08/11/2018 15:25 GMT+7

Trả hồ sơ vụ lừa 'bảo kê' cho lái xe vì tình tiết mới

DIỆP THANH - THÂN HOÀNG
DIỆP THANH - THÂN HOÀNG

TTO - Phạm Văn Phương khai đã đưa chiếc điện thoại có sim do vợ mình đứng tên cho một CSGT và 1 sim điện thoại khác cho đồng phạm để nhắn tin cho CSGT về biển số xe được "bảo kê".

Trả hồ sơ vụ lừa bảo kê cho lái xe vì tình tiết mới - Ảnh 1.

Bị cáo Phương và các bị cáo khác tại tòa - Ảnh: V.D.

Sau 4 ngày xét xử và nghị án, sáng 8-11, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên trả hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền dưới hình thức "bảo kê" cho lái xe chạy qua địa phận 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để điều tra bổ sung vì có tình tiết mới.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Phạm Văn Phương (giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại PNV); Phùng Đức Ngọc và Lê Văn Hiếu, đều là nhân viên Công ty PNV; Trần Huy Lâm và Ngô Sĩ Bảo (cùng ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) và Đinh Văn Hải (ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Họ bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ và đưa hối lộ.

Theo hội đồng xét xử, trong phần thẩm vấn, bị cáo Phương khai đưa cho một CSGT chiếc điện thoại đăng ký tên vợ bị cáo để nhận điểm báo "bảo kê" và chiếc điện thoại khác cho bị cáo Ngọc đã cài sẵn số điện thoại của CSGT để nhắn tin chuyển biển kiểm soát ôtô nhận tiền "bảo kê". 

Đây là tình tiết mới tại phiên tòa mà quá trình điều tra Phương chưa khai.

Bên cạnh đó, tòa cũng nhận thấy cần phải điều tra để làm rõ tội danh của các bị cáo trong vụ án và làm rõ có hay không việc CSGT nhận hối lộ để bảo kê xe cho các bị cáo… Do đó, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo cáo trạng, Phạm Văn Phương là giám đốc Công ty PNV. Tuy nhiên, Phương không chú trọng tới kinh doanh mà "chém gió" với nhiều lái xe, nhà xe rằng bản thân có mối quan hệ với một số cán bộ CSGT của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Phương nói có thể "bảo kê" cho các ôtô vi phạm hai địa bàn này.  Tưởng thật, nhiều người đã gặp Phương nhờ vả.

Phương chỉ đạo 2 nhân viên dưới quyền là Ngọc và Hiếu thu mỗi xe bảo kê từ 1,3-5,5 triệu đồng/tháng hoặc 200 ngàn đồng/ngày.

Cơ quan chức năng xác định từ tháng 4-2016 đến tháng 7-2016, họ đã thu của 16 nhà xe số tiền hơn 1,9 tỉ đồng.

Trong đó, có 6 nhà xe đã đưa hơn 1,6 tỉ đồng cho nhóm Phương, Ngọc, Hiếu với mục đích nhờ người có thẩm quyền "bảo kê" cho 359 ôtô.

Vụ việc chỉ được phát hiện khi tổ công tác Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an bắt quả tang Ngọc đang nhận 48 triệu đồng của một chủ xe trong một quán cà phê trên đường Lý Thái Tổ, TP Bắc Ninh.

Quá trình điều tra, lúc đầu Phương khai số tiền "bảo kê" thu được đã đưa cho một số cán bộ công an. Cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành xác minh nhưng không đủ chứng cứ chứng minh hành vi nhận hối lộ của số cán bộ công an như Phương khai.

Về số điện thoại được cho là của một cán bộ CSGT tỉnh Bắc Ninh, dùng để báo biển số xe được "bảo kê", cơ quan điều xác minh sim điện thoại đó không phải của cán bộ CSGT kia mà là của vợ Phương mua, đứng tên thuê bao trả trước.

Sau đó, Phương thay đổi lời khai, không thừa nhận việc đưa tiền cho một số cán bộ công an như lời khai ban đầu. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng đã đổi tội danh sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Phương.

Chưa làm rõ khoản tiền tỉ chi cho CSGT bảo kê Chưa làm rõ khoản tiền tỉ chi cho CSGT bảo kê 'logo xe vua'

TTO - Các bị cáo trong đường dây bán "logo xe vua" khai đã đưa hối lộ cho 62 CSGT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM nhưng những người này phủ nhận việc nhận tiền.

DIỆP THANH - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên