22/10/2015 09:07 GMT+7

Tránh nghe báo cáo qua loa, 
liên hoan rồi về

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Chiều 21-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường lần cuối cùng dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND) trước khi thông qua vào ngày 20-11 tới.

Dự thảo luật bổ sung hai hình thức giám sát mới của HĐND là chất vấn và giải trình tại thường trực HĐND.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị luật cần quy định việc chất vấn tại thường trực HĐND được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để cử tri theo dõi như quy định về chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần công khai để nhân dân có điều kiện giám sát.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh hoạt động giám sát cần tránh việc chỉ nghe báo cáo qua loa, không đi thực tế gì, cuối cùng liên hoan rồi về. Trong khi đó, theo đại biểu Thuyền, người dân rất mong giám sát đi vào cụ thể, lắng nghe các đối tượng liên quan.

Nêu ví dụ về các trường hợp dê, gà cấp cho người nghèo “đi lạc” vào nhà bí thư, nhà cán bộ, đại biểu Thuyền cho rằng giám sát phải đi nghe đối tượng thụ hưởng cho chặt chẽ, nếu không sẽ xảy ra các trường hợp “đi lạc” mà qua giám sát vẫn không biết.

Đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Thuyền thẳng thắn cho rằng cấp trưởng phải trả lời.

“Ông trưởng ở nhà mà ông phó trả lời là vô lý. Không nên giám đốc sở ngồi đó mà phó giám đốc sở lên trả lời, chỉ khi nào giám đốc vắng mặt mới được ủy quyền.

Tương tự, Thủ tướng ngồi dưới này, phó thủ tướng lên trả lời chất vấn thì không đúng. Cần quy định rõ chỗ này theo hướng cấp trưởng chỉ được ủy quyền cho cấp phó trả lời chất vấn khi cấp trưởng đi vắng vì lý do khách quan” - đại biểu Thuyền nói.

Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng các nội dung cơ bản như đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” và hệ quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm đều phải được đưa vào dự thảo luật.

Đối với quy định “người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức”, ông Châu nói trường hợp này cần quy định rõ “phải từ chức” chứ không thể đơn giản “có thể xin từ chức”.

Đưa quy định “đảm bảo bí mật của Nhà nước” ra khỏi luật giám sát

Dự thảo tại kỳ họp lần trước quy định một trong những nguyên tắc của hoạt động giám sát là “bảo đảm minh bạch, khách quan; bảo đảm công khai, trừ trường hợp để bảo đảm bí mật của Nhà nước”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết có ý kiến đề nghị không quy định “trừ trường hợp bảo đảm bí mật của Nhà nước” để bảo đảm sự công khai, minh bạch.

Theo ông Lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý quy định trong dự thảo luật trình ra tại kỳ họp lần này.

Theo đó, một trong những nguyên tắc của hoạt động giám sát là “bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả”, quy định “trừ trường hợp bảm đảm bí mật của Nhà nước” đã được loại khỏi dự thảo.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên