Càng về khuya, trời càng lạnh, dòng người thưa thớt hẳn nhưng vẫn có những người cần mẫn đi tìm từng mảnh bìa, vỏ lon còn sót lại trên đường để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: DANH KHANG
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm 18-12 là thời điểm rét nhất đợt này. Nhiệt độ đồng loạt giảm sâu ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, khu vực đồng bằng xuống mức 8-11 độ C, trong đó có Hà Nội.
Có lẽ vì biết trời lạnh, giá rét, nhiều người chọn đi ngủ sớm, cuộn tròn trong chăn để lại sức mai đi làm. Nhưng ngoài đường, nhiều người lao động vẫn phải gắng gượng mưu sinh.
Từ 10h đêm đến rạng sáng, ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, chị Hiền (chị bảo mọi người thường gọi mình như vậy, quê Thái Bình) đạp xe nhặt ve chai dọc các con đường của các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông của thủ đô. Những ngày này, công việc vất vả hơn do trời trở rét đậm, mặc ba bốn lớp áo vẫn thấy buốt giá. "Ban ngày trời nắng nên cũng ấm áp, nhưng tối thì rét lắm, gió kèm sương sớm thổi một lúc là ướt sũng áo", chị Hiền tâm sự.
Để chống chọi giá rét và tránh trầy xước khi tìm phế liệu, chị Hiền chỉ có một đôi găng tay cũ mèm, xỉn màu - Ảnh: DANH KHANG
Trong một góc đường ở gần chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), khoảng 1h sáng, chị Hiền tranh thủ ăn chiếc bánh mì mua từ trước, mắt không quên kiểm đếm lại "thành quả" buổi tối nay. Tất cả những gì thu lượm được chằng buộc, phân loại kỹ trên xe. Có tệp thùng các tông bỏ được xếp chồng lên nhau, buộc bằng dây chun. Những lon nước ngọt thì đựng trong túi ni lông treo lủng lẳng.
Người thu lượm ve chai này kể vất vả là thế nhưng thu nhập chẳng đáng là bao vì giấy vụn chỉ bán được 2.000 đồng/kg, vỏ lon 300 đồng/cái.
"Trước mình làm trộn bê tông nên ổn hơn bây giờ rất nhiều, thu nhập khá. Nhưng một năm nay, bố bị tai biến nằm liệt giường, phải đi đi về về nên tìm công việc tự do để kiếm sống. Giờ sáng mình đi giúp việc thuê theo giờ, tối tranh thủ nhặt đồng nát kiếm thêm chút tiền. Có hôm được một trăm, có hôm chỉ mấy chục ngàn", người này nói.
Cũng chung cảnh mưu sinh giữa đêm đông, chị Sâm - công nhân môi trường - chia sẻ giá rét mấy cũng cố đi làm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Chồng về hưu, lương hơn 2 triệu, cộng với đồng lương khoảng 6 triệu của chị, chi tiêu gia đình càng ngày càng co lại trong bối cảnh vật giá leo thang.
Tháo đôi găng tay vệ sinh, chị Sâm để lộ đôi bàn tay chai sần, trắng bệch do cái rét miền Bắc. "Nay rét lắm nhưng còn đỡ. Có hôm trời mưa, ngấm nước, hai tay như đông cứng lại, buốt đến răng", chị nói.
Chiếc xe chở phế liệu gồm đủ thứ lỉnh kỉnh như thùng các tông, vỏ chai nhựa, lon nhôm... - Ảnh: DANH KHANG
Trên đường Lê Văn Lương, 3h sáng, từng tốp công nhân vẫn hì hục xếp từng phiến đá nặng khoảng 50kg để kè đường. Các phiến đá màu trắng hoặc xám, có vát trơn, đục lỗ hai bên để dễ ngoắc tay hoặc gậy vào. "Hai ba, lên nào, hự", tiếng hô đều đặn được anh Tuyên (một thành viên trong tổ) lặp lại một cách thuần thục.
Theo tiến độ, mỗi ca tối, nhóm công nhân hạ tầng sáu người này phải vừa làm nền, vừa chuyển các phiến đá kè đường vào vị trí đã định, khoảng 100 - 200 mét đường rồi nghỉ. "Trông dễ thế thôi mà mệt lắm, mấy viên đầu thì dễ, sau mỏi rồi lại phải nghỉ, thành ra mất nhiều thời gian", cậu thanh niên trẻ nhất nhóm vừa nói vừa nhanh tay đất đắp nền.
Càng về sáng, gió càng thổi mạnh do khu vực thi công gần các dãy nhà cao tầng. Giá rét kèm sương sớm khiến các công nhân này phải bảo nhau làm sớm để về nhà nghỉ cho ấm người.
Không ai bảo ai, như những cái máy, người khệ nệ bê đá, người xúc cát, người lấy thước đo khoảng cách, người quét đường. Ước khoảng nửa tiếng, một hàng dài gạch được xếp lại thẳng tắp, nền đường bám đầy đất cát được dọn dẹp sạch sẽ để tránh ảnh hưởng đến giao thông ngày hôm sau.
"Chúng mình phải ăn cơm sớm, 7h phải cơm nước xong xuôi. Anh em cùng trọ gần đây nên chở nhau đi mấy xe ra đây, kịp vào ca để nghe tổ trưởng phổ biến. Hôm nhanh thì hơn 3h là xong, hôm chậm thì hơn 4h", anh Tuyên nói.
Những phiến đá nguyên khối để kè đường được bốc xếp, căn chỉnh hoàn toàn bằng sức người - Ảnh: DANH KHANG
Cách đó chừng hơn 500m, một nhóm công nhân khác cũng đang ngồi xổm ở vỉa hè để sửa đường dây cáp quang Internet đi ngầm. Ánh đèn đường vàng đục chỉ đủ chiếu rọi ngoài đường cái nên mỗi người phải lắp thêm một cái đèn pin đội đầu để nhìn rõ hàng gạch phải ráp lại để mai người dân đi bộ an toàn.
Một tay búa, một tay giữ viên gạch, anh Quyền (quê Phú Thọ) thổ lộ công việc mấy ngày nay vất vả hơn do rét nhưng còn may chán so với trời mưa. Chốc chốc, anh lại chạy ra hơ tay trên "lò sưởi", thực chất là đống củi cháy đượm trên mặt đất mới xin được từ người dân gần đó. "Ấm lắm, ra sưởi tí rồi làm tiếp", anh gọi cậu thanh niên trạc 20 tuổi cùng ca đến sưởi cùng.
Tranh thủ nghỉ ngơi, anh Quyền tâm sự mới cùng vợ rời quê lên Hà Nội tìm việc độ nửa năm, để lại hai con thơ cho ông bà trông. Hai anh chị cố gắng vừa làm vừa dành dụm để Tết này có thêm chút tiền sắm đồ xuân, có thể là cành đào Nhật Tân, bộ quần áo mới cho con, còn lại dành dụm để sửa sang căn nhà.
"Mình làm khoán theo nhà thầu nên thu nhập tốt hơn ở quê rất nhiều. Tối nay, mình với vợ và cậu thanh niên kia cố xong nửa đoạn đường này để mai người ta còn mở hàng quán, còn đâu mai làm tiếp. Giờ chỉ mong tẹo về làm bát mì tôm nóng rồi đi ngủ cho đỡ mệt", người công nhân này bộc bạch.
Dưới ánh sáng le lói của chiếc đèn cóc đội đầu, công nhân thì thào với nhau về tiến độ làm việc, tránh sai sót phải gỡ đá ra làm lại từ đầu - Ảnh: DANH KHANG
Hầu hết công nhân xây dựng phải làm việc xuyên đêm từ khoảng 10h tối để kịp tiến độ giao trả mặt bằng giao thông cho người dân đi lại thuận tiện hơn - Ảnh: DANH KHANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận