![]() |
Kẹt xe thường xuyên xảy ra ở cửa ngõ miền Đông TP.HCM (Bình Triệu - quốc lộ 13) do dự án mở rộng tuyến đường này chưa có tiền để thực hiện - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
UBND TP còn khẳng định sẽ đeo đuổi đường hướng chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, giải quyết hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng... Riêng năm 2011, năm khởi đầu kế hoạch năm năm (2011-2015), phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) 12%, thu ngân sách đạt 177.000 tỉ đồng. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhấn mạnh đây là hai trong số 22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần quyết tâm thực hiện bằng được.
Thiếu vốn, thiếu điện...
Ông Thái Văn Rê - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP - nói vốn cho đầu tư phát triển năm 2011 còn gặp khó khăn. Tổng nguồn cân đối cho mục tiêu này khoảng 15.000 tỉ đồng, trong đó dành cho đối ứng vốn ODA khoảng 5.000 tỉ đồng, cộng với phần vốn dành cho hai dự án lớn là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi và tuyến metro số 1 thì phần còn lại dành cho các nhu cầu đầu tư khác chỉ còn khoảng vài nghìn tỉ đồng.
Để gỡ khó, ông Rê cho rằng cần áp dụng rộng rãi các hình thức đầu tư hạ tầng như BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao), BT (đầu tư - chuyển giao), PPP (công - tư kết hợp), đầu tư tư nhân... UBND TP cần kiến nghị với các cơ quan chức năng cho phép TP được thực hiện thí điểm thanh toán theo từng giai đoạn, theo khối lượng thi công hoàn thành đối với các dự án hạ tầng thực hiện hình thức BT nhằm giảm khó khăn cho nhà đầu tư. Chủ trương của TP.HCM là tranh thủ tối đa các nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn.
“Khai thác có hiệu quả quỹ đất đô thị để tạo nguồn vốn đầu tư” là giải pháp tạo vốn cho các đầu tư công được bà Đào Thị Hương Lan - giám đốc Sở Tài chính TP - kiến nghị, đồng thời cho rằng UBND TP cần kiên quyết hơn trong việc thu hồi các mặt bằng sử dụng không hiệu quả để phục vụ các nhu cầu đầu tư phát triển. Bà Lan kiến nghị UBND TP cần sớm thông qua danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, đồng thời hoàn chỉnh cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn xã hội.
Ngoài khó khăn về vốn, các dự báo cho thấy năm 2011 TP tiếp tục đối diện với điệp khúc thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt... Theo UBND TP, năm ngoái sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho TP ước đạt 16 tỉ kWh. Ông Nguyễn Văn Lai - giám đốc Sở Công thương TP - cho biết đã làm việc với ngành điện, cho thấy sản lượng điện cung ứng chỉ có thể tăng 7-8% so với năm trước, trong khi nhu cầu điện theo kế hoạch kinh tế - xã hội đã đề ra phải ở mức tăng 13-14% mới có thể đáp ứng nhu cầu.
Chú trọng an sinh, an toàn xã hội
TP.HCM xác định “bảo đảm khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng và tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế”, tiếp tục đẩy mạnh phát triển chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và thế mạnh. Trong đó tập trung nâng cao tỉ trọng các ngành thương mại quốc tế, tài chính, tín dụng ngân hàng, dịch vụ cảng - kho bãi, du lịch, bất động sản...
Ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch thường trực UBND TP - cho rằng TP.HCM không thể tiếp tục mô hình tăng trưởng như những năm qua, mà trước những diễn biến mới cần thay đổi về nhận thức lẫn cách làm, chẳng hạn như việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Theo ông, không thể tăng trưởng mà không gắn liền với việc giải quyết vấn đề môi trường, kẹt xe, ngập nước... Việc tăng GDP cũng không thể không gắn liền với việc giải quyết an sinh xã hội.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đồng tình cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, “không thể chấp nhận đầu tư dàn trải và manh mún, cần đầu tư có trọng điểm”. Ông Quân cũng yêu cầu rà soát hơn 1.000 dự án chưa hoàn tất thủ tục, chấm dứt tình trạng một số quận huyện đề xuất nhiều dự án nhưng để đó không triển khai.
Ông NGUYỄN THÀNH TÀI (phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM): Giải quyết vấn đề phát sinh chưa tương xứng Chúng ta đầu tư một công trình nhằm mục tiêu phát triển nhưng dẫn đến hệ quả là ô nhiễm, kẹt xe... thì ở chừng mực nào đó, việc đầu tư này không mang lại hiệu quả mong muốn. Nếu đầu tư một nhà máy sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm nhưng chất thải không được đầu tư để xử lý tương xứng, gây ô nhiễm thì việc bỏ chi phí xử lý hệ quả môi trường phát sinh sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với hiệu quả đầu tư của nhà máy mang lại. Tuy nhiên, nếu cho rằng quá say mê với tăng trưởng kinh tế mà thiếu quan tâm vấn đề môi trường, vấn đề xã hội thì chưa đúng. Thực tế chúng ta có quan tâm vấn đề môi trường, đồng bộ trong quy hoạch... nhưng sự đầu tư giải quyết những vấn đề phát sinh chưa tương thích với yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Chính điều này đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quá trình đầu tư phát triển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận