30/11/2022 17:07 GMT+7

Trái phiếu: Doanh nghiệp sản xuất vạ lây vì ‘con sâu làm rầu nồi canh’

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Sau hàng loạt sự kiện diễn ra trên thị trường trái phiếu vừa qua, ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng khó huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu, dẫn đến khó chồng khó vì room tín dụng đã cạn.

Trái phiếu: Doanh nghiệp sản xuất vạ lây vì ‘con sâu làm rầu nồi canh’ - Ảnh 1.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển phát biểu tại hội thảo - Ảnh: A.H.

Các chuyên gia đã cho biết như trên tại hội thảo "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp" do tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp tổ chức hôm nay 30-11 tại TP.HCM.

Trái phiếu là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua việc một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu trái luật, sử dụng vốn sai mục đích bị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút. 

Ngoài ra, khó khăn chung của ngành bất động sản và các tin đồn tiêu cực trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng khiến kênh huy động vốn trái phiếu trở nên hạn chế. 

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, trái phiếu giai đoạn trước năm 2020 có lãi suất và quy mô phù hợp. Giai đoạn 2020-2022 xuất hiện nhiều công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có lãi suất cao.

"Trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022 phần nhiều là trái phiếu bất động sản. Trong đó, công ty chưa niêm yết chiếm trên 80%. Trong giai đoạn này, trái phiếu doanh nghiệp đa số vừa do các ngân hàng thương mại phát hành và cũng mua lại với lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp từ các công ty bất động sản, chiếm tới hơn 40% lượng trái phiếu phát hành và giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Đinh Thế Hiển nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho hay, một phần quan trọng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo. 

Ông Mã Thanh Danh, chủ tịch CTCP Tư vấn quốc tế (CIB), đề xuất 3 nhóm giải pháp để giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn. Cụ thể, doanh nghiệp nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại. 

Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Chuyên gia tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho hay, vừa qua một số công ty bất động sản muốn bàn bạc với nhà đầu tư để hợp tác kinh doanh, hoặc đổi thành các sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên theo ông, các công ty bất động sản cần minh bạch các dự án, các vấn đề pháp lý, quy mô và tiến độ các dự án. Đồng thời, nhà đầu tư quan tâm định giá tài sản như thế nào, dựa trên cơ sở nào để định giá, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của trái chủ.

Liên quan đến tháo nút thắt về vốn cho doanh nghiệp, TS Đinh Thế Hiển cho biết đầu năm 2023 các ngân hàng sẽ có room tín dụng mới. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ưu tiên cho vay vốn lưu động có nhóm ngành sản xuất kinh doanh. 

"Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng cơ cấu vốn hợp lý, gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung hạn. Nếu muốn ngân hàng cung cấp vốn lưu động thì doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh hợp lý", ông Hiển lưu ý.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm một năm Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm một năm

TTO - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên