25/09/2015 09:34 GMT+7

Tranh luận quyền lập hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 24-9, thảo luận dự án Luật về hội, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đây là quyền công dân đã được hiến định nhưng là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên cần nghiên cứu cẩn thận.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: “Hoạt động của hội có hai mặt, mặt tốt đã thấy rồi, mặt khác thì hội là đường dẫn xuất để thành đa nguyên đa đảng. Chúng ta không thể máy móc áp dụng quy định của các nước phát triển, các nước đa nguyên đa đảng, các nước không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chúng ta dân chủ nhưng phải kỷ cương, hội phải tuân thủ pháp luật”.

Dự án luật quy định đối với cấp xã thì 10 người trở lên có quyền lập hội, với cấp huyện là 20, cấp tỉnh là 50 và phạm vi cả nước là 100.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng lập hội là quyền và nhu cầu tự nhiên của con người.

“Tôi không hiểu chúng ta đặt ra pháp nhân đối với hội để làm gì, có phải để dễ quản lý không? Tôi cho rằng chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì người ta có quyền lập hội, chúng ta không nên lấy rào cản tư cách pháp nhân để hạn chế lập hội. Những người thích uống bia người ta lập hội thì tư cách pháp nhân gì? Chúng ta có những hình thức như hợp tác xã, tổ hợp tác, gia đình đâu phải là các pháp nhân nhưng vẫn quản lý được” - ông Quyền nói.

Ông còn cho rằng: “Việc có hay không cho phép người nước ngoài thành lập các hội độc lập của họ tại VN cần phải nghiên cứu kỹ. Nhưng với một nhà nước pháp quyền thì không có lý do gì để cấm người nước ngoài tham gia các hội hợp pháp tại VN. Người nước ngoài người ta sang đây tham gia hội văn nghệ thì tốt quá đi chứ”.

Không nghĩ như ông Quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng lại nói hội cần tư cách pháp nhân, cơ quan quản lý nhà nước về hội cần công nhận người đứng đầu hội.

“Cần phê chuẩn người đứng đầu, không phải là để bắt nọ bắt kia, nhưng để biết cái hội đó làm gì, ai là lãnh đạo” - ông Dũng nói.

Trình bày quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Phan Trung Lý bày tỏ: “Những nội dung quy định trong luật một mặt phải bảo đảm công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Mặt khác, phải đề phòng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng để hình thành các tổ chức đối lập chống phá Đảng và Nhà nước, xâm hại đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội”.

Lo ngại đại biểu Quốc hội thiếu tự giác

Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định đại biểu dùng thẻ điện tử để điểm danh tại các kỳ họp, không được ấn nút thay đại biểu khác.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu vẫn lo ngại quy định này không khả thi: “Cái thẻ đó tôi cắm vào không lấy ra thì nó tự động điểm danh cả ngày hôm sau, hoặc đưa cho người khác cắm vào thì điểm danh hộ, bấm nút hộ cũng được”.

Ông đề nghị “xem có cách nào khác hay không để tạo tính tự giác cho đại biểu Quốc hội”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ: “Không chỉ cử tri, ngay trong đoàn cũng không hài lòng trước việc một số đại biểu Quốc hội cứ vắng mặt suốt. Tôi đề nghị quy định ràng buộc đại biểu Quốc hội không được nghỉ quá 1/5 thời gian kỳ họp nếu không có lý do chính đáng”.

Liên quan đến quy định đại biểu phải hát quốc ca tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng mỗi đại biểu một giọng điệu, khi hát lên thành “dàn hợp xướng” khó nghe mà truyền hình trực tiếp cho dân xem thì khó coi. Trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng ủng hộ quy định này.

“Những người giọng khàn khàn như tôi thì cố gắng hát nhỏ thôi” - ông Dũng nói vui.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên