Sông Hương là linh hồn của Huế nên không thể tính giá trị của nó đơn thuần như bất động sản - Ảnh: N.Hiển |
Sông Hương là trục cảnh quan chính để hình thành nên đô thị Huế. Dưới thời nhà Nguyễn, sông Hương đã được giữ gìn như là yếu tố minh đường của kinh thành Huế.
Khi người Pháp xây dựng các công trình ở bờ nam sông Hương vẫn dành hẳn dải đất ven bờ sông cho cây xanh, thảm cỏ.
Từ đó đến sau này, dải đất được xem là “đất vàng” ở hai bờ sông Hương mặc nhiên là đất công cộng, dành cho việc làm đẹp thành phố.
Vì vậy mỗi khi xuất hiện một ý tưởng xây dựng công trình ở “đất vàng” này, hoặc xây dựng gần đó nhưng làm ảnh hưởng đến “không gian vàng” này là lập tức bị cộng đồng phản đối. Những cuộc tranh cãi quyết liệt ở Huế trong ba thập niên qua, thời kỳ phát triển mạnh nhất của đô thị Huế, đều là do “đụng chạm” đến sông Hương.
Cuối thập niên 1970, công trình nhà thủy tạ ở bờ sông Hương ngay trước kinh thành Huế đang xây phần móng đã phải bỏ cuộc trước phản ứng dữ dội của dư luận.
Đầu thập niên 1980, khi tuyến kè từ cầu Phú Xuân đến chợ Đông Ba xây quá cao, nhiều người đã lên tiếng phản đối và chính quyền phải huy động lực lượng đắp đất, trồng cỏ phủ kín tình hình mới lắng dịu.
Giữa thập niên 1990, dư luận tiếp tục phản đối việc xây nhà nghỉ chuyên gia của một công ty ximăng ở bờ sông (vị trí chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay) buộc công trình này phải ngừng lại.
Đầu thập niên 2000, bờ kè ven sông ở bến đò Tòa Khâm đang xây đã bị phản ứng buộc phải hạ thấp xuống thành tuyến đi bộ gần sát mặt sông.
Đặc biệt, giữa thập niên 2000, dự án khách sạn trên đồi Vọng Cảnh ven sông Hương đã gặp sự phản đối kịch liệt, buộc phải dừng lại. Khách sạn cao tầng Tân Hoàng Cung xây cách bờ sông khoảng 300m cũng bị phản đối vì ảnh hưởng không gian sông Hương. Khu du lịch trên cồn Dã Viên mới xuất hiện trên mặt giấy phải dừng lại...
Ý thức tầm quan trọng của sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Huế đã mời một đơn vị tư vấn Hàn Quốc nghiên cứu lập đề án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương.
Tại cuộc hội thảo hôm 24-4 vừa qua, đơn vị tư vấn này đưa ra phương án hình thành không gian du lịch liên tục ven bờ sông Hương có bố trí một số trung tâm du lịch, phim trường, điểm nhấn khai thác dịch vụ, nghỉ dưỡng... Và ý tưởng này đã gặp ngay phản ứng của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc của VN.
Họ cho rằng các công trình này dù chỉ là điểm xuyết nhưng cũng ảnh hưởng đến cảnh quan đặc thù của con sông thơ mộng này. Chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng đề xuất: “Nếu năng lực chưa đủ thì nên giữ nguyên trạng hai bờ sông Hương như hiện nay, đó cũng là một chiến lược quy hoạch”.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND TP Huế, đề nghị các nhà tư vấn Hàn Quốc không nên vội đưa ra phương án quy hoạch mà nên lắng nghe nhiều luồng ý kiến để tiếp tục nghiên cứu cách khai thác hợp lý nhất giá trị của dòng sông di sản này.
Trong khi đó, những dự án giải tỏa dân cư làm thông thoáng bờ sông Hương đã nhận ngay sự đồng tình. Đó là xóm nhà lộn xộn Bến Me trước kinh thành, khu nhà ven bờ sông đường Kim Long, khu ổ chuột gần cầu Gia Hội và phía nam cầu Dã Viên. Thay vào đó là những dải công viên xanh mướt. “Quan điểm phải xây công trình lớn mới làm đẹp bờ sông là hoàn toàn không phù hợp với sông Hương. Chính việc phá dỡ, đập bỏ công trình không phù hợp, cộng với chăm chút hai bờ sông đã làm cho sông Hương đẹp thêm. Chính điều này đã tăng thêm điều kiện để Huế phát triển kinh tế” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên - Huế, nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận