Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Thành (ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An) canh tác trên thửa ruộng nằm trong khu quy hoạch treo - Ảnh: HỮU TUẤN |
Trước khi người dân có cuộc sống kinh tế khá hơn thì quyền lợi chính đáng và các nhu cầu tối thiểu của họ phải được Nhà nước bảo đảm. Vậy nên vấn đề tối quan trọng ở đây là bằng mọi cách không để xảy ra tình trạng “treo” các quyền lợi và nhu cầu chính đáng của người dân do quyết định, chính sách của Nhà nước tác động, ở đây là việc tiến hành các quy hoạch, dự án.
Theo luật, chỉ khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền sau khi tiến hành các bước kiểm kê, đền bù đất đai thỏa mãn theo quy định thì người dân mới “hết quyền” đối với diện tích đất của mình trong dự án. Ngược lại, chỉ với quy hoạch đã được phê duyệt và công bố, các quyền lợi cơ bản về sử dụng đất, quyền xây dựng, sửa chữa các công trình thiết yếu của người dân vẫn hoàn toàn được bảo đảm.
Thế nhưng thực tế ở nhiều địa phương, chỉ với quy hoạch được phê duyệt và công bố thì các quyền lợi cơ bản của người dân về sử dụng đất, quyền xây dựng, sửa chữa các công trình thiết yếu lập tức bị “cấm cửa”: không những không được sang nhượng, cho tặng đất đai, sửa chữa nhà cửa, người dân nhiều địa phương còn không yên tâm đầu tư sản xuất trên phần đất của mình bởi lo ngại không biết bao giờ dự án triển khai và khi ấy liệu thành quả đầu tư sản xuất của mình có được bồi hoàn thỏa đáng.
Vì vậy việc thu hồi, xóa các dự án “treo”, trả lại đất cho bà con nông dân sản xuất là vấn đề cần thiết. Song cần thiết hơn là không để các quy hoạch “treo” (vốn là “cha đẻ” của các dự án “treo”) có cơ hội ra đời.
Luật quy hoạch đô thị (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) quy định rõ việc tham gia đóng góp ý kiến của người dân trong vùng quy hoạch. Cạnh đó, Luật đất đai quy định ngoại trừ những dự án an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng do Nhà nước thu hồi, những dự án của doanh nghiệp làm kinh tế phải thỏa thuận về giá cả đền bù đất với người dân.
Tuy nhiên, luật không quy định trường hợp nào quy hoạch, dự án phải lấy ý kiến cụ thể từng người dân trong vùng quy hoạch; quy hoạch, dự án nào lấy ý kiến gián tiếp thông qua vai trò của đại biểu dân cử. Cạnh đó, luật cũng không quy định bao nhiêu phần trăm hộ dân không đồng ý thì quy hoạch, dự án phải được xem lại.
Từ đó, trên thực tế không nhiều quy hoạch, dự án được lập có sự tham gia đóng góp của người dân, hoặc nếu có thường chỉ mang tính hình thức, kể cả với hình thức tham gia ý kiến gián tiếp thông qua đại biểu dân cử. Bởi lẽ tuy là đại biểu dân cử ở địa phương song không phải trường hợp nào đại biểu dân cử cũng là người có quyền lợi gắn bó trực tiếp trong vùng quy hoạch và dự án, sự tham gia ý kiến lúc này thường mang tính dung hòa, khó khách quan.
Để quy hoạch “treo” chết trong trứng nước, vấn đề trước tiên là cần làm rõ hơn nữa sự tham gia, mức độ tham gia của người dân một cách trực tiếp và gián tiếp vào việc lập quy hoạch, dự án được quy định trong Luật quy hoạch đô thị và Luật đất đai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận