05/07/2012 06:29 GMT+7

TP.HCM ưu tiên phục hồi sản xuất

QUỐC THANH - XUÂN LONG
QUỐC THANH - XUÂN LONG

TT - Sáng 4-7, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - kết luận và bế mạc hội nghị lần 10 Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa IX sau một ngày rưỡi làm việc. Hội nghị đã thông qua chương trình hành động của Thành ủy TP thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Hà Nội sẽ cơ cấu lại nền kinh tế

Ông Lê Thanh Hải cho biết Thành ủy TP tán đồng với nhận định của UBND TP “tăng trưởng kinh tế bước đầu khởi sắc và có chiều hướng tăng trở lại”. Kết quả mang lại của nửa đầu năm 2012 - năm của những dự báo gặp nhiều khó khăn - là GDP ở TP.HCM tăng 8,1% (cùng kỳ năm trước tăng 9,9%). Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn cả nước... Tuy nhiên, ông đặc biệt lưu ý sự xuất hiện của những dấu hiệu giảm phát mà ông ví von “tăng huyết áp cũng chết (trước đây phải đối phó với lạm phát), tụt huyết áp cũng chết”. Đây được cho là một trong số các chỉ báo rõ nét đời sống người dân đang gặp khó khăn, sức mua giảm và ảnh hưởng dắt dây đến sản xuất.

Thành ủy TP đồng tình với tám nhóm giải pháp cho kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm, trong đó khẳng định tinh thần quyết liệt của UBND TP là đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, duy trì và phục hồi phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội... UBND TP vẫn giữ các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu của cả năm như đã thống nhất khi bước vào kế hoạch năm 2012 (phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ 10% trở lên). Theo ông Lê Thanh Hải, ưu tiên hàng đầu là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh và tìm kiếm nhiều giải pháp sáng tạo hơn để mở rộng thị trường, “bơm” vốn nhiều hơn cho sản xuất.

Ông Lê Thanh Hải nói trung ương đồng tình với nhận định hạ tầng ở TP ngày càng bất cập. Điều này gây nên những ảnh hưởng, cản trở tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện đời sống người dân tốt hơn. Theo tính toán của cơ quan chức năng, chỉ riêng hạ tầng giao thông, để có thể thực hiện được quy hoạch giao thông được Thủ tướng phê duyệt (đến năm 2020), TP cần khoảng 39 tỉ USD. Trong khi đó, ông Hải cho biết soát xét các khả năng cân đối ngân sách của TP thì hằng năm chỉ có thể đáp ứng được 6-7% so với nhu cầu.

Ông Lê Thanh Hải gợi mở một số giải pháp. Theo đó, tới đây cần phân loại nhóm dự án hạ tầng do 100% vốn ngân sách nhà nước đầu tư, nhóm những dự án cần một phần ngân sách đầu tư và nhóm các dự án kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế. Hiện chưa có những cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhiều hơn vốn cho hạ tầng, song ông Hải cho rằng với phân nhóm dự án theo hướng như vậy sẽ dễ dàng tính toán, đề xuất những cơ chế, chính sách tương ứng, thu hút vốn hiệu quả hơn. Thành ủy TP nhận định TP.HCM là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để có thể thu hút vốn nhiều hơn cho hạ tầng.

Trong số các mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Thành ủy TP xác định nhóm hạ tầng kỹ thuật là then chốt với ưu tiên tập trung mục tiêu chống ngập TP và hệ thống các đường giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong đi lại.

* Sáng cùng ngày, hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV đã bàn về kế hoạch triển khai nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Hà Nội đã xác định năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: đổi mới mô hình và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế thủ đô; tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị về việc Hà Nội thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo nghị quyết trung ương 4, ông Phạm Quang Nghị - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội - nói: “Hà Nội một mặt sẽ thực hiện nghiêm túc, tự giác việc kiểm điểm, phê bình, mặt khác khuyến khích dân chủ và dân chủ hơn nữa trong việc mở rộng diện góp ý cho thường vụ, cho cấp ủy, cho lãnh đạo”.

Ông Nghị khẳng định thông qua việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện việc đánh giá cán bộ. Ông Nghị nhấn mạnh: “Ở một vị trí công tác mà việc kiểm điểm, đánh giá cho thấy vị trí đó quá yếu là phải thay người khác làm tốt hơn. Thay người mới mà sau một năm làm không tốt thì luân chuyển tiếp chứ không phải đợi đến cả nhiệm kỳ mới xem xét”.

QUỐC THANH - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên