04/08/2005 18:33 GMT+7

TP.HCM: đóng cửa nhà trẻ không phép trước 31-12

Theo VnExpress
Theo VnExpress

UBND thành phố vừa chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo kiên quyết chấm dứt hoạt động của hơn 4.000 nhà trẻ không phép trên địa bàn thành phố trước ngày 31-12.

Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Sở cho biết:

- Cuộc họp đầu tháng 7 với UBND thành phố, đại diện các quận, huyện đều thể hiện quyết tâm giải quyết các cơ sở nuôi dạy trẻ không phép trên địa bàn của mình. Chỉ đạo của Ủy ban là sẽ đóng cửa trước thời hạn 31-12, nhưng đến hôm nay (3-8) đã có một số quận, huyện gửi văn bản cam kết hoàn tất việc xử lý các điểm giữ trẻ không phép trước 30-9. Tuy nhiên tôi chưa thể nêu tên các quận huyện này được vì một lẽ, cam kết là một chuyện còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác.

Quan điểm của Sở là áp dụng những biện pháp hết sức cụ thể và khả thi để giải quyết tình trạng tồn tại nhà trẻ không phép. Ví dụ, bám sát các cơ sở giữ trẻ không phép để buộc đóng cửa nếu không đảm bảo tiêu chuẩn chăm sóc trẻ; tách trẻ đang được gửi giữ ở các cơ sở này sang những nhà trẻ có giấy phép ở khu vực xung quanh.

Thậm chí, sẽ công bố đến các bậc phụ huynh yếu tố chất lượng của các cơ sở giữ trẻ không phép A, B, C... để phụ huynh biết và gửi con ở nơi khác đàng hoàng hơn. Ở đây có vai trò hết sức quan trọng của UBND phường, xã để quản lý trên địa bàn mình. Nguyên tắc là cơ quan nào có chức năng cấp giấy phép thì có trách nhiệm xử lý hoặc đóng cửa cơ sở vi phạm.

* Hệ thống trường mầm non tại thành phố đang có nguy cơ "quá tải". Việc các cơ sở giữ trẻ không phép bị đóng cửa sẽ đẩy trẻ đang gửi ở đây về trường có phép, tạo thêm áp lực cho hệ thống trường mầm non của thành phố. Bà đánh giá thế nào về tình trạng này?

- Trẻ luôn có đủ điều kiện vui chơi tại nhà trẻ công và bán công. Đối với lứa tuổi nhà trẻ, thành phố đảm bảo được cho 20% trẻ được đến trường. Các trường mầm non cũng giải quyết việc học cho 75% trẻ lứa tuổi mẫu giáo và 90-95% trẻ từ 5 tuổi trở lên. Các trường dân lập tư thục đang chiếm 1/3 số lượng trường mầm non trên địa bàn thành phố và cũng đang chăm sóc cho khoảng 1/3 trẻ ở lứa tuổi này.

Và đúng là vẫn còn một số lượng trẻ bị "trống trường". Nhiều gia đình tự thu xếp bằng cách chăm sóc tại nhà, thuê người trông trẻ và nhất là gửi vào các nhà trẻ không phép nên có thể lại nảy sinh những bất cập.

Cũng vì lý do này nên UBND thành phố chỉ đạo, các cơ sở nuôi dạy trẻ không phép nếu đủ điều kiện thì sẽ được quận, huyện hướng dẫn đăng ký kinh doanh. Một số trường hợp "dưới chuẩn" một chút nhưng có thể chấp nhận được thì cho phép tồn tại trong thời gian ngắn và trong thời gian đó phải có biện pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ theo đúng quy định thì mới được cấp phép. Nếu không sẽ kiên quyết đóng cửa. Đối với các trường hợp cơ sở giữ trẻ không phép xuất hiện sau ngày 31-12, chắc chắn sẽ bị địa phương yêu cầu ngưng ngay lập tức.

* "Chuẩn" của một cơ sở, nhóm giữ trẻ gia đình có thể hiểu là như thế nào, thưa bà?

- Theo quy định của ngành, tiêu chuẩn của một điểm nuôi dạy trẻ như sau: cô nuôi dạy trẻ phải có trình độ tối thiểu là sơ cấp; mặt bằng nuôi dạy trẻ rộng 2m2/cháu; dinh dưỡng tối thiểu đảm bảo cho trẻ đạt 60 Kcal/ngày tại nhà trẻ; an toàn, vệ sinh...

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của một số nhà trẻ không phép, phần lớn giáo viên chưa qua trường lớp đào tạo hay mặt bằng chật hẹp trong khi số lượng trẻ chăm sóc quá đông, chuẩn này phải được áp dụng một cách linh hoạt. Ví dụ, tạm chấp nhận diện tích mặt bằng 1m2/cháu hay tỷ lệ dinh dưỡng 40-50 Kcal/ngày, tổ chức bồi dưỡng theo kiểu "cầm tay chỉ việc" cho các cô nuôi dạy thay vì phải qua đào tạo chính quy. Tuy nhiên tiêu chuẩn này chỉ "co" lại trong một thời gian nhất định tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi điểm nuôi giữ trẻ. Nếu quá thời gian này mà tình hình không được cải thiện thì chỉ có cách đóng cửa mà thôi.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình nếu đủ điều kiện nuôi dạy trẻ theo quy định thì được quận - huyện hướng dẫn cấp phép, tạo điều kiện cho hoạt động ổn định. Các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động thì phải bị đình chỉ ngay, kiên quyết không để phát sinh cơ sở mới không phép. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở ngành, địa phương xử lý các cơ sở vi phạm và chỉ đạo các trường mầm non công, bán công tiếp nhận trẻ khi sắp xếp hoặc chấm dứt hoạt động của các cơ sở không phép... UBND quận, huyện có trách nhiệm quy hoạch mạng lưới trường lớp cho ngành học mầm non, thực hiện xã hội hóa giáo dục...

* Tin, bài liên quan:

- Quá tải các nhà giữ trẻ tư nhân- TP.HCM: sặc cháo, một bé chết tại nhà giữ trẻ tư nhân- “Đau đầu” vì những cơ sở giữ trẻ không phép- Cơ sở mầm non tư nhân: “Mở cửa” để quản lý- Một cơ sở giữ trẻ tư nhân thiếu trách nhiệm khiến trẻ tử vong?

Theo VnExpress
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên