16/10/2019 09:17 GMT+7

TP.HCM: nhà máy ngưng xử lý nước nếu ô nhiễm

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Theo lãnh đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco): trường hợp phát hiện nguồn nước thô bị ô nhiễm, vượt ngưỡng độ mặn thì nhà máy phải lập tức ngưng xử lý nước.

TP.HCM: nhà máy ngưng xử lý nước nếu ô nhiễm - Ảnh 1.

Phòng thí nghiệm đo độ kiềm, độ cứng, độ mặn của nước lấy từ sông Sài Gòn tại Nhà máy nước Tân Hiệp, Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Theo ông Trần Kim Thạch - trưởng phòng quản lý chất lượng nước Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), hiện nay quy trình kiểm soát chất lượng nước Sawaco được thực hiện kiểm soát vi tính (online) từ đầu nguồn đến nước vào nhà máy xử lý và hệ thống đường ống cung cấp cho người dân. Trường hợp phát hiện ô nhiễm, mặn, vượt ngưỡng, nhà máy phải ngưng xử lý nước.

Nói về quy trình giám sát nguồn nước, ông Thạch cho hay định kỳ hằng tháng Sawaco tổ chức lấy mẫu nước thô về phân tích, vị trí lấy mẫu nước là ngược lên thượng nguồn khoảng 5km và cách hạ nguồn 1km (từ trạm bơm nước thô - PV). Gần hơn vị trí trạm bơm sẽ lấy mẫu hằng tuần.

Riêng sát vị trí trạm bơm sẽ có hệ thống giám sát chất lượng nước online. Các chỉ tiêu giám sát bao gồm độ đục, pH, amoni, mangan... Nếu vượt thông số cài đặt, hệ thống online sẽ phát tin cảnh báo. Và thông số từ hệ thống giám sát online cũng được kiểm tra đối chiếu với số liệu lấy mẫu trực tiếp phân tích tại phòng thí nghiệm để đảm bảo tính chính xác cao.

TP.HCM: nhà máy ngưng xử lý nước nếu ô nhiễm - Ảnh 2.

Nhân viên phòng quản lý chất lượng nước Sawaco kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi ra nhà máy nước - Ảnh: TTO

Ngoài giám sát chất lượng nước từ nguồn, chất lượng nước sau khi nhà máy xử lý ra (trước khi bơm vào đường ống cung cấp cho người dân) cũng được giám sát online 24/24 giờ. Cũng theo ông Thạch, nhờ việc giám sát chất lượng nước như vậy, Sawaco từng hai lần phát hiện những sự cố về môi trường xảy ra trên sông Sài Gòn, như vụ bể bờ bao hồ chứa nước thải của Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN năm 2009 hay vụ tràn nước thải của một đơn vị sản xuất phân bón sau đó.

Tuy vậy, ông Thạch thừa nhận hiện nay hệ thống đường ống cấp nước từ nhà máy đến khu vực cuối nguồn dài hàng chục kilômet nên có lúc, có chỗ nước bị lắng cặn, chất khử trùng - clo từ đầu nguồn đến cuối nguồn chưa đồng đều. Sawaco đang hoàn thiện dần hệ thống châm clo bổ sung cũng như công tác súc xả cuối tuyến, nhằm đảm bảo chất lượng nước ổn định trên hệ thống cấp nước.

Hiện tại, tổng công suất phát nước trên địa bàn TP.HCM khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm với khoảng 8 triệu mét đường ống các loại. Đa số nguồn nước được lấy từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn xử lý lại để cung cấp cho người dân. TP.HCM hiện đang giảm dần, tiến tới ngưng khai thác nước ngầm ở những nơi đã được cấp nước máy.

Năm 2005-2006, tại TP.HCM từng xảy ra hiện tượng nước đục trên diện rộng. Nguyên nhân được xác định do hàm lượng mangan tích tụ trong đường ống.

Thủ tướng chỉ đạo khắc phục ngay sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà Thủ tướng chỉ đạo khắc phục ngay sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà

TTO - Trước thực tế ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực tây nam Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khắc phục ngay sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên