12/04/2013 04:30 GMT+7

TP.HCM: bữa ăn mất cân đối đang tăng

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - TP.HCM đối diện với sáu vấn đề về dinh dưỡng cần phải giải quyết trong vòng bảy năm tới. Trong đó có khuynh hướng dinh dưỡng không hợp lý, bữa ăn mất cân đối gia tăng phức tạp.

NMJJY4do.jpgPhóng to
Hướng dẫn nấu ăn cho trẻ nhỏ tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Ban chỉ đạo chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TP.HCM đã nhận định như vậy tại hội nghị triển khai chiến lược này ở TP cuối tuần qua. Bên lề hội nghị, PV Tuổi Trẻ đã trao đổi với bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Bác sĩ Ngọc Diệp nói:

- TP.HCM đang đối diện với các thách thức lớn về sức khỏe của người dân. Đó là tình trạng thừa cân, béo phì và sự gia tăng một số bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư... Đặc biệt, mô hình ăn uống của người dân TP có chiều hướng phát triển phức tạp, bữa ăn của nhiều đối tượng vừa thừa vừa thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng.

Béo phì nhiều hơn thấp còi

Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi tại TP.HCM hiện là 11%, cao hơn tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi. Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở phụ nữ tuổi sinh đẻ lên đến gần 36%, ở trẻ tiểu học lên đến 38,5%. Tỉ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành lên đến 7% và tỉ lệ rối loạn chuyển hóa đường là 27%.

* Bác sĩ cho biết cụ thể bữa ăn của người dân TP có xu hướng phát triển mất cân đối và gia tăng phức tạp thế nào?

- Bữa ăn cân đối của một người phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết theo lứa tuổi. Giám sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP cho thấy đa số người dân TP ăn đủ năng lượng khuyến nghị.

Tuy nhiên, xu hướng ăn uống mất cân đối lại nổi trội ở một bộ phận dân cư. Nổi cộm là việc tiêu thụ năng lượng quá mức cho phép ở trẻ em, trong đó một bộ phận trẻ lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học có xu hướng tiêu thụ năng lượng nhiều hơn nhu cầu cần thiết của lứa tuổi. Không ít học sinh, người dân sống ở khu vực cận nội thành và một bộ phận giới làm việc văn phòng tiêu thụ quá nhiều chất béo no, chất béo trans dạng trung gian không tốt cho sức khỏe (có thể gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch máu). Ngược lại, đối tượng công nhân nhập cư lại có xu hướng suy dinh dưỡng rất cao với gần 30% (nghiên cứu năm 2010 của Trung tâm Dinh dưỡng TP). Gần 19% công nhân có thói quen bỏ các bữa ăn chính, trong đó bỏ ăn sáng chiếm 12,7%.

Ngoài ra xu hướng sử dụng nhiều thức uống có đường, có gas tăng nhiều và rất phổ biến cũng không tốt cho sức khỏe. Xu hướng ăn ít rau và trái cây cũng rất nhiều và thường rơi vào đối tượng làm việc văn phòng và học sinh, đặc biệt là trẻ tiểu học. Một nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP trên trẻ tiểu học cho thấy trẻ mới ăn đạt 50% nhu cầu rau và 30% nhu cầu trái cây hằng ngày.

* Nguyên nhân của xu hướng này là gì, thưa bác sĩ?

- Nguyên nhân đầu tiên là người dân chưa có kiến thức đúng về dinh dưỡng đối với từng đối tượng, từng lứa tuổi, từng loại lao động. Do đó họ chưa hiểu thế nào là đủ, là thiếu. Cụ thể, càng lớn tuổi nhu cầu năng lượng càng phải giảm nhưng người dân không biết giảm bao nhiêu là vừa, hoặc tưởng là không phải giảm, thậm chí còn nghĩ người già phải ăn thật nhiều để giữ sức khỏe, sống lâu. Có khi người dân lại quan niệm về thể trạng, thể hình chưa đúng. Như với trẻ nhỏ phải bụ bẫm, người già phải mập mạp, phốp pháp mới sang.

Nguyên nhân thứ hai là do kinh tế phát triển và quá trình hội nhập. Nhiều gia đình có thu nhập khá hơn, có điều kiện tiếp cận thực phẩm nhiều hơn và thực phẩm bây giờ có giá trị dinh dưỡng cao hơn xưa. Điều này lý giải vì sao người dân sống ở vùng cận đô thị ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng nên béo phì nhiều hơn.

Nguyên nhân thứ ba là lối sống đô thị: xu hướng hoạt động tĩnh tại (sử dụng máy tính, xem tivi, chơi game...) tăng lên rất nhiều, đặc biệt ở học sinh; sống về khuya và ít thời gian để làm những công việc bình thường do phải dành thời gian cho công việc, di chuyển trên đường quá nhiều nên phải ăn thức ăn nhanh cho tiện.

* Kéo dài tình trạng ăn uống mất cân đối sẽ dẫn đến hậu quả thế nào?

- Nếu ăn thừa năng lượng và thừa chất béo thì đầu tiên sẽ dẫn tới thừa cân béo phì và sau đó là rối loạn mỡ máu, tăng mỡ máu, dẫn đến các nguy cơ về tim mạch như xơ mỡ động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và tăng huyết áp... Thứ hai là dẫn đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Thứ ba là một số bệnh lý ung thư ở đường tiêu hóa có liên quan đến ăn uống. Thứ tư là tăng nguy cơ gây vô sinh ở cả nam lẫn nữ. Người thừa cân béo phì còn mặc cảm tâm lý.

Trường hợp ăn uống thiếu vi chất (iôt, sắt, vitamin C, canxi, vitamin A, vitamin D...) sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa và một số bệnh khác. Ở VN khoảng 40% phụ nữ đang mang thai thiếu sắt và khi thiếu sắt hay có biến cố sinh sản, tai biến sản khoa. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng khả năng mẫn cảm với bệnh nên hay bị nhiễm trùng, tổn thương kết mạc, võng mạc, giác mạc và ảnh hưởng đến phát triển nhận thức. Thiếu vitamin D, trẻ em thì còi xương, còn người lớn thì nhuyễn xương, loãng xương...

* Làm sao để bữa ăn của người dân cân đối và hợp lý hơn?

- Truyền thông giáo dục sức khỏe là giải pháp cơ bản để hướng đến thay đổi hành vi, thói quen ăn uống của người dân. Đối với từng người dân, khi kiến thức có thì phải cố gắng thay đổi hành vi. Không làm được điều này thì dù có bao nhiêu bác sĩ, bao nhiêu thuốc men, phương tiện máy móc cũng thua. Thứ hai là tạo điều kiện cho người dân lựa chọn những loại thực phẩm đảm bảo an toàn, cân đối về năng lượng và dinh dưỡng.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên