06/01/2019 09:25 GMT+7

Trái tim xóa tan nỗi sợ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Cơn sợ hãi của cộng đồng đẩy người bệnh HIV xa dần cuộc sống. Trong cơn hoang mang tột độ ấy, bà Trịnh Thị Duyên (cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) lại tìm đến, dùng sự nhân hậu mở lối, kéo cộng đồng lại gần với người bệnh.

Trái tim xóa tan nỗi sợ - Ảnh 1.

Bà Duyên đến thăm hỏi, động viên chị T. điều trị căn bệnh thế kỷ. Chị T. cũng hứa sẽ bảo vệ mình và mọi người - Ảnh: TRẦN MAI

Yêu thương cứ thế tỏa đi, tình người chiến thắng mọi nỗi sợ...

Một người nhiễm HIV thân tình

Chiếc xe máy đưa bà Duyên rẽ vào con đường dẫn đến xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức), nơi ấy có chị T., ngoài 30 tuổi, từng nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết khi bị HIV. Ngày chị từ bỏ TP.HCM về quê nhà thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, cũng là lúc đối diện với miệng đời.

Tấm thân yếu ớt của chị không đủ sức đối chọi với nỗi đau tinh thần từ những lời đay nghiến, xầm xì của nhiều người. Chị T. chia sẻ lúc bế tắc nhất, chị nghe một người cùng cảnh ngộ nói về bà Duyên, thế là chị đánh liều đến Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức tìm gặp. "Tôi đi để tìm người tâm sự, quá lâu rồi tôi không nói chuyện với ai ngoài một vài người cùng bị bệnh" - chị T. kể.

Bạo dạn đến gặp nhưng khi thấy bà Duyên, chị T. lại đứng nép mình ngoài cửa, chẳng bước vào, cũng chẳng bỏ về. Đôi chân chị co cứng, tâm trạng rối bời. May cho chị T., khi ấy bà Duyên đến bắt chuyện, nắm tay dẫn vào phòng. Quá lâu rồi chưa ai dám nắm tay chị, cảm giác đó nhắc lại vẫn khiến chị T. hạnh phúc.

Kể từ đó, bà Duyên xem chị T. là bạn, còn chị T. lúc nào cũng xem bà Duyên như mẹ hiền. Cụ H. (80 tuổi, cha chị T.) bảo: "Có cô Duyên, T. như chết đi sống lại. Từ ngày dùng thuốc cô Duyên cấp, T. tăng hơn 6kg. Mỗi ngày nó gọi "ba vào ăn cơm" là tôi lại nghĩ đến cô Duyên. Trong xóm cũng thương con bé hơn trước".

Chữ duyên

Ở đời, mọi chuyện bắt đầu từ chữ duyên. Trong một lần đến thăm người trong làng nhiễm HIV, bà Duyên bất ngờ khi người bệnh trốn biệt, còn gia đình chẳng mở lòng trò chuyện, cả xóm ai cũng sợ hãi người bệnh như thể bóng ma. Bà Duyên quyết định xóa đi nỗi sợ ấy. Tháng ngày như gió trời, thoáng chốc đã 12 năm bà Duyên gắn đời mình với những thân phận sống giữa khoảng tối của riêng mình. 

12 năm trước, căn bệnh thế kỷ này là "bản án" tách rời người bệnh với cộng đồng. Sự mặc cảm, tự ti khiến họ phải sống những tháng ngày biệt tăm chờ chết. Chính bà Duyên cũng từng khó tiếp xúc với người nhiễm HIV. "Người bị HIV ngại ngùng khi gặp tôi, họ có nỗi sợ của mình. Mọi người sợ họ, họ cũng sợ mọi người" - bà Duyên tâm sự.

Có lẽ do bà Duyên là người hoạt động trong ngành y tế, kiến thức và tình cảm đủ để bà ngồi tâm sự với người bệnh cả ngày dài. Nhiều lần cùng bà Duyên đến nhà những bệnh nhân HIV, tận mắt thấy cảm xúc của người bệnh và thân nhân dành cho bà, tôi mới thấu hết nghĩa tình của người phụ nữ đi hàn gắn niềm tin này. Bà Duyên tâm sự: "Ngay thời điểm bắt đầu công việc này, tôi luôn tin người bệnh sẽ không hại ai cả. Chẳng có lây nhiễm nào lớn hơn lây lan tiêu cực".

Cứ thế, bà Duyên mang sứ mệnh của một thiên thần đối chọi với thần chết. Với những người nhiễm HIV, dù cuộc đời họ chưa bị đóng sập lại nếu biết điều trị và chăm sóc mình tốt, nhưng cuộc sống của họ ở làng quê thì chính thức khóa lại bởi sự kỳ thị ngại nghi.

Miệng đời như sợi xích, đó cũng là lý do mà một thời gian dài những người nhiễm HIV ở huyện Mộ Đức không dám về quê. Họ sợ người thân của mình bị vạ lây, họ trốn đi, giấu bệnh tật và sống bất cần ở đâu đó và chờ... "Càng xa lánh chỉ khiến mọi điều tồi tệ hơn" - bà Duyên trải lòng.

Cuộc sống cứ trôi đi, bây giờ bà Duyên thấy đời mình có duyên với người bệnh HIV. Trái tim bà đủ thổn thức để hiểu chính người bệnh cũng chán ghét tấm thân tàn nay đau mai ốm. Đối diện những cơn đau chập chờn đến đi mỗi ngày đã là dằn vặt, với họ, cái chết cũng chẳng còn đáng sợ nữa, có khi vứt bỏ sự sống còn sướng hơn vất vưởng sống mỗi ngày.

Nghĩ vậy, bà càng thương. "Đâu phải người bệnh nào cũng có quá khứ đen tối, có những người bị nhiễm HIV chỉ vì vô tình. Tôi mong cộng đồng bao dung giúp họ hiểu giá trị cuộc sống, dù ngày mai chết thì hôm nay cũng phải có ích" - bà Duyên nói.

Đối diện thương đau, lạc quan mà sống

Bà Duyên là người tiên phong đến với căn bệnh thế kỷ ở huyện Mộ Đức, gắn bó mãi thành yêu thương, giờ bà ngồi luôn ghế nóng ở Trung tâm Y tế huyện này để phụ trách giúp đỡ, điều trị cho bệnh nhân HIV. Tấm lòng của bà không thể tạo nên phép mầu trước căn bệnh. 12 năm qua đã có 31 người lìa đời, mỗi khi nghĩ đến lòng bà vẫn hụt hẫng. "Tôi ước gì không có căn bệnh này trên đời. Không còn ai bị bệnh hay mất đi nữa" - bà Duyên cảm thán.

Ước mong của bà không thể xóa đi thực tại vì từ đầu năm đến nay huyện Mộ Đức đón nhận thêm 6 bệnh nhân HIV mới, nâng tổng số người nhiễm lên 84 người. Đón bệnh nhân mới, bà lại nhớ người cũ. Trong số những người đã dừng lại cuộc chiến bệnh tật, bà nhớ nhất là Nguyễn Thị Nữ (30 tuổi, xã Đức Phong).

Thanh xuân, Nữ xinh đẹp, chẳng hiểu vì nguyên cớ gì nhiễm HIV, người đời "vẽ" nên những câu chuyện ly kỳ, họ cho Nữ nghiện ma túy rồi nhiễm HIV, người thì bảo cô nhiễm vì làm gái... Không chỉ chịu miệng đời mà còn bị chính cha mình ruồng bỏ, cô gái trẻ chỉ còn lại bà Duyên. Những ngày Nữ rời làng, trốn vào TP.HCM, bà Duyên vẫn đều đặn gửi thuốc ARV cho Nữ. Mỗi ngày bà vẫn điện thoại trò chuyện, nhắc nhở Nữ ăn uống, sinh hoạt và sống tử tế. "Khi Nữ hứa với tôi sẽ không để ai bị lây nhiễm từ cô ấy, tôi tự hỏi vì sao cuộc sống lại không bao dung" - bà Duyên nói.

Rồi bà Duyên khuyên Nữ trở về làng khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Bà Duyên nắm tay, đưa Nữ bước ra cuộc sống, người làng trố mắt, nhưng dần dà xua tan nỗi sợ. Sự bao dung của cộng đồng giúp tinh thần Nữ lạc quan, thuốc điều trị trở nên công hiệu. Dù đã trải qua giai đoạn AIDS nhưng Nữ vẫn sống thêm 10 năm trước khi lìa khỏi cuộc đời vào năm 2017. "Đó là kỳ tích của sự bao dung" - bà Duyên nói.

Vậy nhưng có những trường hợp khiến bà Duyên trăn trở vì khi phát hiện bị HIV họ vẫn sống bất cần, không sử dụng thuốc dù bà khuyên mỗi ngày. Khi họ chấp nhận sử dụng thuốc thì mọi chuyện đã muộn.

Mới đây thôi, ngôi nhà của vợ chồng cán bộ đang đương chức nổi dông gió khi cả hai phát hiện mình đang ở giai đoạn AIDS. Họ đổ lỗi cho nhau không chung thủy. Mấy tháng ròng rã, bà Duyên hòa giải nối lại tổ ấm, giúp cả hai bình tâm trước cơn hoảng loạn. Có bà, họ đối diện thực tại để bình tĩnh tìm căn nguyên. Thế rồi người chồng nhớ lại chuyện của hơn 10 năm trước, ông đã không làm chủ cảm xúc của mình khi có phút giây "ngoài vợ ngoài chồng".

Khi biết được nguồn cơn, người vợ đau đớn và lạnh nhạt với chồng. Trong những ngày người chồng phải nhập viện vì nhiễm trùng, người thân sợ lây bệnh, không đến chăm sóc, lại là bà Duyên đi chăm sóc người dưng. Từng viên thuốc, bữa ăn, miếng tã lót... bà Duyên lo cho ông.

Rồi bà Duyên tiếp tục động viên người vợ về nghĩa tình vợ chồng. Nhờ vậy, người vợ mới chịu đến bệnh viện chăm sóc chồng. "Giờ sức khỏe cả hai đã chuyển biến rõ rệt sau khi sử dụng thuốc kháng HIV. Chị vợ cũng bỏ qua lỗi lầm của chồng để ở bên nhau trong những tháng ngày khó khăn. Với tôi, đó là niềm vui quá lớn" - bà Duyên nói.

Người phụ nữ tuyệt vời

Giữa cuộc đời đầy nghi kỵ, bà Duyên mở tấm lòng mình ra mà dìu nhiều phận đời qua đận long đong.

dsc_1188 3(read-only)

Nói như ông Trần Văn Sơn, phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức, thì "bà Duyên là người phụ nữ tuyệt vời trong công việc và cuộc sống. Ở bà có lòng chân thành, tình cảm và niềm tin đối với người bị nhiễm HIV. Nhờ đó mà người bệnh có chỗ dựa sống lạc quan, cộng đồng dần mở lòng ra thay vì sợ hãi trước họ".

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên