15/07/2013 07:30 GMT+7

TPP thêm Nhật, thêm thời gian đàm phán

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Vòng đàm phán tiếp theo của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ diễn ra ở Kota Kinabalu (Malaysia) từ ngày 15 đến 25-7. Diễn biến đáng chú ý nhất của vòng đàm phán này là việc Nhật chính thức tham gia đàm phán.

V12dL16T.jpgPhóng to
Các nhà đàm phán Mỹ rất lo bảo vệ ngành may mặc trong nước. Trong ảnh: Công ty may mặc Karen Kane ở Los Angeles - Ảnh: Reuters

Dù các nhà lãnh đạo của các quốc gia tham gia TPP, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Barack Obama, đặt quyết tâm sớm hoàn tất đàm phán trong năm nay - kế hoạch ban đầu là kết thúc vào tháng 10 tại Bali (Indonesia), nhưng giới chuyên gia và các nhà phân tích đều nhận định khả năng này khó xảy ra.

Theo Hãng Nikkei, đàm phán nhiều khả năng phải kéo dài tới tháng 4 hoặc tháng 5-2014, khi còn nhiều bất đồng giữa các bên về mức thuế cũng như một số vấn đề chủ chốt. Ngoài vấn đề xuất xứ, đàm phán đang bị chậm lại vì mâu thuẫn quanh các vấn đề như thủ tục hải quan với hàng nông sản, quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề doanh nghiệp nhà nước.

Với việc Nhật chính thức tham gia đàm phán TPP, quy mô của TPP khi chính thức đi vào hiệu lực sẽ chiếm tới 40% GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng giá trị giao thương toàn thế giới. Nhưng thêm Nhật tức là thêm các vấn đề cần giải quyết. Dù là người đến sau, Tokyo đến giờ vẫn muốn lật lại các vấn đề đã được đàm phán, đặc biệt là với vấn đề nông sản.

Mới đây, khi phía Malaysia tuyên bố việc đàm phán của 14 trong tổng số 29 chương “về cơ bản đã hoàn tất” thì bộ trưởng phụ trách vấn đề TPP của Nhật Akira Amari nói vẫn còn những vấn đề cần đàm phán và “các chủ đề liên quan tới lợi ích của Nhật vẫn chưa hoàn tất”. Đáp lại vấn đề này, trả lời Kyodo hôm 2-7, Bộ trưởng công thương Malaysia Mustapa Mohamed nói “ai đến muộn thì phải chấp nhận những gì đã được thỏa thuận”.

Mỹ - Việt vướng hàng dệt may

Một bản tin hôm 20-6 của Reuters trích lời ông Nguyễn Vũ Tùng - phó đại sứ Việt Nam tại Mỹ - nói Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn còn rất xa nhau trong đàm phán. Theo lời ông Tùng, đề xuất mới nhất của Mỹ tại vòng đàm phán 17 về quyền tiếp cận thị trường của hàng quần áo và da giày, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam, là “rất khó để chúng tôi chấp nhận”. Theo lời ông Tùng, nếu không có đột phá thì ông “thật sự quan ngại về khả năng Việt Nam có thể kết thúc đàm phán thành công TPP”.

Tư duy bảo hộ dệt may Mỹ hiện vẫn còn rất rõ trong giới doanh nghiệp. Ngay trước vòng đàm phán này, trong cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 10-7, ông Smyth McKissick - tổng giám đốc của Alice Manufacturing và là đại diện của Ủy ban Dệt may quốc gia Mỹ - cảnh báo thỏa thuận ở TPP có thể “tiêu diệt” ngành dệt may Mỹ. “Nếu các luật lệ yếu được chấp thuận, đặc biệt với sự tham gia của Việt Nam vào TPP, ngành công nghiệp chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng của một thỏa thuận thương mại không công bằng” - ông McKissick nhận định.

Trong khi mức thuế với hàng hóa nhập khẩu Mỹ trung bình là dưới 2%, mức thuế cho hàng may mặc trung bình hiện khoảng 11,1%, với thuế cho một số quần áo lên tới gần 30%. Phía Việt Nam muốn Mỹ phải giảm dần mức thuế này, trong khi phía Mỹ cũng gây sức ép với Việt Nam giảm thuế đối với hàng nông sản và các mặt hàng chế biến của Mỹ.

Mô hình tính toán của giáo sư Peter Petri - hiệu trưởng sáng lập của Đại học Kinh doanh Brandeis - nói Việt Nam là nước sẽ “hưởng lợi nhiều nhất” từ TPP. Theo tính toán của ông (đăng trên http://asiapacifictrade.org), GDP của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 35,7 tỉ USD, tương đương 10,5% GDP, vào năm 2025 nhờ vào TPP. Giáo sư Petri dù vậy thừa nhận con số này, được các nhà đàm phán Việt Nam đánh giá là rất lạc quan, phụ thuộc rất nhiều vào việc bao nhiêu phần trăm hàng may mặc Việt Nam được áp dụng mức thuế ưu đãi.

Theo lời phó đại sứ Tùng, tính toán sơ bộ đề xuất của Mỹ hiện mới chỉ bao gồm khoảng 5% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Giáo sư Petri trong cuộc phỏng vấn với Tuổi Trẻ nói tính toán của ông là dựa trên giả định khoảng 58% hàng may mặc Việt Nam được áp mức thuế ưu đãi.

Trả lời riêng cho Tuổi Trẻ, trợ lý đại diện thương mại Mỹ Carol Guthrie mới đây nói để đạt được thỏa thuận đối với hàng dệt may sẽ cần những nhượng bộ trên các lĩnh vực khác. “Việc tiếp cận thị trường của hàng dệt may và giày dép là một phần của gói tổng thể về tiếp cận thị trường, bao gồm cả các hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Vì vậy việc có tiến bộ trên tất cả các mặt hàng khác là cần thiết để có thể có một gói thỏa thuận về tiếp cận thị trường chấp nhận được cho mọi phía” - bà Guthrie giải thích.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên