13/09/2015 11:20 GMT+7

Tranh luận về “bệnh thành tích”

VŨ VIẾT TUÂN, VUVIETTUAN@TUOITRE.COM.VN
VŨ VIẾT TUÂN, VUVIETTUAN@TUOITRE.COM.VN

TT - Nhân dịp ra mắt cuốn Kẻ trăn trở của TS Lương Hoài Nam, sáng 12-9 tại Hà Nội, Công ty CP sách Thái Hà tổ chức buổi giao lưu về các vấn đề của giáo dục VN.

Các diễn giả tham gia tranh luận về chủ đề bệnh thành tích trong giáo dục. Từ trái sang: TS Lương Hoài Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS.TS Lê Kim Long, GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: V.V.TUÂN
Các diễn giả tham gia tranh luận về chủ đề bệnh thành tích trong giáo dục. Từ trái sang: TS Lương Hoài Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS.TS Lê Kim Long, GS Ngô Bảo Châu - Ảnh: V.V.TUÂN

Muốn chữa bệnh thành tích trong giáo dục thì trước hết phải chữa tận gốc bệnh thành tích ở trong xã hội. Mà chữa bệnh này không khó. Chỉ có điều chúng ta nêu ra giải pháp nhưng không chịu thực hiện. Có thể đấy là vấn đề năng lực thực hiện, hoặc do quyền lợi nhóm…

Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT

Chương trình có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Minh Thuyết, PGS.TS Lê Kim Long - hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, MC Thảo Vân và TS Lương Hoài Nam.

Cuộc tranh luận của các diễn giả xoay quanh “bệnh thành tích” trong giáo dục đã trở thành chủ đề trọng tâm của buổi giao lưu.

Trăn trở về “bệnh thành tích”

GS Ngô Bảo Châu nêu thực trạng: hiện nay cả xã hội nước ta chạy theo thành tích quá nhiều. Mục đích của việc học cũng bị thay đổi, tha hóa, chạy theo mục đích rất xa vời.

Việc học không còn có ý nghĩa là cho chính nó nữa, mà học để lấy tấm bằng, rồi lại học tiếp, lại lấy bằng tiếp theo nữa... nên đã đánh mất cả những việc quan trọng trong cuộc sống mà mỗi người thật sự cần phải làm cho chính mình.

“Điều tôi thấy đáng tiếc là trong suy nghĩ chung của không ít bậc phụ huynh, nhiều khi không quan tâm đến những sản phẩm mà con mình làm ra, như bài văn cháu viết, bức tranh cháu vẽ, bài thơ cháu làm... mà lại rất quan tâm tới cái bằng, điểm thi của các cháu. Tức là chúng ta chỉ quan tâm đến những cái ngoại vi, không quan tâm đến cốt lõi của sự việc. Tôi nghĩ đây là điều đáng buồn và nguy hiểm. Nhưng về vấn đề này, cá nhân tôi cũng chỉ biết trăn trở chứ chưa tìm ra cách nào để hành động” - GS Ngô Bảo Châu nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết lại nêu quan điểm căn bệnh thành tích không chỉ là bệnh của riêng ngành giáo dục mà của toàn xã hội nước ta.

Theo GS Thuyết, Bộ GD-ĐT cũng đang loay hoay để khắc phục căn bệnh thành tích. Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, không cho điểm cấp tiểu học, cũng nhằm mục đích này.

Tuy nhiên, theo GS Thuyết: “Tôi cho rằng chắc là còn lâu lắm chúng ta mới khắc phục được căn bệnh thành tích trong giáo dục. Vì sao? Vì cả xã hội ta đang chạy theo bệnh thành tích chứ không riêng ngành giáo dục. Giáo dục chỉ là sự phản ánh căn bệnh đó của xã hội”.

Không hoàn toàn đồng ý với những quan điểm trên, PGS.TS Lê Kim Long cho rằng bệnh thành tích là có thật, nhưng không tránh được.

Theo ông, thành tích là tích tụ những thành công của mỗi người. Nếu con người không phấn đấu vì thành công gì thì đó là người vô dụng.

“Vấn đề là dùng thành công ấy như thế nào. Trường tôi trong xét thi đua cuối năm có tiết mục hiệu trưởng khen. Lúc đầu tôi chỉ khen bốn người, nhưng sau mọi người nói rằng như vậy khắt khe quá, vậy là tôi khen lên 20 người để động viên anh em. Thành công và thành tích là hai điều khác nhau. Xã hội cần phấn đấu cho sự thành công, nhưng không phải để báo cáo với ai cả mà để chúng ta tận hưởng, vui vẻ với thành công đó” - PGS.TS Lê Kim Long đúc kết.

Nên chia sẻ với những “người thua cuộc”

TS Lương Hoài Nam lại có quan điểm của riêng mình khi nhấn mạnh mọi hành động của con người là hướng tới thành công hoặc thành tích. Trong cuộc sống phải có một mục đích, mục tiêu nào đó để chúng ta hướng tới.

“Ta chỉ gọi là “bệnh thành tích” khi mà mục tiêu, mục đích ấy không quan hệ với những thứ cần thiết, không cải thiện được tình hình. Còn nếu mục tiêu, mục đích đó thật sự có ý nghĩa, cải thiện được vấn đề thì việc chúng ta hướng tới mục tiêu, mục đích và thành tích đó là tốt. Nhưng tôi quan sát thì thấy rằng thường vì bệnh thành tích nên chúng ta đặt ra mục tiêu dễ thực hiện, dễ làm, còn cái gì khó quá thì thôi không đặt ra nữa. Khi đó, chúng ta có thể đạt được thành tích, nhưng nó không có nhiều ý nghĩa” - ông Nam nói.

Tranh luận với TS Lương Hoài Nam, GS Ngô Bảo Châu nêu quan điểm: cần nhìn nhận vấn đề thành công, thành tích dưới góc độ nhân văn, tức là nên chia sẻ với “những người thua cuộc”.

Ông cho rằng tâm lý không muốn chấp nhận thua cuộc đã ăn sâu vào mỗi người chúng ta. Vì thế, trong tâm lý chúng ta luôn quan niệm kẻ thua cuộc là thua toàn diện, bị coi như là người bỏ đi.

“Nếu trong truyền thống nhân văn thật sự, kẻ thua cuộc đã cố gắng hết sức mình, toàn tâm toàn ý thực hiện nhưng vẫn thua thì điều đó cần được chia sẻ nhiều hơn. Một em học sinh cố gắng ngày đêm nhưng điểm và thành tích học tập vẫn không cao, thì có lẽ còn đáng trân trọng hơn một em học lớt phớt mà điểm lại cao. Trong khi bây giờ chúng ta lại thường tự khoe rằng con tôi học lớt phớt nhưng điểm cao lắm, vì nó thông minh! Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không biết trân trọng những cố gắng, nỗ lực bằng sự lương thiện, dù điều ấy không mang lại kết quả như chúng ta mong muốn” - GS Ngô Bảo Châu phân tích.

Từ sự chia sẻ nhân văn ấy, GS Châu nói thêm mục đích chung của giáo dục là trang bị cho trẻ em kiến thức và những nền tảng nhân văn để chúng trở thành con người sống trung thực, hướng tới đào tạo những con người có khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống.

Để không chỉ “chém gió” trên Facebook

Mở đầu buổi giao lưu, TS Lương Hoài Nam chia sẻ: nếu chỉ lên Facebook trăn trở mà không bước ra khỏi môi trường Facebook để có những hành động thực tế, giúp ích cho xã hội thì đó chỉ là sự “chém gió”.

“Tôi không thích sự trăn trở cuối cùng chỉ là trăn trở, mà cần phải biến nó thành hành động” - TS Lương Hoài Nam khẳng định.

Nói về lý do ra mắt bạn đọc cuốn Kẻ trăn trở, TS Lương Hoài Nam nói trước đây ông quan tâm đến nhiều lĩnh vực như hàng không, giao thông, kinh doanh... và nhìn vào đâu ông cũng thấy có vấn đề. Nhưng rồi ông cho rằng tất cả những vấn đề ở các lĩnh vực này đều tụ về một chỗ - là chất lượng con người, là vấn đề giáo dục.

“Tôi mạnh dạn viết báo, trao đổi... với mong muốn đóng góp nhất định cho sự nghiệp giáo dục của chúng ta được đổi mới, được hội nhập, để thế hệ trẻ được hưởng nền giáo dục tốt hơn” - ông Nam nói.

VŨ VIẾT TUÂN, VUVIETTUAN@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên