Tối 2-1, trên sân vận động Việt Trì, trong trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, một hình ảnh thu hút ống kính truyền hình: một cô gái người Việt ngồi giữa khu khán đài đầy cổ động viên Thái Lan.
Cô đặc biệt khiến người ta chú ý khi buồn rầu, thất vọng mỗi lần đội tuyển Việt Nam ghi bàn, nhưng lại vui mừng khi Thái Lan lập công.
Bạn đọc Nguyễn Minh Hoàng đã gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết chia sẻ góc nhìn của mình xung quanh vụ việc trên.
Cô gái Việt yêu bóng đá Thái và chàng trai nhập tịch Nguyễn Xuân Son
Trên băng rôn của cô là dòng chữ "From Vietnam with 10 years of love Thailand" (Từ Việt Nam với tình yêu 10 năm dành cho Thái Lan). Hành động đó nhanh chóng trở thành đề tài tranh luận trên mạng xã hội.
Nhiều người lên án cô thiếu tôn trọng đối với đội tuyển quốc gia và thiếu lòng tự tôn dân tộc. Trong khi số khác lại bênh vực quyền tự do cá nhân trong việc cổ vũ một đội tuyển.
Cô gái người Việt ấy đã yêu thích đội tuyển Thái Lan trong suốt 10 năm như chính cô "tự giới thiệu" trên băng rôn. Cô không chỉ đến sân Việt Trì để cổ vũ, mà còn gặp gỡ một số cầu thủ Thái Lan tại quán cà phê trước khi trận đấu diễn ra.
Tình yêu bóng đá không có biên giới và quyền lựa chọn đội tuyển mình yêu thích là một phần tự do cá nhân.
Trong một bối cảnh khác, hành động của cô gái có thể chỉ là sự thể hiện cá tính của mình, nhưng trong trận đấu siêu kinh điển giữa hai kỳ phùng địch thủ ở Đông Nam Á, hành động đó đã gây ra nhiều tranh cãi.
Hành động của cô gái đặt ra một câu hỏi lớn: Đặt quyền tự do biểu đạt sở thích và tình cảm cá nhân ở đâu trong bối cảnh của một sự kiện thể thao mang tính quốc gia?
Đây không chỉ là câu hỏi về tính cách, sở thích cá nhân trong mối quan hệ với tập thể, cộng đồng mà còn là về tinh thần và lòng tự hào dân tộc của mỗi công dân.
Hành động của cô gái gây tranh cãi trong bối cảnh thành công của đội tuyển bóng đá Việt Nam lại gắn liền với câu chuyện của cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son.
Sinh ra tại Brazil, Xuân Son đã gắn bó với bóng đá Việt Nam trong 5 năm qua. Trên sân cỏ, anh thi đấu với tinh thần quả cảm. Ngoài sân, anh gần gũi và dễ mến.
Hình ảnh vợ chồng Xuân Son đi xe máy mua bánh chuối, một hình ảnh rất Việt Nam, xuất hiện dày đặc trên truyền thông và mạng xã hội. Ngoài bánh chuối vợ chồng anh còn thích ăn chè sắn và bún chả, những món ăn thuần Việt.
Người hâm mộ cảm nhận rõ tình yêu dành cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam của vợ chồng Xuân Son.
Anh đã tự hào chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Nice to meet you, my name is: Nguyễn Xuân Son" (Xin chào các bạn, tên tôi là Nguyễn Xuân Son) kèm biểu tượng lá cờ Việt Nam và hình ảnh anh chào cờ ăn mừng bàn thắng như cách mà không ít cầu thủ Việt Nam vẫn làm.
Lời khẳng định này là sự đáp trả rõ ràng trước những ý kiến cho rằng anh không phải là người Việt Nam.
Đóng góp của anh tại ASEAN Cup 2024, đặc biệt trong trận chung kết lượt đi với hai bàn thắng quan trọng, đã khẳng định vai trò quan trọng của anh trong đội tuyển quốc gia.
Bóng đá và lòng tự hào dân tộc
Câu chuyện trên đặt ra những điều đáng suy ngẫm về việc cân bằng giữa tự do biểu đạt sở thích cá nhân và tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc.
Trong thời đại của toàn cầu hóa, mỗi người đều có quyền biểu đạt sự yêu thích.
Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, tinh thần dân tộc trong bóng đá luôn là một phần quan trọng đối với khán giả và các cầu thủ. Mỗi trận đấu không chỉ là một sự kiện thể thao đơn thuần, mà còn là nơi thể hiện sự đoàn kết và niềm tự hào dân tộc.
Việc các cầu thủ và ban huấn luyện đặt tay lên ngực, nơi có quốc kỳ in trên áo khi hát Quốc ca trước sự chứng kiến của khán giả trong và ngoài nước, thể hiện tinh thần và lòng tự hào dân tộc một cách rõ nét.
Sự đoàn kết, quả cảm, khát vọng chiến thắng và nỗ lực không ngừng của đội tuyển vì màu cờ sắc áo, là nguồn cổ vũ to lớn cho khán giả.
Mỗi bàn thắng và mỗi chiến thắng của đội tuyển có thể tạo sự liên tưởng đến thành tích mà mỗi cá nhân đạt được sau những cố gắng không ngừng nghỉ.
Đó là lý do hình ảnh của cô gái người Việt khi cổ vũ cho đội tuyển Thái Lan trong trận đấu với đội tuyển Việt Nam đã khiến người hâm mộ bất ngờ, trong bối cảnh người hâm mộ đang tận hưởng bữa tiệc tinh thần của bóng đá.
Mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là biểu tượng cho sự đoàn kết, quyết tâm vượt khó và tinh thần dân tộc.
Với người hâm mộ, tinh thần dân tộc không nhất thiết phải được thể hiện bằng những lời nói và hành động to lớn.
Đôi khi nó được thể hiện qua những hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa với nơi mà mỗi người gắn bó.
Hành động dán lá cờ đỏ sao vàng hình trái tim lên má và dòng chữ "Việt Nam vô địch" lên tay của Marcele Seippel - vợ cầu thủ Xuân Son - là một hành động như thế.
Cộng đồng mạng đã có những ý kiến khác nhau về câu chuyện này.
"Người hâm mộ có thể yêu mến bất kỳ đội tuyển nào, chuyện này hết sức bình thường ở nước ngoài" - tài khoản Yêu bóng đá viết.
Tuy nhiên tài khoản Linh Hâ cho rằng: Việc yêu thích đội bóng nào là quyền cá nhân, nhưng việc thể hiện điều đó cần cân nhắc trong bối cảnh và cảm xúc của cộng đồng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận