24/02/2012 06:50 GMT+7

TP.HCM: làm sạch rác trên kênh rạch

D.N.HÀ ghi
D.N.HÀ ghi

TT - Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP vừa đề xuất UBND TP.HCM cấp lại kinh phí để phục hồi việc vớt rác trên các tuyến kênh lớn nhằm cải thiện môi trường và bảo đảm mỹ quan đô thị. Ông Nguyễn Văn Phước - phó giám đốc Sở TN-MT TP - cho biết:

866BWQo3.jpgPhóng to
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn gần cầu số 4) đầy rác - Ảnh: M.Trường

- Trước đây, UBND TP đã cấp kinh phí cho việc vớt rác trên bốn tuyến kênh chính ở TP là: Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - kênh Đôi, kênh Tẻ - Bến Nghé. Đến năm 2009, UBND TP ngừng cấp kinh phí cho hoạt động này và giao UBND các quận huyện đảm trách việc giữ gìn vệ sinh trên kênh rạch và giám sát, xử phạt nghiêm đối với các hành vi xả rác, đổ chất thải xuống kênh rạch.

Tuy nhiên từ đó đến nay, tình hình xả rác, chất thải trên kênh rạch vẫn còn, chất lượng vệ sinh trên các kênh ngày càng xấu, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường sống của người dân xung quanh nên Sở TN-MT đề xuất TP cấp lại kinh phí cho hoạt động này.

* Mỗi năm cần bao nhiêu tiền để chi cho việc vớt rác trên bốn tuyến kênh chính, thưa ông?

- Năm 2008, kinh phí cho việc vớt rác ở bốn tuyến kênh trên khoảng 8 tỉ đồng. Chi phí này rất thấp so với những chi phí vệ sinh khác (như quét rác đường phố khoảng 175 tỉ đồng/năm, thu gom, vận chuyển rác đô thị khoảng 351 tỉ đồng/năm) nhưng hiệu quả cải thiện môi trường rất lớn. Nếu năm nay phục hồi việc vớt rác trên kênh rạch thì kinh phí sẽ tăng so với năm 2008 do giá xăng dầu, nhân công... tăng.

* Những tuyến kênh nhỏ khác ở TP cũng rất ô nhiễm, liệu sở có kế hoạch vớt rác trên những tuyến kênh này?

- Hiện sở đang nghiên cứu, kết hợp với các sở ngành liên quan khảo sát chất lượng vệ sinh môi trường ở tất cả các tuyến kênh rạch trên địa bàn TP và lập kế hoạch để mở rộng vớt rác trên các tuyến kênh cần thiết. Sau khi phân tích, chúng tôi sẽ trình UBND TP những tuyến kênh cần được TP chi ngân sách để vớt rác.

Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường nước và môi trường sống của người dân ven kênh cần phải phối hợp nhiều biện pháp chứ không chỉ dừng lại ở việc vớt rác trên kênh. Các quận huyện, phường xã cần vận động, tuyên truyền để người dân không xả rác xuống kênh rạch. Bên cạnh đó, chính quyền phải có cách thu gom triệt để rác thải ở khu vực ven sông, ven kênh như đặt các thùng rác công cộng dọc theo kênh có bờ kè, đường đi, hỗ trợ chi phí thu gom rác cho các hộ dân nghèo ven kênh, hỗ trợ thêm thù lao cho người thu gom rác dân lập khu vực ven kênh rạch...

Đồng thời các phường xã phải cử lực lượng kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử phạt đối với hành vi xả rác xuống kênh.

Rác nhiều, xử lý ít

P.15, Q.Tân Bình có hai kênh đi qua là kênh Tân Trụ và kênh Hi Vọng. Người dân ở ven hai kênh này khổ sở vì phải sống chung với rác thải đủ loại từ trên bờ đến dưới nước và mùi hôi từ nước kênh bị ô nhiễm.

Ông Phạm Phú Dũng, chủ tịch UBND P.15, cho biết rất khó bắt quả tang người xả rác vì họ xả vào ban đêm hoặc canh giờ không có người. Từ trước đến nay, phường chỉ mới xử lý một trường hợp xả rác ven kênh vào giữa năm 2011, người xả rác bị phạt 100.000 đồng (theo nghị định 73 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội). Những năm gần đây, năm nào phường cũng bỏ kinh phí để nạo vét hai đoạn kênh này.

D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên