19/04/2011 06:19 GMT+7

Trăn trở về hồi sinh bản sắc

Anh Nguyễn Phước Lộc (chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN)
Anh Nguyễn Phước Lộc (chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN)

TT - Chiều 17-4, trong khuôn khổ Festival thanh niên các dân tộc Việt Nam, hội thảo “Tuổi trẻ Việt Nam với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của đất nước” đã diễn ra.

jNYfT9YT.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đình Lợi (bìa trái - ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc VN) nhận món quà từ đại biểu thanh niên các dân tộc tại hội thảo - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Người trẻ chỉ cần quan tâm làm kinh tế mà quên đi các giá trị văn hóa? Tại sao ngày nay nhiều thanh niên dân tộc thiểu số dường như không thích mặc trang phục dân tộc, nói tiếng dân tộc mình? Làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống?... Đó là những câu hỏi được các chuyên gia và bạn trẻ thảo luận.

Ngày càng mai một

"Để phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc, đánh mất bản sắc của chính mình là bỏ phí một nguồn nội lực cực kỳ quý giá"

Ông Ngô Quang Hải, bí thư Đoàn thanh niên Cơ quan Ủy ban Dân tộc, cho rằng có một thực tế đáng buồn là thời gian qua nhiều phong tục tập quán vùng dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một.

“Nhiều thanh niên trẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn biết dệt thổ cẩm, đan lát hoặc sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Một số dân tộc thiểu số có nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa tộc người, thậm chí có những vùng, một số dân tộc diễn ra tình trạng chối bỏ văn hóa truyền thống, du nhập văn hóa ngoại lai”, ông Hải nói.

Theo PGS.TS Lê Ngọc Thắng, tổng thư ký Hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam, hiện nay rất nhiều thanh niên chỉ biết học toán, lý, hóa nhưng không biết quốc gia mình có bao nhiêu dân tộc anh em.

Ông Thắng cho rằng tuổi trẻ các dân tộc phải ý thức được giá trị văn hóa, nghệ thuật, giá trị nhân bản của dân ca, dân vũ, dân nhạc hay các bộ phận cấu thành nền văn hóa dân tộc. “Giá trị của một nhân cách, một con người hiện đại, văn minh, một người trẻ hiện nay không thể chỉ là người biết làm giàu mà quên đi xây dựng cho mình tri thức, ý thức về văn hóa quốc gia và tộc người”, ông Thắng khẳng định.

Từ thực tế công tác Đoàn tại địa phương, bạn H’Nguốp Niê (phó bí thư Huyện đoàn Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) nêu ra thực trạng “không gian văn hóa cồng chiêng”, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào Ê Đê nói riêng và Tây nguyên nói chung đã được Tổ chức Di sản văn hóa thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang mất dần.

Theo bạn H’Nguốp Niê, “hiện nhiều người không thể phân biệt được đâu là bài chiêng dùng trong lễ phát rẫy, lễ phơi lúa mới, lễ xuống giống và đâu là bài chiêng trong lễ cúng tổ tiên, lễ mừng ngôi nhà mới, lễ cúng bến nước...”.

Thiếu cơ hội thể hiện

Phải chăng nhiều người trẻ muốn chối bỏ nguồn gốc của mình khi thanh niên ngày nay dường như không muốn, không thích mặc trang phục của dân tộc mình, nói tiếng của dân tộc mình? Vấn đề được nêu ra làm nhiều người quan tâm.

Phản biện lại luận điểm này, bạn Tăng Thị Đào (dân tộc Dao, sinh viên khoa văn hóa dân tộc thiểu số, ĐH Văn hóa Hà Nội) cho rằng trang phục dân tộc tuy rất đẹp nhưng đôi khi không tương thích với các hoạt động cộng đồng năng động.

“Chúng mình không muốn chối bỏ mà cơ bản là chưa có cơ hội để phát huy các sở thích, sự tự hào về nguồn gốc của mình”, Đào nói. Theo bạn Đào, muốn người trẻ thật sự tự hào về nguồn gốc cần phải tạo điều kiện, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở các địa bàn dân tộc thiểu số để các bạn trẻ hiểu hơn về những giá trị mà cha ông để lại, “hiểu rồi mới yêu được”.

Còn bạn Ma Thị Thao (người dân tộc Dao, đại biểu huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) cho rằng nhiều bạn trẻ không thích hoặc không thuộc các bài hát dân tộc vì các bài hát thị trường được vang lên hằng ngày trên đài phát thanh, còn các bài hát dân tộc một năm chỉ được phát một hai lần.

“Các đài địa phương có chương trình phát thanh tiếng dân tộc nhưng chỉ phủ sóng ở thành phố, còn tại các vùng sâu, vùng xa đồng bào dân tộc không được nghe các chương trình văn hóa, thông tin giải trí bằng tiếng dân tộc mình”, Thao nói.

Tại hội thảo, ông Hồ Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đề nghị để giữ được hồn thiêng của các giá trị văn hóa, các tổ chức Đoàn phải xây dựng và phát huy các mô hình CLB sinh hoạt theo đặc thù riêng của các nền văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để các bạn trẻ tìm hiểu sâu nền văn hóa dân tộc, tiếp cận văn hóa hiện đại toàn cầu để làm giàu văn hóa bản sắc.

Anh Nguyễn Phước Lộc (chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên