thấy những mảnh cao su vụn cắt bỏ từ đế giày, mảnh nhựa... được chất cao từ trong nhà tới ngoài sân, nồng nặc mùi cao su phế liệu. Công nhân đang phân loại, đưa vào lò nấu lại thành nhựa thứ cấp.

Anh Th., người phụ trách ở đây, cho biết: "Mấy thứ phế liệu này nhà máy thải ra, không biết bỏ đâu nên chúng tôi thu gom về hết, chế biến lại thành nhựa thứ phẩm bán cũng được 18 triệu đồng/tấn". Khi được hỏi về việc xử lý độc tố trong nhựa phế thải, anh Th. lắc đầu không nói.

Vừa tiện, vừa được "lại quả”

Thông thường, mỗi nhà máy đều có ba loại rác thải cần phải bỏ đi gồm: rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại và phế liệu. Muốn bỏ đi phải thuê thầu (có chức năng, được cấp phép) đem xe tới chở, mà giá không phải rẻ: 80.000-100.000 đồng/m3 (cho rác sinh hoạt) và 80-200 USD, thậm chí tới 2.000 USD/m3 (cho RTCN độc hại). Tuy nhiên các nhà máy thường yêu cầu nhà thầu rác phải "ôm" luôn một lúc ba món rác thải.

Mặt khác, những thứ rác thải nguy hại thay vì phải xử lý triệt để bằng cách đốt bỏ hoặc đem chôn, một số nhà máy lại bán thẳng cho thầu rác.

Theo qui định, những can nhựa đựng hóa chất khi dùng xong phải tiêu hủy, tốn kém chi phí hàng trăm triệu đồng, nay bán lại cho thầu rác, nhà máy chẳng những không tốn tiền tiêu hủy mà còn thu được tiền bán ve chai không nhỏ. Như nhà máy P mỗi ngày có lượng rác thải sinh hoạt trên 100m3, mỗi tháng phải trả cho Công ty Dịch vụ môi trường đô thị TP Biên Hòa (Đồng Nai) tới 240 triệu đồng phí thu gom, nay khỏi phải tốn khoản tiền này vì giao hẳn "ba trong một" cho thầu rác còn RTCN cũng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng từ lâu họ đã "khoán" luôn cho công ty dịch vụ, vừa tiện lại được tiền "lại quả”.

Theo tính toán của một chuyên gia môi trường ở Đồng Nai, bình quân cứ 100 triệu đồng chi cho xử lý RTCN thì vào túi các nhà máy hết 30 triệu, ông thầu rác 70 triệu, mà lẽ ra số tiền đó phải chi vào việc chuyên chở, đốt bỏ, tiêu hủy mới đúng qui định.

Thông thường, các thầu rác đều có "vệ tinh" chuyên nghe ngóng có nhà máy nào mới mọc lên là lân la tới đặt vấn đề. Họ "tình nguyện" thu gom miễn phí rác sinh hoạt để được "bao" luôn RTCN và tất nhiên phải "lại quả” cho nhà máy. Nhà thầu B. ở Thuận An (Bình Dương) vừa bị một cú mất mối đau điếng. Trước đây anh là mối gom rác thải của Công ty R - chuyên sản xuất linh kiện điện tử, với nguồn phế liệu dồi dào là bản mạch điện tử, dây đồng, môtơ điện... Đang làm ăn ngon trớn thì một hôm ông chủ nhà máy kêu anh lại nói nhỏ nhẹ: "Anh mãn hợp đồng rồi, tháng sau nghỉ nhé”. Tìm hiểu anh mới biết một "đầu nậu" ở TP.HCM đã "lại quả” cho ban giám đốc nhà máy số tiền gấp đôi mà anh chi trước đây.

Công ty Dịch vụ môi trường đô thị TP Biên Hòa cũng bị giành mối. Một cán bộ lãnh đạo công ty này bức xúc: "Những ngày cuối năm 2006 bỗng dưng có khoảng 20 nhà máy cắt hợp đồng gom rác thải sinh hoạt với chúng tôi. Khi tìm hiểu mới biết nguyên nhân do các thầu phế liệu chào giá thu gom "ba trong một" vừa tiện vừa được tiền nên họ cắt hợp đồng".

Một trong những mánh thường dùng của các thầu rác là kết thân với một số sếp thuộc lĩnh vực thanh tra môi trường. Để làm ăn, các nhà máy luôn đáp ứng yêu cầu của sếp khi được alô "có anh bạn vô mua một ít phế liệu, bác coi giúp đỡ bạn mình tí nhé”. Tất nhiên, các thầu rác không dám "quên ơn anh Ba, anh Tư” đã hết sức quan tâm chu đáo.

Hiểm họa lớn

BBk8WXUg.jpgPhóng to
Phế liệu công nghiệp được bán tại một vựa ve chai

Ngày 15-11-2007, chúng tôi bám theo bốn chiếc xe tải chở rác về trạm xử lý của một doanh nghiệp tư nhân đặt tại huyện Thuận An (Bình Dương). Xe đổ xuống sân hàng đống da vụn, can nhựa, thùng phuy, vải vụn, bao nilông, sắt, nhôm, gỗ vụn, kể cả bản mạch điện tử, môtơ điện... Liền đó khoảng 40 công nhân xúm vào phân loại, cắt tỉa từng món theo chủng loại rồi gom vào một chỗ.

Anh Nguyễn Văn Tr., một công nhân, cho biết nhựa thì nấu lại, da thì xay nhuyễn, đồ điện tử thì "mổ" ra lấy dây đồng cũng bán được. Anh tiết lộ: "Nếu như rác sinh hoạt mười phần chỉ lấy được 2-3 phần thì RTCN lấy tới 7-8 phần". Khi đi ngang dãy nhà kho đựng lổn ngổn thùng phuy, can nhựa, một mùi khí cay nồng xộc lên mũi khiến ai nấy đều choáng váng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lén lút thải rác độc hại ra môi trường. Tại bãi rác sinh hoạt Trảng Dài, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, người dân thường xuyên phát hiện RTCN lẫn lộn như đế giày, da vụn, thậm chí chất nguy hại như cặn sơn, cặn dầu, nhớt thải... Ông Lê Trung Chính, người dân trong vùng, cho biết: "Cứ nhập nhoạng tối là lại thấy xe chở RTCN tới đổ. Họ tưới xăng lên đốt thật nhanh rồi rút chạy. Tụi tôi ngửi mùi cao su vụn cháy khét lẹt, chạy tới thì họ biến mất".

Trong khi đó khu liên hợp xử lý chất thải nguy hại thuộc Công ty phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai (gọi tắt là Sonadezi) lại thừa công suất. Một buổi chiều giữa tháng 11-2007, chúng tôi tìm đến khu liên hợp này thì chỉ thấy bốn bề vắng lặng. Nhân viên chỉ lác đác vài người làm nhiệm vụ giữ kho. Đi sâu vào bên trong, một nhà kho bề thế đóng cửa im ỉm. Hầu như không thấy xe rác hoặc khách hàng nào tới để hợp đồng xử lý.

Anh bảo vệ nói giọng buồn buồn: "Ế quá anh ơi. Một tuần chỉ có hai xe tải chở rác thải nguy hại vào đây. Kho còn dư chỗ rất nhiều". Trong văn phòng khu liên hợp, tấm sơ đồ kế hoạch đã khoanh sẵn những khu vực sẽ đào hố chôn lấp, nhưng trên thực địa chỉ là bãi cỏ hoang vắng.

Dự án khu xử lý RTCN rộng đến 100ha trên địa bàn hai xã An Viễn và Giang Điền (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) có các hạng mục như: bãi chôn lấp bùn vô cơ, hữu cơ, kho lưu trữ chất thải nguy hại... Dự kiến khu này sẽ phục vụ nhu cầu xử lý RTCN của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên đến nay, sau năm năm hoạt động, có vẻ như dự án này đang chết yểu.

Một vị lãnh đạo của Sonadezi cho biết lượng rác thải nguy hại phát sinh trên địa bàn là 9.000 tấn/năm, nhưng năm năm qua chỉ gom được... 3.500 tấn, không đủ một "mẻ” để chôn lấp. Để hợp đồng xử lý rác với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, công ty phải "gõ cửa" từng nơi, kết quả chỉ có 30 trong tổng số hơn 1.000 nhà máy trên địa bàn ký kết hợp đồng.

Hàng triệu tấn rác thải ra mỗi ngày

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên - môi trường, cả nước hiện có hơn 2 triệu tấn RTCN phát sinh mỗi năm, trong đó 50% tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Riêng lượng RTCN nguy hại phát sinh là 130.000 tấn/năm, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 75%. RTCN là mối hiểm họa lớn, đặc biệt đối với môi trường nước ngầm và trên các sông hoặc ao hồ, kênh rạch...

Chỉ tính riêng ở tỉnh Đồng Nai, nơi có số lượng khu công nghiệp hoạt động khá cao, lượng RTCN nguy hại tăng khá nhanh, từ năm 2000 chỉ 5.300 tấn, năm 2001 lên 6.500 tấn, năm 2006 đã lên tới 9.000 tấn và dự kiến đến năm 2010 sẽ là 13.000 tấn.

Theo số liệu chưa đầy đủ của sở tài nguyên - môi trường các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM, hiện trên địa bàn các tỉnh, thành này có khoảng 120 nhà thầu thu gom RTCN, nhưng chỉ có 22 đơn vị được cấp phép thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải nguy hại. Số còn lại đều hoạt động dưới danh nghĩa "chuyên mua bán phế liệu và rác thải", chỉ cần có giấy phép kinh doanh do sở kế hoạch - đầu tư cấp là hoạt động được. Do đó rất khó kiểm soát họ xử lý chất thải nguy hại như thế nào.

Bắt một vụ xử lý rác thải công nghiệp trái phép

Thượng tá Phan Văn Thước - trưởng Phòng cảnh sát môi trường Đà Nẵng - cho biết vừa phát hiện Nguyễn Thanh Bình dùng xe tải vận chuyển RTCN đổ trái phép ở vùng đồi núi của thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Tại điểm tập kết rác, cơ quan chức năng phát hiện có gần 9 tấn rác, chủ yếu là phế thải da giày đang để trong bao chưa kịp đổ. Bình khai nhận số rác thải này có nguồn gốc từ Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam) và một cơ sở giày da. Cảnh sát môi trường đã xử phạt và yêu cầu Nguyễn Thanh Bình vận chuyển lượng rác này ra khỏi địa bàn.

Đoàn Cường

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên