03/05/2015 09:41 GMT+7

​Trần ai đòi bồi thường

THÚY HẰNG (ghi theo lời anh Đỗ Văn Nghĩa)
THÚY HẰNG (ghi theo lời anh Đỗ Văn Nghĩa)

TT - “Trong một đêm, 23 bè cá của chúng tôi trôi theo mớ đất bị sạt lở, nợ nần chồng chất. Hơn hai năm qua, mấy anh em tôi cứ phải đi họp, đi hòa giải rồi dắt nhau ra tòa”.

Anh Đỗ Văn Nghĩa vừa phải lo cho bè cá vừa đi hầu tòa liên tục mấy tháng qua - Ảnh: T.Hằng

Anh Đỗ Văn Nghĩa (xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết như trên.

Ngày 6-4, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ hai hộ nuôi cá điêu hồng yêu cầu Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Vĩnh Long (VMC) bồi thường số tài sản bị thiệt hại trong vụ sạt lở đất ngày 29-10-2012.

Đây là phiên tòa sơ thẩm cuối cùng trong “chuỗi” ba phiên tòa đòi bồi thường của các hộ nuôi cá bị thiệt hại do sạt lở.

Anh Nghĩa kể: “Cả gia đình tôi gồm bốn anh em ruột và một người em bà con bị thiệt hại nặng nề trong vụ sạt lở đất đêm 29-10-2012 tại khu vực cồn An Bình (xã An Bình), gần khu vực khai thác cát của VMC.

Chỉ hỗ trợ một phần thiệt hại

Ông Trần Minh Hải, phó giám đốc VMC, cho biết quan điểm phía công ty trước nay là hỗ trợ một phần thiệt hại cho các hộ dân chứ không chấp nhận bồi thường do không có căn cứ. 

Theo ông Hải, nguyên nhân công ty kháng cáo là do trong số các hộ bị thiệt hại có ba hộ nuôi cá trong ao tự ý chiếm đất bãi bồi thuộc quản lý của Nhà nước mà không xin phép.

Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá bè thì có một số lồng bè chưa đăng ký với cơ quan chức năng, các chứng từ về thức ăn, con giống của những hộ này được lập sau khi vụ việc xảy ra và chỉ có bản kê chứ không phải hóa đơn chính thức. 

Ông Hải cho rằng kết luận của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nói lỗi khai thác cát do bên công ty gây ra là đúng. Nhưng ngoài ra còn các nguyên nhân phụ quan trọng như thay đổi dòng chảy, sóng tàu thuyền, do bờ bao đắp yếu... cũng phải được xét đến.

Tòa chia làm ba đợt xử.

Tôi là người đại diện ủy quyền của anh rể Đặng Văn Sơn (nguyên đơn trong phiên xử ngày 4-8-2014) và cũng là người đại diện ủy quyền của anh Đỗ Thành Đức (nguyên đơn trong phiên xử ngày 30-1-2015).

Phiên xử và tuyên án ngày 6-4 là xét xử vụ của tôi (mẹ tôi là người đứng đơn khởi kiện, tôi là người đại diện ủy quyền) và người anh thứ ba tên Đỗ Hàn Phong.

Đêm 29-10-2012, tôi đang ở trên bè thì nghe tiếng động lớn. Hàng loạt bè cá bất ngờ bị nước cuốn làm đứt dây neo, lật úp. Anh em tôi chỉ biết tháo chạy chứ không kịp lo cho bè cá. Vụ sạt lở đêm đó nhấn chìm gần như toàn bộ 23 bè của chúng tôi.

Sau vụ sạt lở, phần của tôi bị thiệt hại sáu bè, gần 900 triệu đồng. Nợ Nhà nước từ đó tới nay vẫn còn hơn 400 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền mua thức ăn, cá giống còn đang thiếu nợ đại lý và hơn 100 triệu đồng tôi mới vay để nuôi lại.

Trong phiên xử tháng 8-2014, hội đồng xét xử đã buộc Công ty VMC phải bồi thường gần 450 triệu đồng cho anh rể của tôi và ba hộ khác cũng bị thiệt hại trong vụ sạt lở.

Ngày 6-4-2015, TAND TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã tuyên buộc VMC bồi thường cho hộ bà Nguyễn Thị Thu Thu hơn 473 triệu đồng và ông Đỗ Hàn Phong gần 250 triệu đồng.

Trong các phiên tòa, chủ tọa đều căn cứ vào báo cáo tóm tắt xác định nguyên nhân sạt lở bờ sông Tiền ngày 29-10-2012 của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam để buộc công ty bồi thường cho anh em tôi.

Chủ tọa nhấn mạnh: “Hội đồng xét xử có cơ sở để xác định trong vụ án này thiệt hại về tài sản của các nguyên đơn là lỗi hoàn toàn thuộc về phía VMC, do VMC khai thác cát gây ra”.

Tuy nhiên, sau đó chúng tôi nghe thông báo bên bị đơn đã kháng cáo nhưng đợi mãi mấy tháng trời mới có lịch.

Nhưng rồi kéo nhau ra tòa lại kéo nhau về vì bên bị đơn không đến. Là người đại diện ủy quyền của ba trong tổng số năm hộ nên cứ mười bữa, nửa tháng là tôi lại nhận được thư mời ra tòa.

Bỏ công ăn việc làm đến tòa nhưng bên bị đơn cứ bặt tăm. Không biết đến bao giờ chúng tôi được thi hành án và phía VMC mới trả tiền cho chúng tôi?”.

* Luật sư NGUYỄN KHƯƠNG NINH (Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long):

Nếu tòa phúc thẩm yêu cầu bồi thường thì công ty phải thi hành

Trong vụ sạt lở gây chìm các bè cá, do phía VMC từng cam kết nếu tòa án xét xử vụ này thì công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nên các hộ nuôi cá chỉ khởi kiện, yêu cầu công ty bồi thường mà không yêu cầu phía các đơn vị xáng cạp liên đới trách nhiệm.

Theo văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Long (ngày 7-5-2013) để xin giải tỏa ba xáng cạp gia công khai thác cát, VMC đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định giải tỏa ba xáng cạp này để tránh khả năng các chủ xáng cạp khởi kiện công ty do các xáng cạp đã bị tạm giữ gần bảy tháng sau ngày xảy ra sạt lở, gây thiệt hại cho phía chủ xáng cạp.

Công ty cam kết sau thời gian này khi tòa án xét xử vụ sạt lở cồn An Bình có liên quan đến các xáng cạp nêu trên thì công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hiện tại tòa chỉ buộc VMC bồi thường cho các hộ dân nên nếu trong phiên phúc thẩm tới đây, tòa tiếp tục yêu cầu công ty bồi thường thì công ty phải thi hành án vì đã hết quyền kháng cáo.

Nếu phía công ty không thi hành án thì như những vụ kiện dân sự khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ đến cưỡng chế.

 

THÚY HẰNG (ghi theo lời anh Đỗ Văn Nghĩa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên