24/06/2014 06:56 GMT+7

TP.HCM: kinh tế đang thoát khỏi quỹ đạo tăng trưởng chậm

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Đó là nhận định của Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM đưa ra tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP sáu tháng đầu năm 2014 ngày 23-6.

Ngoài ra, lĩnh vực xuất khẩu của TP cũng vượt qua khó khăn so với các tháng đầu năm, tiếp tục tăng trưởng khá. Doanh thu dịch vụ du lịch, giao thông vận tải đều tăng so với cùng kỳ năm 2013 chứng tỏ các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của TP đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Ông Thái Văn Rê, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP, cho biết tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP quý 2 tăng 8,7% (quý 1 tăng 7,7%). GDP trong sáu tháng đầu năm ước đạt 378.915 tỉ đồng, tăng 8,2%. Ông Rê đánh giá: “Mức tăng này cao hơn cùng kỳ hai năm liên tiếp (sáu tháng đầu năm 2012 tăng 8,1%, sáu tháng đầu năm 2013 tăng 7,9%) cho thấy tình hình kinh tế đã ổn định so với các năm 2012, 2013.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông, điều đáng ghi nhận là tỉ lệ xuất nhập khẩu của TP vẫn tương đối ổn định. Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,182 tỉ USD, tăng 5,72%. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,44 tỉ USD, giảm 2,2%. Điều này cho thấy những ứng phó linh động của chính quyền TP. “Những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp TP chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay cần chuyển đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” - ông Rê nói.

“Tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm đã khôi phục và dần ổn định, tạo tiền đề quan trọng cho các tháng cuối năm. TP đã xác định mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2014 phải tăng 9,5-10%. Đây là một mục tiêu rất quan trọng, đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội” - Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP.HCM dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực và đặc biệt là vùng biển Đông thời gian sáu tháng cuối năm 2014 và năm 2015 sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Điều đó sẽ tác động trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước và TP.HCM. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường lớn sẽ bị thu hẹp. Do đó, giải pháp trọng tâm của TP trong những tháng cuối năm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Cụ thể: TP đẩy mạnh phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; xây dựng đề án phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để hạn chế tối đa nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Đa dạng hóa, mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại và đẩy mạnh công tác tiếp thị thường xuyên thông qua việc tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm tại nước đối tác. Ông Trần Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, đề xuất: “Cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu có thể chuyển nhanh sang thị trường các nước khu vực Asean như Malaysia, Indonesia, thị trường các nước đang trong quá trình thương lượng theo Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương”.

Hình thành khu kinh tế đặc biệt trên 4 quận, huyện

Chiều 23-6, UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ quý 2-2014. Trả lời câu hỏi của các báo về nguyên nhân thành lập khu kinh tế đặc biệt tại TP.HCM, ông Võ Văn Luận - chánh Văn phòng UBND TP - cho biết: “Sau khi rà soát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận thấy TP còn nhiều vị trí, nhiều khu vực chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Do đó Bộ Kế hoạch và đầu tư đã gợi ý TP nên thành lập các khu kinh tế đặc biệt tại các vị trí trọng yếu. Từ đề xuất của các sở ngành, quận huyện và tình hình thực tế, UBND TP dự kiến hình thành khu kinh tế đặc biệt trên địa bàn bốn quận huyện: 7, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Hi vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới của TP trong tương lai, đặc biệt là phát triển kinh tế biển”.

Liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND TP ban hành đối với ông Dương Công Kiên (người ở tiệm vàng Hoàng Mai, quận Bình Thạnh), ông Luận thông tin UBND TP đang xem xét giải quyết khiếu nại của ông Dương Công Kiên, chưa thể kết luận đúng sai. “Dĩ nhiên, UBND TP đã ban hành thì sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Theo quy trình giải quyết khiếu nại, đến khi có phán quyết của người có thẩm quyền giải quyết cuối cùng theo quy định của Luật khiếu nại thì UBND TP sẽ chấp hành”- ông Luận nói.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên