Metro TP.HCM thiếu cả vốn lẫn cơ chế. Trong ảnh: tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang xây dựng đoạn ngang đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nếu đề xuất trên được chấp thuận thì tiến độ thi công các tuyến metro vốn đang rất ngổn ngang ở TP.HCM sẽ được đẩy nhanh, phục vụ việc đi lại của người dân.
Theo quy hoạch, hiện TP.HCM có tới 8 tuyến metro với tổng chiều dài lên hơn 220km.
Vướng nhiều thủ tục
Trong báo cáo do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký gửi Bộ GTVT về chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đã nêu lên những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển đường sắt đô thị ở TP.HCM: thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm.
Thời gian chuẩn bị các dự án mất 2-3 năm, từ khâu đề xuất ý tưởng đến khi ký điều ước quốc tế, nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác, theo ông Tuyến, việc quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của nhà tài trợ (theo điều ước quốc tế) có sự khác biệt nên mất nhiều thời gian xin ý kiến đồng thuận. Những yếu tố trên làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án metro trên địa bàn TP.HCM.
Metro Bến Thành - Suối Tiên - Video: TTO
Phân cấp, phân quyền cho địa phương
Đề cập tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang triển khai chậm hiện nay, ông Tuyến cho rằng nguyên do là việc tham mưu điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa đúng thẩm quyền.
Theo ông Tuyến, khi điều chỉnh tăng vốn từ 17.388 tỉ lên 47.325 tỉ đồng, đáng ra dự án này phải được Quốc hội phê duyệt, thông qua. Tuy nhiên, hiện việc này chưa thực hiện được.
Một bất cập khác cũng được ông Tuyến nêu ra trong báo cáo là theo Luật đường sắt năm 2017, việc phát triển metro phải phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương và tạo động lực cho quá trình phát triển đô thị. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, đối với các dự án metro có vốn đầu tư hàng tỉ USD, nếu chiếu theo Luật đầu tư công phải được Thủ tướng phê duyệt dự án (những dự án trên 10.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội). Do đó, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.
Chính vì những khó khăn trên, ông Tuyến đã có báo cáo và đề xuất gửi Bộ GTVT với tinh thần cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.
“Tiếp tục cho phép TP.HCM được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TP.HCM đặt ra trong quá trình phát triển nhưng chưa có quy định, hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Khi thực hiện thí điểm, TP.HCM phải có đề án xin Chính phủ cho thí điểm về từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt với những vấn đề lớn và nhạy cảm
Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc giữa Bộ Chính trị với Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 19-10-2017 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020
“Đồng ý về nguyên tắc việc TP.HCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo đối với TP.HCM trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn. Những vấn đề liên quan đến thẩm quyền Quốc hội thì tổng hợp, đề xuất, những vấn đề mới phát sinh thì xin đề xuất làm thí điểm
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc ngày 6-9-2017 giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM
* Ngày 24-11-2017: Cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM đã được Quốc hội thống nhất thông qua với nhiều nội dung lớn như: quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp…
* Ngày 15-1-2018: Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM chính thức có hiệu lực
Linh hoạt điều chỉnh vốn vay ODA
Liên quan việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Hoàng Hải, cục phó Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho rằng không có chuyện chậm trễ giải ngân chậm vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Theo ông Hải, Luật ngân sách nhà nước quy định từ năm 2016 trở đi, mọi khoản giải ngân phải theo đúng dự toán Quốc hội giao. Không thể có cơ chế chuyển vốn giải ngân chậm của địa phương này sang địa phương khác, bộ này sang bộ khác.
Dự án này giải ngân chậm, dự án khác đói vốn nhưng điều chỉnh vốn là không thể.
Do đó, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn một số điều của Luật quản lý nợ công sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7.
Hướng xây dựng có tính đến giải quyết vướng mắc trong triển khai dự án, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, nhất là việc làm sao linh hoạt điều chỉnh vốn ODA, vốn vay ưu đãi để làm sao cho giải ngân và sử dụng vốn hiệu quả nhất.
Hai bộ ủng hộ TP.HCM tự chủ
Kiểm tra thi công bên trong đường hầm metro từ nhà ga Ba Son về ga Nhà hát TP - Ảnh: HỮU KHOA
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết bộ đồng ý với kiến nghị của TP.HCM về việc cần nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quyết định phê duyệt các dự án metro.
"Bởi theo quy định của Luật xây dựng và các nghị định hướng dẫn, Bộ GTVT là cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật của dự án đường sắt đô thị và một số dự án giao thông khác" - ông Đông nói.
Tuy nhiên, trước đây TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng, cho phép địa phương được quyết định phê duyệt các dự án metro. "Hồi đó, cả bộ lẫn UBND TP.HCM đều thống nhất báo cáo Thủ tướng giao TP.HCM và Thủ tướng cũng đã đồng ý về chủ trương này.
Về nguyên tắc, Bộ GTVT ủng hộ đề nghị về phân cấp phân quyền, nhưng thẩm quyền quyết định không phải của bộ. Để thực hiện chủ trương này cần phải rà lại các văn bản quy phạm pháp luật, xem vướng chỗ nào để cấp có thẩm quyền quyết định.
Như vậy, Chính phủ phải trình Quốc hội sửa một số luật liên quan như Luật đầu tư công, Luật xây dựng... và các nghị định liên quan để triển khai" - ông Đông lý giải.
Theo ông Đông: việc TP.HCM gửi Bộ GTVT báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam, trong đó có kèm theo những kiến nghị nói trên là theo yêu cầu của Ban Kinh tế trung ương. Đồng thời, đây cũng là dịp tổng hợp để báo cáo lên Chính phủ.
Trong khi đó, theo ông Lê Tuấn Anh - vụ phó Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), một trong những nguyên nhân khiến một loạt dự án lớn, trong đó có dự án metro TP.HCM, chậm tiến độ, đội vốn là do cơ quan bố trí vốn không bố trí đủ vốn, kịp thời theo tiến độ thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ, ông Anh cho rằng nên trao quyền cho địa phương tự chủ trong việc thực hiện dự án metro. Bởi TP.HCM đã có nghị định cơ chế đặc thù rồi nên có thể tự chủ trong việc này.
Theo Bộ Tài chính, cơ chế đặc thù cho phép mức dư nợ vay của TP.HCM tăng thêm so với trước đây 20%, tức là TP.HCM được vay tối đa 90% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng.
Việc tăng mức giới hạn dư nợ vay bảo đảm cho TP.HCM có thể vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án lớn.
Với mức tăng trên, theo dự toán năm 2018, dư nợ vay tối đa của TP.HCM vào khoảng 70.000 tỉ đồng, tăng 15.700 tỉ đồng.
TUẤN PHÙNG - LÊ THANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận