![]() |
Bác sĩ Lê Thị Thúy Anh đang khám cho bệnh nhi Trần Anh Quỳnh (Q.12, TP.HCM) tại phòng khám hô hấp, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM (ảnh chụp sáng 30-5-2005) - Ảnh: THANH ĐẠM |
Những trẻ nào đi KCB trái tuyến, vượt tuyến sẽ phải tự trả tiền. Đó là khẳng định của Sở Y tế TP sau cuộc họp bàn các phương pháp thực hiện chính sách này vào chiều qua 30-5.
Hình thức, đối tượng, thủ tục miễn phí
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trước mắt, các bệnh nhi dưới 6 tuổi khi đi KCB ngoại trú sẽ được miễn phí tiền khám bệnh, các xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản như siêu âm, xét nghiệm máu, chụp X-quang... Riêng thuốc thì tạm thời chưa cấp mà chỉ kê toa ra ngoài mua vì các BV chưa chuẩn bị kịp kho thuốc riêng, nơi phát thuốc riêng theo qui định. Với các bệnh nhi nếu nhập viện điều trị nội trú kể từ ngày 1-6 sẽ được miễn phí các chi phí điều trị liên quan theo qui định.
Đối với một số kỹ thuật cao, các kỹ thuật do cơ sở y tế tự đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, kích cầu thì bệnh nhân tự trả tiền. Riêng bệnh nhi dưới 6 tuổi đến KCB tại Viện Tim TP và BV Truyền máu huyết học TP vẫn phải trả tiền, do hai đơn vị này không có kinh phí của Nhà nước cấp.
Về thủ tục, thời gian đầu do chưa có đầy đủ thẻ KCB miễn phí, phụ huynh đưa con đi KCB chỉ cần đưa giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh. Nếu lên tuyến trên thì phải có thêm giấy giới thiệu chuyển viện của tuyến dưới. Bác sĩ Dũng cũng lưu ý với những trẻ nhỏ - nhìn là biết ngay dưới 6 tuổi - thì trong trường hợp đặc biệt khi đi KCB mà chưa có giấy chứng sinh, khai sinh (TP.HCM hiện có 5.000 trẻ dưới 6 tuổi chưa có giấy khai sinh) các BV phải xem xét tiếp nhận KCB cho các cháu.
Về đối tượng, trước mắt chỉ những trẻ nào có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM hoặc diện KT3 mới được miễn phí. Các đối tượng khác như KT1, KT2 thì chưa được. Với các trẻ dưới 6 tuổi thuộc các hộ được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quyết định 39 của Chính phủ (qui định về chính sách KCB cho người nghèo) thì vẫn được tiếp tục KCB miễn phí theo qui định của quyết định này.
Những quyết định của Sở Y tế TP.HCM tại cuộc họp chiều qua cho thấy có nhiều vấn đề mâu thuẫn với cuộc họp triển khai thực hiện chính sách KCB do Bộ Y tế, Bộ Tài chính tổ chức vào hai ngày 26 và 27-5 trước đó. Trong khi hai bộ này khẳng định bước đầu thực hiện, trẻ KCB trái tuyến, vượt tuyến thì không phải trả tiền; và trẻ được miễn phí KCB theo chi phí điều trị thực tế. Thế nhưng, rõ ràng “bài toán” kinh phí hiện nay vẫn chưa có lời giải, nên các BV của TP.HCM muốn thực hiện đúng luật không phải là điều đơn giản! |
Đặc biệt, Sở Y tế chỉ đạo các BV nhi sẽ thu viện phí đối với các trẻ đi KCB trái tuyến (từ tỉnh, thành khác đến TP.HCM) hoặc vượt tuyến (bỏ qua trạm y tế phường xã, hoặc quận huyện mà lên thẳng BV tuyến trên). Đồng thời phân chia địa bàn tiếp nhận trẻ dưới 6 tuổi đến KCB cho hai BV nhi. Theo đó, kể từ 1-6, BV Nhi Đồng 2 sẽ tiếp nhận KCB các bệnh nhi thuộc các quận huyện: 1, 2, 3, 4, 7, 9, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận - nếu vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến quận huyện; BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận trẻ ở các quận huyện: 5, 6, 8, 10, 11, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân.
Ngày 31-5, sở sẽ báo cáo Bộ Y tế về việc thực hiện KCB cho trẻ dưới 6 tuổi tại TP.HCM và có thông báo gửi sở y tế các tỉnh thành về việc sẽ thu viện phí những trẻ dưới 6 tuổi ở các tỉnh nếu đi KCB trái tuyến ở TP.HCM, và giải thích rõ hai BV nhi đồng 1 và 2 cũng chỉ là BV thuộc tỉnh, thành phố chứ không phải là BV trung ương, thuộc tuyến y tế cao nhất. Đối với các bệnh nhi ở tỉnh nếu vẫn muốn KCB ngoại trú hoặc nội trú thì sau khi xuất viện sẽ được BV ra hóa đơn đem về địa phương để có cơ sở thanh toán lại theo qui định.
Bổ sung người chuyên ngồi ký
Trao đổi bên lề cũng như phát biểu của lãnh đạo hai BV Nhi Đồng 1 và 2 tại cuộc họp cho thấy khi thực hiện các BV sẽ gặp nhiều khó khăn.
BV Nhi Đồng 2 dự báo có khả năng số trẻ đến KCB từ 1-6 sẽ tăng lên, nên BV phải tổ chức thêm 10 bàn khám và sẽ xin bổ sung 30 nhân sự để làm các việc liên quan đến việc thực hiện KCB miễn phí. Cái khó cho BV nhất là qui định trong bảng kê chi phí KCB phải có đến bốn chữ ký của người nhà bệnh nhi; của khoa phòng khám, điều trị; của kế toán và giám đốc cơ sở KCB hoặc người được ủy quyền.
Theo BV Nhi Đồng 2, hiện nay mỗi ngày lãnh đạo BV chỉ ký có 300 hồ sơ xuất viện đã muốn... hụt hơi. Bây giờ một ngày ký thêm khoảng 2.000-2.500 phiếu KCB ngoại trú nữa thì chắc phải bổ sung một ông chuyên... ngồi ký! Về kỹ thuật cao, có nhiều loại xét nghiệm, chẩn đoán, BV phải chuyển bệnh nhi sang Trung tâm Medic. Sang đó người ta thu tiền mặt thì bệnh nhi phải trả tiền, BV phải giải thích cho dân làm sao?
Giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho rằng với kỹ thuật cao thì nên có qui định rõ thế nào là kỹ thuật cao. Nên qui định mức trần của kỹ thuật cao (ví dụ 2 triệu đồng), nếu vượt quá thì bệnh nhi đóng thêm...
Sở Tài chính cũng lúng túng
Trong khi đó, theo phòng tài chính kế toán của Sở Y tế thì các BV của TP cần 500 tỉ đồng, nhưng kinh phí mới cấp 56 tỉ. Mà trong 500 tỉ này chưa tính phần chi phí cho nhân viên. Lâu nay, thu nhập của CNV BV được trích từ phần thu 30% viện phí. Nay không có viện phí thì thu nhập sẽ giảm sút, ngân sách cũng cần phải cấp bù khoản này khoảng 25 tỉ cho hai BV nhi.
Bộ Tài chính đề nghị sở lấy trong 5% quĩ điều tiết của ngành, nhưng cũng không được vì hiện nay các BV đang đi vào thực hiện nghị định 10 (tự chủ tài chính trong BV công) thì họ cũng không điều tiết cho các BV khác nữa. Chưa kể hai BV cũng cần khoảng 60 tỉ/năm cho việc chi trả các khoản điện, nước, mua sắm trang thiết bị và một số kỹ thuật cao...
Bà Phạm Thị Kim Lệ - phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - nói : “Chúng tôi cũng hết sức lúng túng”. Bà khẳng định nếu các BV miễn phí cho trẻ em của các tỉnh thì “Bộ Tài chính, sở tài chính sẽ không quyết toán được cho mình đâu”. Vì vậy, trẻ em của tỉnh đến TP.HCM KCB thì phải tự trả tiền thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận