Ông Lê Trung Nghĩa (thứ hai từ phải qua) trò chuyện cùng các bạn sinh viên về phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên tại buổi tọa đàm “Tổ quốc trong lòng sinh viên” sáng 26-12 ở Nhà văn hóa Sinh viên, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
“Tổ quốc trong lòng sinh viên” - tên của tọa đàm đã gợi nhắc về một chân lý bất diệt, dẫu ở thời đại nào, hoàn cảnh nào hay với bất kỳ sinh viên thế hệ nào thì trong trái tim mỗi người luôn mang dáng hình Tổ quốc. Câu chuyện giữa những học sinh - sinh viên xuống đường năm xưa với sinh viên hôm nay vẫn không ngoài chủ đề muôn thuở - lòng yêu nước.
Ngọn lửa tranh đấu
Ký ức dẫu đi qua hơn nửa thế kỷ song vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi nhân chứng sống bước ra từ phong trào học sinh sinh viên đấu tranh giữa lòng đô thị Sài Gòn ngày ấy.
Hôm qua 26-12, cô Nguyễn Bình Minh cùng các chú Hoàng Ðôn Nhật Tân, Trương Minh Nhựt, Lê Trung Nghĩa đại diện hàng loạt cái tên gắn liền với những ngày tuổi trẻ đấu tranh trực diện đầy bi thương nhưng rất đỗi hào hùng đó đến trò chuyện với sinh viên.
Ông Hoàng Ðôn Nhật Tân nói rằng những thước phim tư liệu vô cùng quý để các bạn trẻ hôm nay biết đến lịch sử. Việc xuống đường đã trở thành chuyện hằng ngày, năm này qua tháng nọ, vô cùng ác liệt khi sinh viên học sinh phải đối đầu với cả một lực lượng đàn áp chuyên nghiệp.
“Càng đàn áp, phong trào càng bùng lên mãnh liệt, nhiều người sẵn sàng bỏ trường lớp để đấu tranh dù biết có thể phải hi sinh nhưng sẵn sàng chấp nhận” - ông Nhật Tân kể.
Giữa khói lửa chiến tranh, trong làn đạn kẻ thù, hình ảnh những nữ sinh duyên dáng trong các bài hát, điệu múa cũng trở thành thứ vũ khí sắc bén chống giặc. Ðến nỗi, theo lời cô Bình Minh, có bài múa sau khi biểu diễn bị cấm vĩnh viễn vì sức hiệu triệu ghê gớm khi lôi kéo không chỉ hàng trăm mà đến hàng ngàn người cùng xuống đường.
Và hôm qua, cô lại ôm chiếc đàn accordion, say sưa đàn những ca khúc Lên đàng, Bạch Ðằng giang, Hành khúc sinh viên như năm xưa cùng đồng đội biểu diễn giữa đường phố trong tiếng vỗ tay không ngớt của sinh viên.
Câu chuyện hàng ngàn học sinh sinh viên ngày 9-1-1950 kéo đến sở giáo dục, rồi qua dinh thủ hiến (nay là Bảo tàng TP.HCM) đòi thả những học sinh vừa từ chiến khu học tập trở về bị cảnh sát bắt qua lời kể của chú Lê Trung Nghĩa sống lại hùng hồn như mới đây thôi. Dù cảnh sát phong tỏa hết các con đường, lính cứu hỏa phun vòi rồng nhưng đoàn người xuống đường quyết không lùi.
Khi yêu sách đòi thả người của học sinh sinh viên còn chưa được đáp ứng thỏa đáng, thủ hiến Trần Văn Hữu lệnh cho cảnh sát với vũ khí tràn lên đàn áp, buộc đoàn người biểu tình phải ra khỏi dinh. Tiếng súng đã vang lên. Và cậu học trò Trường Petrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong) Trần Văn Ơn đã nằm xuống mãi mãi.
“Chúng không cho đem thi thể anh Ơn về trường nhưng chúng tôi kiên quyết lập bàn thờ ngay trong khu nội trú của trường. Ngày 12-1 tổ chức đám tang trò Ơn, chưa khi nào đường phố Sài Gòn đông mà lại trật tự, yên bình đến thế dù cả chục ngàn người có mặt. Cả ngàn vòng hoa từ khắp nơi gửi viếng” - ông Nghĩa nhớ lại. Và ngày 9-1-1950 đã đi vào lịch sử, trở thành Ngày truyền thống học sinh - sinh viên VN.
Trao niềm tin
Một sinh viên hỏi ông Trương Minh Nhựt có điều gì khác hay sự tiếp nối nào trong sứ mạng của Tổng đoàn sinh viên năm xưa với hội sinh viên hôm nay. Ðáp lời, ông Nhựt cho rằng chắc chắn có sự tiếp nối, chỉ là mỗi giai đoạn có khác nhau. “Nếu trước đây sứ mạng là tham gia đấu tranh cùng cả nước giành độc lập thì hôm nay các bạn dù sống trong thời bình nhưng không bao giờ được quên nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - ông Nhựt nhắn nhủ.
Bạn trẻ Ngô Phan Hà Châu mang nắm đất từ đất liền ra Trường Sa kể cảm xúc khi tận tay đặt nắm đất cạnh khóm rau muống biển và nhìn thấy xa xa hình ảnh anh lính hải quân đứng gác giữa bao la biển trời thiêng liêng không diễn tả được bằng lời.
“Lúc đó mình hiểu hơn cách mà các anh lính vẫn đem những miếng san hô chết đắp vào bờ của các đảo. Mình viết lại ước mong mỗi người khi ra đảo, chỉ cần mang theo nắm đất thì chắc đảo và bờ sẽ gần nhau lắm” - Châu chia sẻ.
Chính ý tưởng ấy đã được báo Tuổi Trẻ xây dựng thành chương trình “Góp đá xây Trường Sa” và nhận được sự ủng hộ của hàng triệu tấm lòng bạn đọc từ mọi miền đất nước, cả bà con ở hải ngoại.
Các bạn trẻ hôm nay nói về lòng yêu nước theo cách của riêng mình. Sinh viên Trần Ðình Thi - chủ tịch Hội Sinh viên ÐH Công nghệ thông tin (ÐHQG TP.HCM) - chia sẻ kinh nghiệm “cố thêm một chút nữa”, khắc phục chỗ nào còn khuyết để đạt đến danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành.
Hay cô sinh viên ÐH Khoa học xã hội & nhân văn (ÐHQG TP.HCM) Trịnh Thị Hiền Phương nói về chuyến hải trình tàu thanh niên Ðông Nam Á 2014 cô tham gia vừa kết thúc cách đây ít ngày, rằng “đã có dịp giới thiệu với bạn bè khu vực Ðông Nam Á và Nhật Bản về Mùa hè xanh, về phong trào Sinh viên 5 tốt và những điều mà sinh viên VN đang tích cực chia sẻ với cộng đồng”.
“Khi đi qua biển Ðông, đoàn VN cùng mặc áo hình cờ nước, hát quốc ca và nhiều bạn đã khóc. Tôi nghĩ Tổ quốc nằm chính trong những giọt nước mắt ấy với tất cả niềm tự hào. Yêu nước hôm nay không chỉ là học tốt mà phải hiểu rõ văn hóa, lịch sử để giới thiệu VN với bạn bè thế giới” - Hiền Phương nói.
Trước đề nghị về một lời khuyên cho sinh viên hôm nay của sinh viên ÐH Luật TP.HCM, chú Lê Trung Nghĩa nói ngắn gọn: “Ngày trước nhiệm vụ duy nhất của các chú là đuổi giặc xâm lăng, thống nhất hai miền đất nước. Còn hôm nay trách nhiệm của các cháu là làm sao phải đưa đất nước đi lên, sánh vai cùng các cường quốc khác”.
Chúng ta đã đứng dậy
Là tên hai tập sách về lịch sử phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh Sài Gòn thời chống Mỹ giai đoạn 1954-1975 vừa được giới thiệu trong tọa đàm “Tổ quốc trong lòng sinh viên” hôm 26-12 tại Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, hướng tới Ðại hội V Hội Sinh viên VN TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020.
Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên VN (9-1-1950 - 9-1-2015).
Theo ông Hoàng Ðôn Nhật Tân - một trong những tác giả biên soạn - sách được thực hiện trong ba năm, tập hợp không chỉ hồi ký của các nhân chứng sống một thời, tư liệu lịch sử phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn mà còn có nhiều tư liệu quý: hàng ngàn trang báo thời ấy, tường trình, báo cáo mật của cảnh sát Sài Gòn, những bản cung, tài liệu đấu tranh của sinh viên... được lưu giữ lâu nay. “Hai tập sách sẽ lý giải với các bạn vì sao chúng ta phải đứng dậy, chúng ta đã đứng dậy và đứng dậy như thế nào. Tên sách cũng là bài hát mà nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã sáng tác ngay giữa lòng tranh đấu với quân thù vì đã gói gọn đầy đủ điều muốn nói” - ông Nhật Tân nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận