09/04/2013 05:45 GMT+7

Trà chanh Hà Nội giữa Sài Gòn

MINH HOA (TP.HCM)
MINH HOA (TP.HCM)

AT - Từng có thời Nam tiến nhưng không thành công, đã có lúc người ta tưởng rằng “đặc sản Hà Nội” này sẽ chẳng bao giờ có đất dung thân ở cái xứ hai mùa mưa nắng. Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, Sài Gòn lại chứng kiến sự trở lại của trà chanh Hà Nội. Sự trở lại rất ngoạn mục đến mức trở thành một trào lưu của giới trẻ Sài Gòn, với câu cửa miệng “đi trà chanh chém gió đi”.

IbosKyvj.jpgPhóng to
Quán trà chanh Hàng Chiếu ở quận 1, TP.HCM

Hẹn hò “Air Blade”

Người Sài Gòn không chuộng trà chanh bởi vị chua và chát, không hợp với kiểu uống hảo ngọt, thanh thanh của miền Nam. Đồng thời cũng không ưa kiểu ngồi hàn huyên tán phét ngoài vỉa hè quanh ly trà như người Hà Nội. Nhưng đó là chuyện của vài năm về trước.

Những người đi sau khôn ngoan hơn, không còn cứng nhắc bê nguyên xi “phiên bản gốc”. Cũng là trà chanh Hà Nội nhưng nay cách pha đã khác và không gian cũng khác. Cái chính là chiều được lòng thượng khách khó tính nhưng trong mỗi ly trà vẫn mang hồn cốt Hà Nội. Tiếng lóng “hẹn hò Air Blade” xuất hiện nhiều trong teen Sài Gòn vài tháng nay thực chất là chỉ việc đi uống trà chanh “chém gió” (chém gió phỏng dịch tiếng Anh là Air Blade).

Tiên phong cho trào lưu “trà chanh chém gió” ở Sài Gòn phải kể đến Trà chanh Hàng Chiếu trên đường Nguyễn Văn Tráng (Q.1). Lượng khách rỉ tai đến uống mỗi ngày một đông, phần lớn là giới trẻ, không ít dân văn phòng. Hà Phương cùng tốp bạn chục người là thực khách của quán từ ngày đầu, chia sẻ: “Cứ rảnh là bạn bè lại hẹn hò nhau đi trà chanh vui chuyện. Không gian quán có cái gì đó rất bụi bặm nhưng lại nhẹ nhàng, thanh thản, trầm ấm như Hà Nội vậy, rất khác với những quán cà phê, sinh tố ở Sài Gòn. Ban đầu chỉ đến nếm thử, xem lần trở lại này của trà chanh có khác gì so với nhiều năm trước. Rồi cả nhóm chẳng biết nghiện cái vị chát lạ và không gian phố này từ khi nào. Giá cả lại hết sức phải chăng, chỉ từ 10.000-12.000 đồng cho một ly trà chanh”.

Chủ quán là Diệu Mi (25 tuổi) - cô gái nhỏ của phố cổ đất kinh kỳ, chuyển vào Nam làm việc được vài năm nay. Diệu Mi tâm sự: “Không sao quên được những tối Hà Nội bạn bè rủ nhau đi trà chanh phố Nhà Thờ, xoay quanh ly trà mà câu chuyện rôm rả đến tận khuya, ngồi ngoài vỉa hè và nhìn phố phường qua lại. Vào Sài Gòn, mình tìm mỏi mắt không thấy một không gian nào như thế, nhiều lúc thèm đến thắt lòng một ly trà chanh. Vậy là quyết định mở quán trà chanh để đỡ thèm và đỡ nhớ Hà Nội”.

Nối tiếp thành công của quán, chỉ trong thời gian ngắn, cả con phố Lê Thị Riêng - Nguyễn Văn Tráng đã trở thành “thủ phủ” trà chanh Hà Nội, đếm sơ sơ quán cũng quá 10 đầu ngón tay. Điều thú vị là hầu như chủ quán đều là người Hà Nội và còn rất trẻ. Dù công thức chung của một ly trà đơn giản chỉ là: trà mạn (trà Bắc) + chanh + đường nhưng để thích nghi với giới trẻ Sài Gòn, mỗi quán lại có không gian bài trí và vị trà riêng. Có quán bán kèm cùng nem chua rán, sữa chua nếp cẩm, nước mơ, nước sấu - những “đặc sản” mang hồn Hà Nội. Có quán đi cùng trà chanh là shisha - một thú hút thuốc kiểu Thổ Nhĩ Kỳ từng làm mưa làm gió một thời trong giới trẻ Sài thành.

Một Hà Nội thiên di

Không chỉ dừng ở đó, lần trở lại này trà chanh Hà Nội đã chứng tỏ sức “hấp dẫn không thể chối từ” khi mạnh dạn thay đổi để hòa nhập. Một Hà Nội bình dị, mộc mạc, thiên di rải rác và len lỏi trong nhiều con phố của Sài Gòn. Khu vực trung tâm có đường Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Tôn Thất Đạm, Trần Quang Khải (Q.1). Quanh công viên bên sông Sài Gòn có quán trà chanh vỉa hè của một đôi bạn thủ đô với tình yêu Hà Nội tưởng như một thứ tôn giáo, cứ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm lúc nào cũng đông nghẹt khách.

Đặc biệt, không chỉ riêng người Hà Nội mới mở quán trà chanh để thỏa nỗi nhớ nhà mà nhiều chủ quán người Sài Gòn cũng bán trà chanh vì trót “phải lòng” Hà Nội. Trà chanh bờ kè, trà chanh đường Cao Thắng (Q.10), Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), Trần Văn Đang (Q.3)... là những quán như thế.

Anh Trần Hùng - một chủ quán trà chanh khu bờ kè - cho biết: “Từng ra Hà Nội và được uống trà chanh phố Nhà Thờ, không thể quên được. Nước trà có màu vàng sậm, rất đặc, vị chát dịu của trà kết hợp với vị chua của chanh rồi hương thơm của hoa nhài. Rồi đĩa hạt hướng dương trắng. Và ngồi vỉa hè... Khi mở quán, tôi chỉ giảm bớt vị chát của trà và tăng độ ngọt để hợp hơn với khẩu vị của người miền Nam”.

Dù vị có hơi khác nhưng trà chanh ở Sài Gòn vẫn thường được chế biến từ nguyên liệu rặt chất Hà Nội. Trà phải là trà mạn Thái Nguyên, hạt hướng dương trắng của phố Nhà Thờ, được các chủ quán kỳ công đặt hàng từ Bắc đem vào Nam.

Giới trẻ Sài Gòn tìm đến trà chanh không chỉ để biết đến một Hà Nội ở ngay giữa Sài thành mà còn để thư giãn, trò chuyện mà không bị gò bó với cửa kính và máy lạnh của những quán cà phê phòng ốc sang trọng. Cũng như món ăn phở bò hay bún chả, trà chanh đơn giản chỉ là một thức uống Hà Nội thiên di vào Sài Gòn để những người xa Hà Nội thì bớt nhớ và những người chưa kịp phải lòng sẽ phải lòng Hà Nội. Vì vậy, lần trở lại của trà chanh này sẽ không chỉ dừng lại ở một trào lưu.

YoU2K8Zt.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 1/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH HOA (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên