Một góc thị trấn Tam Đảo - Ảnh: Băng Giang |
Chuyến đi có phần không như ý. Chúng tôi định cho trẻ con làm một chuyến trekking ngắn trong rừng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để có một chút khám phá và trải nghiệm. Tuy vậy sáng thứ bảy, ngay trước khi xuất phát, trời bắt đầu mưa.
Không ai trong các bố mẹ có ý định từ bỏ lịch trình đã sắp xếp, vì thế lều trại vẫn cho vào thùng và lên đường. Lên đến cửa rừng trời vẫn sùm sụp, những đám mây nặng trĩu như ụp vào mặt.
1. Đường lên Tam Đảo khá quanh co, lòng đường hẹp và mật độ giao thông không hề vắng. Xe máy, ôtô nối đuôi nhau. Nhưng phần lớn khách du lịch dừng chân ở thị trấn.
Đã được tư vấn, cả nhóm chạy xe thẳng đến cửa vườn quốc gia. Từ đây ôtô và xe máy có thể đi thêm chừng 2km đường rừng nữa để tới “trạm căn cứ” của ba đỉnh Tam Đảo có tên Rùng Rình (Phù Nghĩa), Thiên Thị và Thạch Bàn.
Giữa rừng có một ngôi nhà sàn xinh xắn, trước mặt là khoảng sân rộng cho khách đậu xe, sau lưng là đồi Gió. Có ba tuyến tham quan, khám phá chính ở khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo xuất phát từ “trạm căn cứ” gồm tuyến “Đát Phong Lan”, tuyến “Chùa Địa Ngục” và tuyến “Leo 3 đỉnh Tam Đảo”.
Dãy Tam Đảo với ba đỉnh Rùng Rình, Thiên Thị và Thạch Bàn - Ảnh: Băng Giang |
Đường mòn vào rừng quốc gia Tam Đảo - Ảnh: Đức Hùng |
Đát Phong Lan là tuyến dễ đi nhất với độ dài khoảng 1,5km ở độ cao chừng 1.000m so với mặt nước biển. Tuyến Chùa Địa Ngục đi trên sườn dãy Tam Đảo cũng khá bằng phẳng dài chừng 8,5km.
Chinh phục ba đỉnh Tam Đảo trên cao độ 1.000-1.388m với độ dài tuyến 6km là hành trình hấp dẫn các bạn trẻ nhất với vẻ đẹp của rừng lùn trên đỉnh núi, những đám mây bồng bềnh và thảm thực vật phong phú.
Gió khá lạnh và có mưa nhỏ. Đó là lý do kiểm lâm hạn chế du khách vào rừng để đảm bảo an toàn.
2. Chúng tôi cho trẻ con dựng lều trong nhà sàn và đi đặt đồ ăn trưa ngay nhà sàn. Nghe nói trên này các món nướng vốn là đặc sản, bởi lẽ người địa phương thường dùng các loại lá hái được trong rừng để làm gia vị tẩm ướp, mang lại hương thơm độc đáo và khác biệt cho món ăn.
Chủ nhà sàn cho biết hôm nay mưa nên nhà sàn vắng khách, chứ thường vào cuối tuần có rất nhiều người đến đây để “hít thở khí rừng” hay đi trekking khám phá các tuyến đường của rừng quốc gia, một số nhóm còn tổ chức cắm trại trên núi.
Chúng tôi thấy may mắn vì được ở giữa bốn bề bát ngát mà không phải chia sẻ không gian trong trẻo, khoáng đạt với nhiều người. Nghe có vẻ ích kỷ nhưng thật thích cái cảm giác tự do tự tại và tách biệt trần đời này biết bao.
Từ đây có thể nhìn thấy hồ Núi Cốc phía xa xa - Ảnh: Băng Giang |
Nhà sàn - “trạm căn cứ” của ba đỉnh Tam Đảo - Ảnh: Đức Hùng |
Mấy con chó đang nằm lười biếng trên sân nhà được ông chủ xua đi bắt gà. Rất nhanh nhẹn và chính xác, chú chó đen lao phốc lên rừng và bắt về chú gà vừa được điểm chỉ.
Đám trẻ sung sướng chứng kiến cảnh chó bắt gà trong khi người lớn cũng mắt tròn mắt dẹt khen gia chủ khéo huấn luyện chó.
Bữa trưa được đặt với món gà nướng than củi và cá nướng riềng mẻ, đầu đuôi nấu chua, ăn kèm ngọn su su xào và quả su su luộc, vốn cũng là một đặc sản nổi tiếng của địa phương.
3. May mắn lúc chủ nhà đang chuẩn bị gia vị gồm gừng, tỏi, sả, lá chanh, các loại lá “không tên” khác để tẩm ướp gà, giã giềng mẻ để nướng cá thì trời quang mây và hửng nắng.
Chúng tôi quyết định dắt đám trẻ đi một vòng tuyến “Đát phong lan”, dự kiến mất từ 40 phút đến khoảng 1 giờ, về sẽ vừa kịp giờ ăn trưa.
Mấy đứa nhỏ 4-5 tuổi được mặc áo dài tay, quần dài, mũ đội đầu, xịt thuốc chống côn trùng, đi giày mềm và khuyến khích tự di chuyển với sự trông chừng của người lớn. Các nhóc bé hơn thì được bố mẹ địu trên vai.
Đường vào rừng có những bậc đá tự nhiên thoai thoải, men dọc triền núi, xuyên giữa rừng hỗn giao với nhiều loại cây như tre nứa, rừng sặt, cây gỗ lớn với đám dây leo chằng chịt và đám phong lan rừng trên vách đá.
Bắt đầu trekking tuyến “Đất phong lan” - Ảnh: Băng Giang |
Một tuyến trekking khá phù hợp cho các em nhỏ trải nghiệm - Ảnh: Băng Giang |
Đám trẻ phấn khích trên đường ngao du trong rừng - Ảnh: Băng Giang |
Cả tuyến có hai lán nghỉ chân nghe suối reo róc rách, lá cây rừng xì xào, những quãng rừng yên tĩnh nghe rõ cả tiếng chim chuyền cành lích rích. Mấy đứa trẻ hú vang để gọi đám khỉ đến chơi với mình với tinh thần phấn khích. Chặng đường vì thế trở nên đơn giản và đầy tận hưởng.
Thoáng chốc đã nghe tiếng máy nổ ầm ì vọng lại, ngay phía trên đầu con dốc kia thôi đã là nhà sàn rồi.
Ra khỏi rừng mà vẫn ngỡ ngàng như không dám tin, một chuyến trekking ngắn quá thú vị và nhiều trải nghiệm, nhất là với bọn trẻ con còn đang non nớt và luôn tò mò ngắm nhìn thế giới qua một lăng kính đầy ắp đam mê.
4. Bữa ăn được dọn lên mâm dưới gầm nhà sàn, thơm phức, nóng hổi. Tiết trời hiu hiu mang đến một không gian se lạnh và sảng khoái. Quả đúng như lời đồn, những món nướng ở rừng có sự hấp dẫn đến... rớt nước miếng.
Cá nướng riềng mẻ khô ráo, thịt mềm, ngọt, đậm đà. Gà nướng thơm phức gia vị, dường như có tỏi, sả, lá chanh, lại có thêm chút cay, chút ngọt, thịt gà giòn, đậm, săn chắc nhưng không dai. Ngon su su xanh mướt, nõn nà, xào với tỏi phi thơm lừng. Củ luộc ăn vào thấy mát mẻ tận ruột.
Ngon quá nên cả nhóm quyết định gọi thêm một con gà nướng. Chủ nhà lại tất bật lên đồi đi lùa gà. Mấy chục con gà nuôi thả, tối mới về chuồng, ăn đá, ăn sỏi lại ngao du Tam Đảo cả ngày, thảo nào mà thịt thơm ngon, giòn ngọt thế.
Lại xua mấy chú chó đi bắt gà, chỉ con nào bắt trúng con đó, không bao giờ cắn bắt lung tung, chỉ thực hiện khi có lệnh, thế mới tài.
Món gà nướng giữa rừng Tam Đảo được tẩm ướp gia vị bằng nhiều loại lá “không tên” - Ảnh: Đức Hùng |
Chúng tôi ăn nhẩn nha đợi con gà đang được làm thịt và tẩm ướp gia vị trước khi đem nướng trên than củi. Nhà hàng cứ cười tủm tỉm khi tôi truy hỏi “dùng lá gì trong rừng để ướp cá, ướp gà”.
Anh chàng đầu bếp còn khá trẻ ngẫm nghĩ mãi rồi kết luận nói chung là “lá rừng”, chả biết gọi tên là gì, lá này hợp với gà, lá kia hợp với lợn, cứ vào rừng hái về dùng thành quen thôi.
Rồi anh bảo lần sau anh chị lên ăn lợn, ở đây bọn em có nuôi cả nhím, nếu đi đoàn đông sẽ làm được nhiều món ăn ngon hơn để thưởng thức. Đặc biệt là các món nướng, đảm bảo luôn mang lại sự hài lòng.
Ra thế, giờ tôi mới hiểu vì sao có những nhóm, đoàn tuần nào cũng rủ nhau đi Tam Đảo... tập thể dục. Vào đến rừng hít thở không khí trong lành, vận động bằng cách đi trekking một vòng, rồi về thưởng thức mấy món nướng trứ danh đặc sản của rừng. Cớ gì mà không đi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận